LS Hồng Nhung

Hỏi đáp về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Kính thưa Luật Minh Gia. Mẹ tôi có giao dịch về việc mua đất rẫy giá 700 triệu đồng, vì tin tưởng chỗ quen biết cô T nên hai bên đã thiết lập hợp đồng (có giấy tờ viết tay) như sau: Cô T bán đất với giá 700 triệu đồng, hai bên đã xem đất chốt giá, sau đó Cô T đề nghị mẹ tôi đưa tiền cọc 200 triệu đồng hẹn 1 tuần sẽ giao sổ đỏ đất và mẹ tôi sẽ đưa đủ tiền khi giao xong giấy tờ đất.

 

Nội dung cần tư vấn: Nhưng ngay ngày hôm sau cô T đã đến nhà và đòi đưa thêm 300 triệu đồng để lấy sổ đỏ ra do sổ đỏ đó bị cô T đem thế chấp vay ngân hàng, sự việc vỡ lở mẹ tôi đã đi tìm hiểu nguồn gốc đất đó, được biết là đất đó là của chủ khác chỉ là cô T xiết nợ và chiếm đoạt luôn đất và cùng sổ đỏ. Vụ việc theo thỏa thuận đúng 1 tuần là phải giao đất và giao sổ đỏ để mẹ tôi đưa nốt số tiền mua đất thì cô T có nhiều hành vi mập mờ muốn lừa đảo chiếm đoạt luôn số tiền của mẹ tôi, vì sổ đỏ đó là sổ đỏ mang tên Cô T chỉ là giả mạo để lừa đảo, sau đó có hai nhân chứng và là người bị hại cũng đến nhà mẹ tôi trình bày sự thật là hai người đó cũng bị lừa đảo mua bán rẫy lấy tiền cọc và không giao đất, y như mẹ tôi với số tiền trên 400 triệu đồng (trên cùng 1 mảnh đất, hành vi đã thực hiện lại 3 lần với 3 chủ khác nhau để lừa đảo chiếm đoạt tài sản). sau đó vụ việc trên mẹ tôi đã nhờ Công an Kinh Tế huyên can thiệp và được giúp đỡ để khởi tố vụ án trên. Hỏi:

1. Thời hạn khởi tố là bao nhiêu ngày?

2. Trong trường hợp nếu cô T không chịu hầu tòa và trốn nghĩa vụ phải trả cho mẹ tôi đúng số tiền chiếm đoạt thì sẽ xét xử ra sao? Mẹ tôi liệu có thể khởi tố cô T và đề nghi Tòa định giá tài sản của cô T để trả lại số tiền trên không ạ?

Kính mong công ty luật giải đáp cho tôi sớm nhất ạ.

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia. Trường hợp của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:

 

Căn cứ theo Điều 174 Bộ luật Hình sự  2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định:

 

Điều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

 

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

 

a.Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

 

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

 

...

 

Thủ đoạn gian dối ở đây là việc đưa  ra những thông tin không đúng sự thật để đánh lừa người khác. Hành vi này có thể thông qua lời nói, xuất trình giấy tờ giả mạo, giả danh cán bộ, giả danh tổ chức ký kết hợp đồng nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản. 

 

Trong trường hợp này, theo thông tin bạn cung cấp, cô T đã làm giả sổ đỏ nhằm lừa dối mẹ bạn để mẹ bạn mua mảnh đất. Mẹ bạn đã đồng ý mua và đưa cho cô T 200 triệu tiền đặt cọc. Như vậy, hành vi của cô T đã cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Số tiền cô T lừa đảo chiếm, chiếm đoạt của mẹ bạn là 200 triệu đồng. Do đó, cô T có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Khoản 4 Điều 139 Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2009 với mức phạt là phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân.

 

Về thời hạn khởi tố vụ án

 

Theo quy định tại Điều 147 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 như sau::

 

“Điều 147. Thời hạn, thủ tục giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố

 

1. Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải kiểm tra, xác minh và ra một trong các quyết định:

 

a) Quyết định khởi tố vụ án hình sự;

 

b) Quyết định không khởi tố vụ án hình sự;

 

c) Quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.

 

2. Trường hợp vụ việc bị tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm thì thời hạn giải quyết tố giác, tin báo, kiến nghị khởi tố có thể kéo dài nhưng không quá 02 tháng. Trường hợp chưa thể kết thúc việc kiểm tra, xác minh trong thời hạn quy định tại khoản này thì Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền có thể gia hạn một lần nhưng không quá 02 tháng.

 

Chậm nhất là 05 ngày trước khi hết thời hạn kiểm tra, xác minh quy định tại khoản này, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải có văn bản đề nghị Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền gia hạn thời hạn kiểm tra, xác minh.”

 

Như vậy, khi có tố giác của mẹ bạn, cơ quan điều tra có nghĩa vụ kiểm tra, xác minh nguồn tin để quyết định khởi tố hoặc không khởi tố vụ án hình sự trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được tố giác. Trong trường hợp vụ việc phức tạp cần nhiều thời gian thì thời hạn để ra quyết định khởi tố hay không có thể kéo dài hơn, nhưng không được quá 2 tháng. Khi cơ quan điều tra ra quyết định về việc giải quyết  tố giác, mẹ bạn sẽ được thông báo về kết quả giải quyết.

 

Về việc lấy lại số tiền bị chiếm đoạt

 

Khi có đủ căn cứ để xác định một người đã thực hiện hành vi phạm tội thì Cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố bị can, mẹ bạn không có thẩm quyền khởi tố bị can.

 

Trong trường hợp vụ án được đưa ra xét xử tại tòa, căn cứ theo quy định tại Điều 290 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 như sau:

 

“Điều 290. Sự có mặt của bị cáo tại phiên tòa

 

1. Bị cáo phải có mặt tại phiên tòa theo giấy triệu tập của Tòa án trong suốt thời gian xét xử vụ án; nếu vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì bị áp giải; nếu bị cáo vắng mặt vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan thì phải hoãn phiên tòa.

 

Nếu bị cáo bị bệnh tâm thần hoặc bị bệnh hiểm nghèo thì Hội đồng xét xử tạm đình chỉ vụ án cho đến khi bị cáo khỏi bệnh.

 

Nếu bị cáo trốn thì Hội đồng xét xử tạm đình chỉ vụ án và yêu cầu Cơ quan điều tra truy nã bị cáo.

 

2. Tòa án chỉ có thể xét xử vắng mặt bị cáo trong các trường hợp:

 

a) Bị cáo trốn và việc truy nã không có kết quả;

 

b) Bị cáo đang ở nước ngoài và không thể triệu tập đến phiên tòa;

 

c) Bị cáo đề nghị xét xử vắng mặt và được Hội đồng xét xử chấp nhận;

 

d) Nếu sự vắng mặt của bị cáo không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan và sự vắng mặt của bị cáo không gây trở ngại cho việc xét xử...”

 

Do đó, khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử thì cô T phải có mặt tại phiên tòa theo giấy triệu tập của Tòa án, nếu vắng mặt không có lý do chính đáng sẽ bị áp giải, nếu vắng mặt có lý do chính đáng thì phải hoãn phiên tòa, nếu cô T trốn tránh thì sẽ bị truy nã và vụ án bị tạm đình chỉ. Trường hợp cô T bị bệnh tâm thần hoặc bị bệnh hiểm nghèo khác thì vụ án sẽ được tạm đình chỉ cho đến khi cô T khỏi bệnh. Tòa án có thể xét xử vắng mặt cô T trong trường hợp cô T trốn tránh và việc truy nã không có kết quả; cô T đang ở nước ngoài và không thể về triệu đập đến phiên tòa được; sự văng mặt của cô T không trở ngại cho việc xét xử và cô T đã được chuyển giao giấy triệu tập hợp lệ.

 

Sau khi xét xử và có bản án quyết định của Tòa án về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản của cô T, mẹ bạn có quyền làm đơn đề nghị được nhân lại số tiền đã bị lừa đảo. Theo quy định của pháp luật, trong thời hạn quy định, cô T sẽ phải thi hành án, trả lại số tiền đã lừa đảo cho mẹ bạn. Trong trường hợp hết thời hạn quy định, cô T có điều kiện thi hành án mà không tự nguyện thi hành thì sẽ bị cơ quan thi hành án cưỡng chế thi hành án.

 

Trân trọng!

Cv. Dương Thị Nhung - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo