Nguyễn Văn Cảnh

Lái xe gây tai nạn có phải bồi thường và bị truy cứu TNHS?

Bác em là tài xế xe khách đường dài, vừa qua, bác em lái xe đâm phải 1 xe máy chở 3 người, 2 người lớn và một trẻ em, 2 người lớn (là bố mẹ) tử vong, đứa bé 8 tuổi bị thương nặng, gia đình còn có 2 con khác nữa, một em 14 tuổi và một em 12 tuổi. Cho em hỏi bác em sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự ở mức độ nào? Gia đình bác em ngoài chu cấp tiền chữa trị cho em nhỏ bị thương thì có phải nuôi dưỡng 3 em cho đến khi 18 tuổi hay không?

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi yêu cầu tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia. Với trường hợp của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:

 

Theo thông tin bạn cho biết, bác bạn lái xe đâm phải 1 xe máy chở 3 người, 2 người lớn và một trẻ em, 2 người lớn (là bố mẹ) tử vong, đứa bé 8 tuổi bị thương nặng. Như vậy, trong trường hợp này, để xác định trách nhiệm pháp lý của các bên thì phải căn cứ vào yếu tố lỗi được xác định trong biên bản điều tra tai nạn giao thông của cơ quan công an. Theo đó, bên nào có lỗi trong việc gây ra tai nạn thì bên đó phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt và có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về việc gây ra tai nạn của mình nếu gây hậu quả nghiệm trọng.

 

Với trường hợp của bác bạn, theo phần trình bày ở trên thì không có cơ sở để xác định lỗi thuộc về bên nào? Vì vậy, chúng tôi chia thành các trường hợp sau:

 

Trường hợp 1: Nguyên nhân tai nạn là hoàn toàn do lỗi của bác bạn (vi phạm luật giao thông đường bộ: như đi sai làn đường, vượt quá tốc độ…) làm thiệt hại về sức khỏe, tính mạng cho bên điều khiển xe máy.

 

Trong trường hợp này, nếu có căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự thì bác bạn sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 260 Bộ luật hình sự sửa đổi, bổ sung 2017 như sau:

 

“Điều 260. Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ

 

1. Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

 

a) Làm chết người;

 

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

 

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

…”.

 

Ngoài vấn đề phải chịu trách nhiệm hình sự, ba bạn phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho gia đình nạn nhân theo quy định tại Điều 591 Bộ luật dân sự 2015 như sau:

 

Điều 591. Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm

 

1. Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm:

 

a) Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm theo quy định tại Điều 590 của Bộ luật này;

 

b) Chi phí hợp lý cho việc mai táng;

 

c) Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng;

 

d) Thiệt hại khác do luật quy định.

 

2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp tính mạng của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá một trăm lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

 

Như vậy, đối chiếu quy định trên, về mức bồi thường các bên có thể thương lượng, thỏa thuận với nhau. Trường hợp không thỏa thuận được, có thể yêu cầu Tòa án xem xét và quyết định mức bồi thường dựa trên thiệt hại thực tế.

 

Trường hợp 2: Bác bạn được xác định là không có lỗi và việc xảy ra tai nạn dẫn đến thiệt hại về tính mạng là do hoàn toàn lỗi của bên điều khiển xe máy. Trong trường hợp này, bác bạn sẽ không phải chịu trách nhiệm bồi thường bất kỳ khoản chi phí nào cho gia đình nạn nhân. Ngược lại, phía gia đình bác bạn còn có thể yêu cầu bên người điều khiển xe máy bồi thường nếu bác bạn có thiệt hại về sức khỏe và tài sản.

 

Trường hợp 3: Bác bạn và bên người điều khiển xe máy được xác định là cùng có lỗi (lỗi hỗn hợp) trong việc gây ra tai nạn và dẫn đến thiệt hại. Trong trường hợp này, căn cứ theo nguyên tắc phát sinh trách nhiệm bồi thường theo quy định tại Điều 584 Bộ luật dân sự 2015 và căn cứ phát sinh thiệt hại được quy định tại Mục 1 Phần 1 Nghị quyết 03/2006/NQ- HĐTP thì bên người điều khiển xe máy và gia đình bác bạn đều phải có trách nhiệm bồi thường đối với thiệt hại xảy ra do hành vi của mình gây nên. Ngoài ra, các bên có hành vi vi phạm luật giao thông đường bộ gây tai nạn dẫn tới chết người thì sẽ phải xem xét trách nhiệm hình sự của tất cả các bên có lỗi.

 

Trân trọng!

Phòng luật sư tư vấn – Công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo