LS Hồng Nhung

Hậu quả của việc vay tiền tổ chức cho vay nặng lãi

Trường hợp vay tiền tổ chức vay nặng lãi không trả được, bên vay và người thân có thể phải gánh chịu những hậu họa khôn lường. Khi đó, phải làm thế nào để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình? Luật Minh Gia tư vấn như sau:

 

Nội dung tư vấn: Kính chào Luật sư, tôi có sự việc như sau: Chị dâu tôi vay nợ của bên vay nặng lãi. Nhưng vì chị ta không có tài sản để thế chấp cầm cố lại quay ra lừa đảo bên cho vay hòng để được có tiền, giờ chị ta đã ôm số tiền được cho vay rồi chạy trốn mà không trả nợ. Bên cho vay nói là chị ta đã chỉ điểm ngôi nhà chúng tôi đang ở là của mẹ chồng chị ta để có cơ sở bên cho vay sẽ cho chị ta vay. Bây giờ chị ta đã chạy trốn không trả nợ còn bên cho vay thì tìm đến ngôi nhà của chúng tôi để đe dọa và nếu không trả tiền dùm cho chị dâu đã vay thì bọn chúng sẽ cho người ném đồ bẩn và phá hoại căn nhà của chúng tôi đang ở.

Vậy trường hợp này tôi sẽ lấy căn cứ gì để kiện, tố cáo và tố cáo những ai? Xin luật sư tư vấn giúp, tôi xin cảm ơn.

 

Trả lời tư vấn:  Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Trong trường hợp này có thể xác định quan hệ giữa chị dâu bạn và bên cho vay là quan hệ vay tài sản theo Điều 463 Bộ luật Dân sự 2015:

 

Điều 463. Hợp đồng vay tài sản

 

Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.

 

Mà theo Điều 385 Bộ luật Dân sự quy định:

 

Điều 385. Khái niệm hợp đồng

 

Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.

 

Căn cứ theo các quy định nêu trên, giữa chị dâu bạn và bên cho vay đã hình thành hợp đồng vay tài sản; và tài sản cụ thể ở đây là tiền. Khi hình thành quan hệ vay, các bên không có thỏa thuận về các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trả nợ; đồng thời, căn nhà không thuộc quyền sở hữu của chị dâu bạn nên đây không thể làm căn cứ để bên cho vay cho chị dâu bạn vay tiền.

 

Mặt khác, chị dâu bạn là chủ thể giao kết hợp đồng vay nên có thể xác định chị là người có nghĩa vụ trả nợ theo Điều 466 Bộ luật Dân sự 2015:

 

Điều 466. Nghĩa vụ trả nợ của bên vay

 

1. Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

 

3. Địa điểm trả nợ là nơi cư trú hoặc nơi đặt trụ sở của bên cho vay, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

 

4. Trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên cho vay có quyền yêu cầu trả tiền lãi với mức lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

 

5. Trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi như sau:

 

a)....

 

Vì vậy, bên cho vay có quyền yêu cầu chị dâu của bạn trả nợ. Đối với gia đình bạn không phải thực hiện nghĩa vụ đối với khoản nợ đó thay cho chị dâu.

 

Nếu bên cho vay có hành vi ném đồ bẩn vào nhà của bạn thì hành vi này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính và buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu theo Khoản 2, Khoản 3 Điều 7 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, an toàn xã hội; phòng cháy chữa cháy; phòng chống bạo lực gia đình:

 

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

 

a) Đổ, ném chất thải, chất bẩn hoặc các chất khác làm hoen bẩn nhà ở, cơ quan, trụ sở làm việc, nơi sản xuất, kinh doanh của người khác;

 

b).....

 

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

 

a)....

 

b) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đối với hành vi quy định tại Điểm a, c Khoản 2 Điều này.

 

Nếu bên cho vay có hành vi tự ý xông vào nhà của bạn mà chưa được sự đồng ý của chủ sở hữu thì có dấu hiệu của tội Xâm phạm chỗ ở của người khác theo Điều 158 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017:

 

Điều 158. Tội xâm phạm chỗ ở của người khác

 

1Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây xâm phạm chỗ ở của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

 

a) Khám xét trái pháp luật chỗ ở của người khác;

 

b) Đui trái pháp luật người khác ra khỏi chỗ ở của họ;

 

c) Chiếm giữ chỗ ở hoặc cản trở trái pháp luật người đang ở hoặc người đang quản lý hợp phápvào chỗ ở của họ;

 

d) Xâm nhập trái pháp luật chỗ ở của người khác.

.....

 

Nếu bên cho vay có hành vi phá hoại căn nhà của bạn thì trường hợp này có dấu hiệu của tội Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo Điều 178 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017:

 

Điều 178. Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản

 

1. Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

....

 

Và để bảo đảm sự an toàn, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bạn cũng như những người khác trong gia đình; nếu bên cho vay có những hành vi như đã nêu trên đây, bạn có thể khởi kiện ra Tòa án yêu cầu bồi thường thiệt hại nếu như những hành vi của bên cho vay gây ra thiệt hại trên thực tế.

 

Nếu có dấu hiệu tội phạm như trên, bạn có thể tố giác hành vi vi phạm pháp luật của bên cho vay với chính quyền địa phương hoặc công an cấp quận/huyện nơi bạn đang cư trú hoặc nơi bên cho vay cư trú hoặc có trụ sở theo Điều 144 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015:

 

Điều 144. Tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố

 

1. Tố giác về tội phạm là việc cá nhân phát hiện và tố cáo hành vi có dấu hiệu tội phạm với cơ quan có thẩm quyền.

 

Nếu bên cho vay có các hành vi đe dọa, cản trở gia đình bạn tố giác tội phạm, bạn có thể báo cáo chính quyền địa phương nơi bạn đang cư trú hoặc công an quận/huyện để họ xem xét, tiến hành các biện pháp bảo vệ gia đình bạn theo các quy định tại Chương XXXIV Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.
CV tư vấn: Hồng Nhung - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo