Nguyễn Ngọc Ánh

Giải quyết vụ án hình sự khi bị hại chết

Bố tôi bị người khác lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhưng bố tôi không may bị tai nạn nay đã mất tôi có thể viết đơn kiện người đã lừa đao chiếm đoạt tài sản được không. Bố tôi có đầy đủ giấy tớ giao nhận tiền có người làm chứng và các loại giấy hẹn của ng đã lừa bó tôi hẹn hết lần này đến lần khác.

 

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi yêu cầu tới Công ty Luật Minh Gia! Yêu cầu của bạn được tư vấn như sau:

 

*/ Về quyền nộp đơn tố giác yêu cầu khởi tố vụ án hình sự:

 

Điều 5Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định trách nhiệm của các tổ chức và công dân trong đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm:

 

“Điều 5. Trách nhiệm của cơ quan nhà nước, tổ chức và cá nhân trong đấu tranh phòng, chống tội phạm

 

1. Trong phạm vi trách nhiệm của mình, cơ quan nhà nước phải áp dụng các biện pháp phòng ngừa tội phạm, phối hợp với cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong việc đấu tranh phòng, chống tội phạm.

 

Cơ quan nhà nước phải thường xuyên kiểm tra, thanh tra việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao; phát hiện kịp thời hành vi vi phạm pháp luật để xử lý và thông báo ngay cho Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát mọi hành vi phạm tội xảy ra trong cơ quan và trong lĩnh vực quản lý của mình; kiến nghị và gửi tài liệu có liên quan cho Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát xem xét, khởi tố đối với người thực hiện hành vi phạm tội.

...

2. Tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ phát hiện, tố giác, báo tin về tội phạm; tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm.

...”

 

Theo quy định của pháp luật, trường hợp các tổ chức, công dân phát hiện hành vi phạm tội có quyền và nghĩa vụ tố giác hành vi trên tới cơ quan có thẩm quyền để kịp thời xử lý, góp phần bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức.

 

Vậy, mặc dù bố của bạn đã mất nhưng nếu hành vi của đối tượng vay tiền có dấu hiệu phạm tội thì bạn hoặc đại diện gia đình có quyền tố giác trực tiếp hoặc nộp đơn tố giác cùng những chứngcứ tài liệu ban đầu tại Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án hoặc các cơ quan, tổ chức khác theo quy định tại Điều 144Bộ luật Tố tụng hình sự 2015:

 

“Điều 144. Tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố

 

1. Tố giác về tội phạm là việc cá nhân phát hiện và tố cáo hành vi có dấu hiệu tội phạm với cơ quan có thẩm quyền.

 

2. Tin báo về tội phạm là thông tin về vụ việc có dấu hiệu tội phạm do cơ quan, tổ chức, cá nhân thông báo với cơ quan có thẩm quyền hoặc thông tin về tội phạm trên phương tiện thông tin đại chúng.

...

5. Người nào cố ý tố giác, báo tin về tội phạm sai sự thật thì tuỳ tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của luật.”

 

*/ Xét về tư cách tham gia tố tụng hình sự:

 

Trong vụ án hình sự trên, nếu hành vi của đối tượng trên có đủ dấu hiệu CTTP thì bố của bạn được xác định là người bị hại. Tuy nhiên, do người bị hại đã chết nên người đại diện hợp pháp của bị hại sẽ tham gia tố tụng và có các quyền theo quy định tại Điều 62Bộ luật Tố tụng hình sự 2015:

 

“Điều 62. Bị hại

 

1. Bị hại là cá nhân trực tiếp bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản hoặc là cơ quan, tổ chức bị thiệt hại về tài sản, uy tín do tội phạm gây ra hoặc đe dọa gây ra.

 

2. Bị hại hoặc người đại diện của họ có quyền:

 

a) Được thông báo, giải thích quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều này;

 

b) Đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu;

 

c) Trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá;

...

3. Trường hợp vụ án được khởi tố theo yêu cầu của bị hại thì bị hại hoặc người đại diện của họ trình bày lời buộc tội tại phiên tòa.

 

4. Bị hại có nghĩa vụ:

 

a) Có mặt theo giấy triệu tập của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; trường hợp cố ý vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì có thể bị dẫn giải;

 

b) Chấp hành quyết định, yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

 

5. Trường hợp bị hại chết, mất tích, bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự thì người đại diện thực hiện quyền và nghĩa vụ của người bị hại quy định tại Điều này.

 

Cơ quan, tổ chức là bị hại có sự chia, tách, sáp nhập, hợp nhất thì người đại diện theo pháp luật hoặc tổ chức, cá nhân kế thừa quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức đó có những quyền và nghĩa vụ theo quy định tại Điều này.”

 

Theo đó, khi tham gia tố tụng thì người đại diện hợp pháp có các quyền theo Khoản 2 điều luật nêu trên, trong đó có các quyền cơ bản như đề nghị mức bồi thường và các biện pháp đảm bảo bồi thường, kháng cáo bản án, quyết định của TA về phần bồi thường cũng như về hình phạt đối với bị cáo.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Giải quyết vụ án hình sự khi bị hại chết. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!

Cv. Nguyễn. N. ánh - Công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo