Hoài Nam

Hỏi về sử dụng cỏ Mỹ hoang tưởng giết cả bố mẹ

Xin chào các vị luật sư của văn phòng luật Minh Gia. Tôi muốn hỏi các vị về trường hợp sau. Tôi có người cháu ruột gây ra án mạng trong gia đình.

 

Cháu sinh năm 1989 đã có gia đình, vợ cháu sinh năm 1993 và có đứa con trai sinh năm 2012. Trong cuộc sống hôn nhân của hai vợ chồng có xảy ra những bất đồng nên cháu bị căng thằng thần kinh, không ngủ được. Cháu hiện tại đang đi phụ xe khách tuyến A - B. Khi lên mạng, cháu thấy giới thiệu cỏ Mỹ khi sử dụng sẽ ăn ngủ tốt hơn, thần kinh không bị căng thẳng nên cháu tôi đã sử dụng. Bình thường cuộc sống hàng ngày cháu rất quý bố mẹ. Chưa bao giờ có một lỗi bất kính với bố mẹ. Khi bố cháu bị tai biến, cháu đã mua thuốc cho chống tai biến mấy triệu để bố uống, thuốc có tác dụng tích cực, bố cháu đã đi lại và làm vệ sinh cá nhân được. Mẹ cháu thích xem tin tức nên cháu đã tặng mẹ chiếc điện thoại mang hãng Oppo để mẹ cháu sử dụng. Trong cuộc sống thường nhật cháu vẫn đóng tiền ăn cho mẹ và tiền học cho con. Sống hòa thuận, lễ phép với hàng xóm,sống có tinh thần và tình cảm với anh em họ hàng mọi người xung quanh. Do cuộc sống của vợ chồng trẻ nên cháu bị căng thằng thần kinh không ngủ được và đã sử dụng cỏ Mỹ qua mạng quảng cáo. Hôm 10/9/2015 cháu được người ta cho sử dụng một chất gọi là ma túy đá và đến đêm vào khoảng 22h ngày 11/9/2015 do bị hoang tưởng và cháu đã dùng dao gây ra cái chết thương tâm cho cả bố và mẹ. Sau khi sự việc xảy ra hàng xóm có chạy sang thì thấy cháu đã phá cửa chạy ra ngoài đường và lại về nhà. Mọi người có hỏi thăm cháu có cần giúp đỡ gì không mà trong tay cháu vẫn còn cầm hung khí, nhưng cháu không làm hại tới ai. Khi biết sự việc đau lòng xảy ra hàng xóm đã báo cho Công An và công an đến cháu không có bất cứ một hình thức chống đối hay kháng cự mà tự giác leo lên xe thùng. Với khám nghiệm pháp y và kết luận do chấn thương mất máu chấp qua đời. Sau khi sự việc xảy ra một tuần cháu mới trở lại bình thường. Nay tòa phán án quyết tử hình. Không có tình tiết giảm nhẹ: cháu thành khẩn khai báo. Những tình tiết được giảm nhẹ: là con đẻ của bố mẹ, và hàng thừa kế thứ 2 của mẹ xin bằng đơn và lời xin trước tòa để cháu có được sự giảm án, nhưng không chấp thuận. Cháu bị một tiền sử 6 tháng quản lý giáo dục tại phường và 2 tiền sự gây rối nơi công cộng bị phạt 1.000.000₫ và 230.000₫ tại công an phường. Tôi xin chân thành cảm ơn. Mong các vị luật sư có sự hồi đáp nhanh nhất có thể quy định pháp luật trường hợp của cháu. Tôi xin cảm ơn.

 

Trả lời: Cảm ơn anh đã gửi đề nghị tư vấn đến công ty Luật Minh Gia! Trường hợp của anh, chúng tôi xin đưa ra ý kiến tư vấn như sau:

 

Điều 93 bộ Luật hình sự 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định về tội giết người như sau:


"1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Giết nhiều người;
b) Giết phụ nữ mà biết là có thai;
c) Giết trẻ em;
d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;
đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng;
g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;
h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;
i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;
k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;
l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;
m) Thuê giết người hoặc giết người thuê;
n) Có tính chất côn đồ;
o) Có tổ chức;
p) Tái phạm nguy hiểm;
q) Vì động cơ đê hèn.
2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm."


Về nguyên tắc Toà án căn cứ vào quy định của Bộ luật hình sự, cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự để quyết định hình phạt.

 

Theo thông tin anh cung cấp, cháu anh đã giết bố và mẹ của mình. Như vậy, cháu anh phạm tội quy định tại đểm đ, khoản 1, Điều 93 BLHS. Khung hình phạt được áp dụng là: "bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình".

 

Về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, cháu anh không có tình tiết giảm nhẹ nào: Tình tiết là con của bố mẹ không những không phải là tình tiết giảm nhẹ mà còn là tình tiết tăng nặng định khung; đơn xin giảm nhẹ hình phạt của người thuộc hàng thừa kế thứ hai cũng không có giá trị làm tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

 

Về tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự: Theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch về việc hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XIV "Các tội xâm phạm sở hữu" của Bộ luật hình sự năm 1999 thì trường hợp làm chết hai người thì được xem là gây hậu quả rất nghiêm trọng.

 

Vậy Toà án có thể áp dụng tình tiết tăng nặng tại điểm k, khoản 1 ĐIều 48 BLHS về tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự:

"k) Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng;"

 

Hành vi của cháu anh được xác định là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Do không có tình tiết giảm nhẹ mà chỉ có tình tiết tăng nặng nên Toà án áp dụng hình phạt tử hình.

 

Nếu hiện nay mức án tử hình là phán quyết của Toà sơ thẩm thì để giúp cháu anh có thể được giảm nhẹ hình phạt, thoát án tử hình, thì gia đình có thể làm đơn kháng cáo. Tại phiên Toà phúc thẩm, cần cung cấp thêm những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo.
 
Điều 46. Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự
1. Các tình tiết sau đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:
a) Người phạm tội đã ngăn chặn, làm giảm bớt tác hại của tội phạm;
b) Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả;
c) Phạm tội trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng;
d) Phạm tội trong trường hợp vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết;
đ) Phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của người bị hại hoặc người khác gây ra;
e) Phạm tội vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không phải do mình tự gây ra;
g) Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn;
h) Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng;
i) Phạm tội vì bị người khác đe doạ, cưỡng bức;
k) Phạm tội do lạc hậu;
l) Người phạm tội là phụ nữ có thai;
m) Người phạm tội là người già;
m) Người phạm tội là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình;
o) Người phạm tội tự thú;
p) Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải;
q) Người phạm tội tích cực giúp đỡ các cơ quan có trách nhiệm phát hiện, điều tra tội phạm;
r) Người phạm tội đã lập công chuộc tội;
s) Người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác.
2. Khi quyết định hình phạt, Toà án còn có thể coi các tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ trong bản án.

....

Trong trường hợp này, gia đình có thể làm là gửi đơn kháng cáo để Toà án cấp trên mở phiên toà phúc thẩm lại bản án của cháu anh.

 

Nếu tại phiên toà phúc thẩm, hội đồng xét xử vẫn giữ nguyên mức án tử hình thì trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật, cháu anh có thể gửi đơn xin ân giảm đến Chủ tịch nước.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Hỏi về sử dụng cỏ Mỹ hoang tưởng giết cả bố mẹ. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!

CV Sơn Tùng - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo