Mạc Thu Trang

Hành vi như thế nào thì cấu thành tội vu khống?

Luật sư tư vấn về vấn đề có thể tố cáo một người về tội vu khống không khi họ vu khống người khác có hành vi gửi thư hăm dọa, thuê xã hội đen đánh đập và giết con họ. Nội dung tư vấn như sau:


Nội dung tư vấn: Xin chào luật sư! Tôi xin hỏi tôi có thể thưa họ về tội vu khống trong trường hợp dưới đây không? Nhà cạnh bên (bên A), trước kia từng vu khống tôi tội ăn cấp vàng trong nhà họ trước mặt nhiều người. Nhưng vụ việc đã được dòng họ hai bên gia đình xem xét và bên A đã đồng ý xin lỗi tôi trước mặt dòng họ, hàng sớm. Nhưng gần đây bên A lại tiếp tục vu khống tôi tội gửi thư hâm dọa, mướn xã hội đen đánh đập và giết con họ. Họ còn hâm dọa không cho tôi làm ăn và sẽ mướn người hành hung tôi khi tôi lên tiếng về việc vu khống tôi (tôi có ghi âm lại). Ngoài ra họ còn lôi kéo dòng họ bên vực họ và kéo đến nhà tôi nặng lời và xông vào muốn đánh tôi. Xin luật sư chỉ giúp tôi. Xin chân thành cảm ơn.

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi yêu cầu tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia, trường hợp này chúng tôi tư vấn cho bạn như sau:

 

Tại Điều 156 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 quy định:


“Điều 156. Tội vu khống

 

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:

 

a) Bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác;

 

b) Bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền.

...”

 

Theo đó có thể hiểu tội vu khống được biểu hiện ở những hành vi như bịa đặt chuyện xấu xa cho người khác về vi phạm kỷ luật, vi phạm đạo đức, pháp luật... Bịa đặt là hư cấu những chuyện không có thật; loan truyền những chuyện, những điều biết rõ là bịa đặt, vu oan cho người khác; bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan nhà nước, cho rằng họ đã phạm một tội nào đó. Hành vi vu khống có thể thực hiện thông qua các hình thức như truyền miệng, viết bài, gửi đơn, thư tố giác, thư nặc danh... Trường hợp người đưa tin bịa đặt nhưng lầm tưởng những điều họ loan tin là có thật thì không phạm tội. Hậu quả xảy ra là nạn nhân bị mất uy tín, danh dự hoặc bị thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của họ. Tội vu khống được coi là hoàn thành từ khi người phạm tội thực hiện hành vi loan truyền những điều bịa đặt cho người khác biết hoặc tố cáo với cơ quan nhà nước về việc người khác phạm tội.

 

Từ việc xác định thiệt hại của mình cũng như hành vi vu khống bạn có thể tố giác hành vi đó với cơ quan có thẩm quyền. Nếu đủ căn cứ về tội vu khống có thể khởi tố và điều tra theo thủ tục tố tụng hình sự.

 

Trân trọng !

CV tư vấn: Phạm Huệ - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo