Nguyễn Kim Quý

Hành vi bạo lực gia đình sẽ bị xử lý như thế nào?

Luật sư tư vấn về hình thức xử lý với hành vi gây thương tích cho người khác, điều kiện và căn cứ để được giành quyền nuôi con khi chồng có hành vi bạo lực gia đình

Nội dung tư vấn: Kính gửi văn phòng luật Minh Gia. Em tôi lấy chồng đến nay được 19 năm. Cách đây 2 tuần, hai vợ chồng có xảy ra tranh chấp và em tôi bị chồng đánh gãy 2 xương sườn, ảnh hưởng gan, dạ dày và tràn dịch màng phổi. Hiện nay gia đình chúng tôi có giấy trích lục bệnh án của bệnh viện. Tôi muốn được tư vấn nếu khởi kiện thì chồng em tôi sẽ bị xử phạt như thế nào và em tôi có được quyền nuôi con không ạ. Tôi xin chân thành cảm ơn và rất mong nhận được sự tư vấn hỗ trợ của các vị luật sư!

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến công ty Luật Minh Gia, với câu hỏi của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

 

Chồng của em gái bạn có hành vi đánh đập em gái bạn tới mức gãy 2 xương sườn, ảnh hưởng gan, dạ dày và tràn dịch màng phổi thì đây là hành vi bạo lực gia đình theo quy định của luật. Khi phát hiện hành vi này của chồng em gái bạn với em gái bạn, bạn có thể trình báo cơ quan công an nơi vợ chồng em gái chị đang cư trú để được can thiệp kịp thời. Hành vi này của chồng em gái bạn là hành vi cố ý xâm phạm đến thân thể, sức khỏe của em gái bạn, tùy vào mức độ nghiêm trọng của hành vi, ở đây là mức độ thương tổn do hành vi này gây ra với em gái bạn thì chồng của em gái bạn có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi này:

 

"Điều 134. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác

 

1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

 

a) Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người;

 

b) Dùng a-xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm;

 

c) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;

 

d) Đối với ông, bà, cha, mẹ, thầy giáo, cô giáo của mình, người nuôi dưỡng, chữa bệnh cho mình;

 

đ) Có tổ chức;

 

e) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

 

g) Trong thời gian đang bị giữ, tạm giữ, tạm giam, đang chấp hành án phạt tù, đang chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng hoặc đang chấp hành biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng hoặc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;

 

h) Thuê gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do được thuê;

 

i) Có tính chất côn đồ;

 

k) Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân...”

 

Như vậy, khi trình báo cơ quan có thẩm quyền, em gái bạn có thể yêu cầu giám định tỉ lệ tổn thương cơ thể, nếu tỉ lệ tổn thương cơ thể từ 11% trở lên hoặc dưới 11% nhưng đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc có một trong những tình tiết như quy định tại khoản 1 Điều 134 BLHS 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 thì hành vi của chồng em gái bạn đủ yếu tố cấu thành tội cố ý gây thương tích và phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi này. Trường hợp hành vi chưa đến mức nghiêm trọng, chồng của em gái bạn bị xử lý vi phạm hành chính về hành vi này theo quy định tại điểm e khoản 3 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP:

 

“3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

 

e) Xâm hại hoặc thuê người khác xâm hại đến sức khỏe của người khác;”

 

Như vậy, khi em gái bạn trình báo cơ quan công an về hành vi cố ý gây thương tích của chồng mình thì tùy vào mức độ nghiêm trọng của hành vi này gây ra mà chồng của em gái bạn có thể bị xử phạt hành chính từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng hoặc trường hợp sau khi thực hiện thủ tục giám định mà tỉ lệ tổn thương cơ thể của em gái bạn trên 11% hoặc dưới 11 % nhưng thuộc một trong những trường hợp theo quy định tại khoản 1 Điều 134 BLHS 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 thì chồng em gái sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi này, khung hình phạt sẽ tùy vào mức độ nghiêm trọng của hành vi và mức độ tổn thương cơ thể của em gái bạn.

 

Về quyền nuôi con của em gái bạn thì căn cứ quy định tại Điều 81 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014:

 

“Điều 81. Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn

 

1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.

 

2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

 

3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.”

 

Quyền trực tiếp nuôi con đặt ra giữa vợ và chồng khi 2 bên giải quyết ly hôn. Việc ai được quyền trực tiếp nuôi con dựa trên thỏa thuận giữa hai bên vợ chồng, trường hợp không thỏa thuận được hoặc không có thỏa thuận thì Tòa án quyết định giao con cho 1 trong 2 bên dựa trên căn cứ tại Điều 81 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014. Vì bạn không nói rõ độ tuổi của con của em gái bạn nên nếu con của em gái bạn dưới 36 tháng thì được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp em gái bạn không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc nếu con của em gái bạn đủ 7 tuổi trở lên thì Tòa sẽ xem xét nguyện vọng của con. Nếu con của em gái bạn không thuộc 2 trường hợp trên thì Tòa sẽ quyết định giao con cho 1 bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con. Để đảm bảo các quyền lợi cho con thì cha mẹ cần đáp ứng được một số điều kiện như: chỗ ở ổn định, rõ ràng; thu nhập hàng tháng đủ để nuôi cháu; có thời gian để chăm sóc cho cháu, hành vi nhân thân không ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển về thể chất và tinh thần của cháu,… Để em gái bạn giành được quyền nuôi con thì em gái bạn cần đưa ra chứng cứ chứng minh chồng mình không đáp ứng được một trong các điều kiện trên mà ở đây vì người chồng đã thực hiện hành vi bạo lực gia đình nên Tòa có thể xem xét về hành vi này là hành vi gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển về thể chất và tinh thần của con và ưu tiên em gái bạn hơn trong việc giành quyền nuôi con.

 

Trân trọng

Phòng tư vấn pháp luật Hình sự - Công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo