LS Trần Khánh Thương

Hỏi về đồng phạm trong tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Cá nhân thực hiện hành vi trái pháp luật không do lỗi cố ý có bị truy cứu trách nhiệm hình sự? có bị xem là đồng phạm trong tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản? cụ thể đực tư vấn trong tình huống sau:


Kính gửi: Công ty Luật Minh Gia       
       
Hiện nay, tôi đang vướng vào một sự việc cần tư vấn pháp luật như sau: 

Sự việc xảy ra vào tháng 01/2013.   

1. Tóm tắt nhân vật:     

- Bà An đang vay vốn tại ngân hàng A đã bị quá hạn thanh toán, bị ngân hàng A khởi kiện ra tòa.   

- Ông Đức, bà Bân là bạn của bà An. Ông Đức, bà Bân không vay tại ngân hàng A nhưng bà An làm hồ sơ giả của 02 người này có vay vốn tại ngân hàng A.    

- Bà Ngân là người có tiền gửi tại ngân hàng B.  

- Ông Thanh làm tại ngân hàng B, bạn của bà Ngân.   

- Ông Lân làm ở ngân hàng A nhưng không phụ trách mảng cho vay khách hàng cá nhân, là bạn của ông Thanh. Ông Lân không biết ông Đức, bà Bân, bà Ngân.

- Bà Trang làm phó giám đốc ngân hàng A, cấp trên của ông Lân. 
         
2. Nội dung sự việc:  
    
- Để có tiền trả nợ ngân hàng A, bà An làm giả hồ sơ vay tại ngân hàng A đứng tên ông Đức và bà Bân đưa cho bà Ngân để bà Ngân cho ông Đức và bà Bân mượn tiền trả nợ ngân hàng A.

- Bà Ngân không quen ai tại ngân hàng A, biết ông Thanh có bạn làm tại ngân hàng A, nên bà Ngân nhờ ông Thanh hỏi thông tin dùm.

- Ông Thanh điện thoại ông Lân, để hỏi thông tin. Lúc đầu ông Lân không trả lời, chỉ nói để về xem lại. 

- Sau đó vài ngày, khi ông Lân đang đi công tác thì nhận được điện thoại của bà Trang, bà Trang yêu cầu ông Lân nếu có ai điện thoại hỏi thăm thông tin của ông Đức hoặc bà Bân trả vào có vay được không thì trả lời là trả vào có cho vay lại. Sau đó vài giờ thì ông Thanh gọi điện cho ông Lân để hỏi thông tin về ông Đức và bà Bân, thì ông Lân trả lời theo yêu cầu của bà Trang. Do thời gian quá lâu, nên đến thời điểm bây giờ ông Lân không nhớ rõ chính xác được họ và tên, địa chỉ cụ thể hai hồ sơ mà bà Trang đề nghị, chỉ nhớ được là có tên bà Bân ở Nhị Quý nhưng không nhớ họ tên,….

- Kết quả là bà Ngân cho ông Đức và bà Bân mượn tiền (tổng số tiền mượn là 1,4 tỷ đồng), tiền mượn được nộp bằng tiền mặt vào tài khoản của ông Đức và bà Bân mở tại ngân hàng A. Sau đó, ông Đức và bà Bân thực hiện các lệnh chuyển khoản theo yêu cầu của bà An, trong đó có chuyển 400 triệu đồng vào tài khoản của bà An tại ngân hàng A để bà An trả nợ ngân hàng A.

- Sau một thời gian, bà Ngân tố cáo hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của ông Đức, bà Bân, bà An.

- Hiện nay, bà An, bà Bân, ông Đức đã bị bắt tạm giam.

(Toàn bộ quá trình, ông Lân không biết mục đích cuối cùng của ông Thanh, khi ông Thanh hỏi thông tin về ông Đức và bà Bân có vay tại ngân hàng A là gì. Đồng thời, ông Lân cũng không biết được mục đích cuồi cùng của bà Trang yêu cầu việc ông Lân khi có ai hỏi thông tin về ông Đức và bà Bân có vay tại ngân hàng A, thì trả lời là trả vào cho vay ra được).

3. Hỏi:

Hành vi của ông Lân trong trường hợp này có vi phạm pháp luật không? 

Ông Lân có bị xem xét trách nhiệm hình sự không?

Ông Lân có bị xem là đồng phạm không?

Nếu trường hợp xấu nhất xảy ra, ông Lân phải chịu tội gì không?

Kính nhờ tư vấn.


 
Hỏi về đồng phạm trong tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Lừa đảo chiếm đoạt tài sản
 
 
Trả lời : Cảm ơn anh đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của anh chúng tôi tư vấn như sau:
 
Thứ nhất,  ông Lân có hành vi vi phạm pháp luật. Hành vi của ông Lân là cung cấp thông tin sai lệch về việc cho vay (vốn không thuộc chuyên môn của mình) gây nhầm lẫn cho khách hàng.
 
Thứ hai, việc xem xét trách nhiệm hình sự của một cá nhân phải căn cứ vào các yếu tố cấu thành tội phạm như chủ thể, khách thể, mặt chủ quan, mặt khách quan. Tùy từng loại tội phạm cụ thể mà pháp luật quy định những yếu tố nào là bắt buộc để cấu thành tội phạm đó.

Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản có các dấu hiệu bắt buộc như chủ thể, hành vi, hậu quả, lỗi,… Theo đó, ông Lân tuy có hành vi vi phạm pháp luật nhưng nếu chứng minh được ông không có lỗi khi thực hiện hành vi đó thì đương nhiên ông không phải chịu trách nhiệm hình sự. Ngược lại, nếu ông Lân có lỗi thì phải xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thứ ba, đồng phạm. Bộ luật hình sự Việt Nam quy định về đông phạm như sau :
 
Điều 20. Đồng phạm

1. Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm.

2. Người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức đều là những người đồng phạm.

Người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm.

Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm.

Người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm.

Người giúp sức là người tạo những điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm.
…..
 
Như vậy, ông Lân chỉ được xem là đồng phạm khi cùng ít nhất một người khác thực hiện tội phạm với lỗi cố ý.
 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Hỏi về đồng phạm trong tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng !
Luật gia : Trần Thị Thương - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo