LS Đào Quang Vinh

Không có giấy tờ vay tiền,con nợ có nên lật ngược tình thế?

Bạn em có vay tiền nóng bên ngoài với lãi suất 1 tháng là 15℅, bạn em vay 5 triệu cách đây gần 1 năm rồi. Tháng nào cũng phải đóng 750 ngàn tiền lãi, khoảng 2 tháng gần đây do bạn em gặp khó khăn về tiền bạc nên hẹn nợ đến tháng 3 tới là đóng lãi những tháng chưa đóng.

Bên cho vay dọa sẽ đến nhà thu hồi nợ và lãi, sẽ đến chổ làm để đòi nợ và thưa ra pháp luật. Nhưng mà trong khi vay thì chỉ qua miệng, hoàn toàn không có giấy tờ gì chứng minh cũng không cầm cố bất cứ thứ gì. Bạn em định không trả vốn và lãi cho bên vay luôn, vì nếu có ra pháp luật thì giữa 2 bên cũng không có giấy tờ gì chứng minh vay tiền cả, và em nghĩ bạn em có thể kiện ngược lại về tội vu khống trong trường hợp bịa đặt hay không?
 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến công ty Luật Minh Gia, về câu hỏi của bạn chúng tôi xin trả lời như sau:

 

Theo quy định tại Điều 463 Bộ luật Dân sự năm 2015:

 

“Điều 463. Hợp đồng vay tài sản

 

Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.”.

 

Bộ luật Dân sự không yêu cầu cụ thể về hình thức của hợp đồng vay tài sản, do đó giao dịch vay tài sản có thể được thực hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể. Tuy nhiên, hình thức không phải là yếu tố quyết định hiệu lực của hợp đồng vay tiền. Nếu như bên cho vay tiền có lưu lại bất cứ bằng chứng nào về việc bạn của bạn vay tiền của họ..như một đoạn ghi âm hay một tin nhắn… thì lúc này việc khởi kiện bất lợi sẽ đến với bạn. Hơn nữa, khi họ đòi bạn có thể thương lượng và nói rõ lý do với họ. Nếu họ dọa đánh bạn hãy ghi âm và để lại tin nhắn đó để làm căn cứ. Lúc này bạn mới có quyền khởi kiện họ và việc khởi kiện mang lại lợi ích cho mình.

 

Còn về tội vu khống, Điều 156 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về tội vu khống như sau:

 

“Điều 156. Tội vu khống

 

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:

 

a) Bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác;

 

b) Bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền.

 

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:

 

a) Có tổ chức;

 

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

 

c) Đối với 02 người trở lên;

 

d) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh cho mình;

 

đ) Đối với người đang thi hành công vụ;

 

e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;

…”.

 

Như vậy, nếu bạn khởi kiện họ về tội này, trong khi đó bên cho vay tuy không có giấy tờ vay nhưng họ có bất kì một bằng chứng nào thì ngược lại giống như kiểu gậy ông đập lưng ông. Chính bạn của bạn phải chịu về tội này ngay trước tòa.

 

Về việc vay tiền của bạn:

 

Theo quy định tại Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về lãi suất cho vay:

 

“Điều 468. Lãi suất

 

1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.

 

Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

 

Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.

 

2. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ.”.

 

Theo thông tin bạn cung cấp, với mức lãi suất do hai bên thỏa thuận là 750.000 đồng/tháng khi vay 5.000.000. Như vậy, mức lãi suất ở đây là 15%/tháng  đã vượt quá lãi suất theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2015.

 

Vì vậy, bạn có thể khởi kiện bên cho vay về tội cho vay nặng lãi được quy định tại Điều 201 Bộ luật hình sự:

 

“Điều 201. Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự

1. Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.”.

 

Đồng thời, với mức lãi suất của chủ nợ cho bạn của bạn vay là quá cao nên bạn có thể yêu cầu tòa án đưa về mức lãi suất cơ bản theo quy định của pháp luật.

 

Trân trọng!
CV.Phan Thị Uyên – Công ty Luật Minh Gia.
 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo