LS Lê Văn Chức

Khép vào tội chống người thi hành công vụ khi công an mặc thường phục

Anh tôi cùng nhóm bạn đi sinh nhật và xảy ra xô xát với một nhóm người trong đó có 1 người là công an (nhưng người này mặc thường phục). sau khi hòa giải nhóm anh tôi đi ăn đêm thì bị nhóm người này quay lại đánh.


Tuy nhiên họ dẫn thêm người nhưng lại không mang theo hung khí. Anh tôi đã chộp được con dao của nhà hàng và làm bị thương 2 người với thương tật là hơn 20%. Công an huyện đã truy tố anh tôi với tội danh chống người thi hành công vụ . Như vậy có đúng quy định pháp luật không? và theo quy định anh tôi sẽ bị xử lí như thế nào?
 

Trả lời: cảm ơn bạn đã gửi nội dung đề nghị tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia chúng tôi, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Theo Điều 330 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 thì Tội chống người thi hành công vụđược quy định như sau:

 

“Điều 330. Tội chống người thi hành công vụ

 

1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

 

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

 

a) Có tổ chức;

 

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

 

c) Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội;

 

d) Gây thiệt hại về tài sản 50.000.000 đồng trở lên;

 

đ) Tái phạm nguy hiểm.”

 

Theo đó một chỉ cấu thành tội chống người thi hành công vụ khi:

 

-  Có hành vi dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật. Về mặt chủ quan thì người có hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực phải biết đấy là người đang thi hành công vụ.

 

-  Người thi hành công vụ trong điều luật trên phải là người đang thi hành công vụ hợp pháp, mọi hành vi của họ tuân thủ đúng theo quy định của pháp luật và quy định nội bộ của ngành (bao gồm cả việc mặc trang phục theo đúng quy định). Những công an được mặc thường phục thì khi bắt giữ, khống chế đối tượng cũng phải mặc quân phục hoặc giới thiệu chức danh để thực hiện nhiệm vụ. Nếu người thi hành công vụ mà làm trái pháp luật, trái quy định thì người có hành vi xâm phạm không được coi là hành vi chống người thi hành công vụ.

 

Do đó, bạn cần xác định lại về việc anh của bạn có biết người kia là công an không?(dù họ mặc thường phục), họ có đang thi hành công vụ không? Hành vi họ can thiệp vào vụ xô xát của nhóm anh bạn có đúng pháp luật không? Hay phát sinh từ những tranh chấp dân sự cá nhân? Và căn cứ vào những yếu tố được phân tích bên trên để xác định chính xác hành vi của anh bạn.

 

Nếu như anh của bạn không biết người đó là công an và người đó không đang thi hành công vụ thì hành vi của anh bạn không thể cấu thành tội chống người thi hành công vụ mà có thể cấu thành tội cố ý gây thương tích theo quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017:

 

“Điều 134. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác

 

1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

 

a) Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người;

…”

 

Trân trọng!

Phòng luật sư tư vấn - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo