Cà Thị Phương

Giải quyết khi bị vu khống và đe dọa

Tôi có một việc xin nhờ tư vấn như sau: Ông ngoại có sống với mẹ con tôi vì bố tôi mất sớm. Khi bố tôi mất, ông có cho cỗ quan tài vì nhà tôi rất nghèo. Cách đây một tháng thì ông qua đời không để lại di chúc. Trước khi qua đời thì ông có ốm hai tháng nhưng 3 người con còn lại (1 trai, 2 gái) không hề có hỏi han, quan tâm hay chăm sóc.

 

Nay 3 người đó có vào hùa với nhau vu oan cho mẹ con tôi vay của ông 7 chỉ vàng và còn nợ ông cỗ quan tài ngày xưa. Giờ tôi cũng có gia đình và công việc ổn định nên cỗ quan tài thì tôi có thể trả lại được nhưng vì họ sống không ra gì (ông ốm đau không hỏi han, không quan tâm) lại vu oan cho mẹ tôi lấy của ông 7 chỉ vàng. Cuối tuần tới là 49 ngày ông, mọi người về đông đủ họ định sang để dọa nạt mẹ con tôi.  Tôi muốn hỏi tôi nên xử lí thế nào với cỗ quan tài mà ông đã cho bố tôi và số vàng họ vu oan cho mẹ con tôi vì họ không hề có giấy tờ gì để chứng minh. Trong trường hợp nếu họ định sang nhà tôi dọa nạt mẹ con tôi. Tôi có thể khởi kiện họ được không? Quy định thế nào? Tôi xin chân thành cảm ơn. 

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

I. Với cỗ quan tài mà ông đã cho gia đình bạn trước đây:

 

Ông của bạn đã dùng tài sản của chính mình để mua cỗ quan tài cho gia đình bạn. Do vậy, việc ông cho gia đình bạn cỗ quan tài cũng như ông đang thực hiện hợp đồng tặng cho. Chi tiết về hợp đồng tặng cho tài sản được quy định tại Điều 465 Bộ Luật Dân sự 2005:

 

"Hợp đồng tặng cho tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên tặng cho giao tài sản của mình và chuyển quyền sở hữu cho bên được tặng cho mà không yêu cầu đền bù, còn bên được tặng cho đồng ý nhận."

 

Hiệu lực của hợp đồng tặng cho quy định tại Điều 466 BLDS: "Hợp đồng tặng cho động sản có hiệu lực khi bên được tặng cho nhận tài sản; đối với động sản mà pháp luật có quy định đăng ký quyền sở hữu thì hợp đồng tặng cho có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký."

 

Như vậy, thời điểm gia đình bạn nhận cỗ quan tài là thời điểm ông bạn đã chuyển quyền sở hữu cỗ quan tài của mình sang cho gia đình bạn. Hợp đồng tặng cho là hợp đồng không có đền bù, nó mang tính chất tình cảm giữa người đi tặng cho và người được tặng cho (ở đây là tình cảm của ông với gia đình của bạn). Do đó, các bạn không có nghĩa vụ thanh toán nợ tài sản với ông. Cỗ quan tài đã thuộc sở hữu với gia đình bạn cho nên 3 người con còn lại muốn đòi nợ thay ông là không có căn cứ.

 

II. Giải quyết trường hợp ba người còn lại vu khống và dọa nạt gia đình bạn:

 

Tôi xin trả lời rằng nếu họ vu khống và dọa nạt gia đình bạn, bạn có thể kiện họ ra Tòa. Tuy nhiên, vì là vấn đề gia đình nên bạn có thể cân nhắc các lựa chọn sao cho hợp lý nhất. Nếu không hòa giải được, bạn hãy làm đơn tố cáo hành vi của những người đó ra công an để xử phạt hành chính.

 

Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử lý vi phạm về trật tự công cộng như sau:

 

"1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

 

a) Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác;..."

 

Với quy định trên, nếu bạn tố cáo hành vi của những người đó ra công an thì họ sẽ bị xử phạt hành chính từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng. Hoặc nếu nghiêm trọng bạn có thể làm hồ sơ yêu cầu đến cơ quan điều tra hình sự theo thủ tục Tố tụng hình sự để bảo vệ các quyền lợi của mình. Cụ thể, anh có thể viết đơn gửi đên cơ quan điều tra, Viện kiểm sát để tố cáo hành vi vu khống và hành vi làm nhục người khác. Bộ Luật hình sự 1999 quy định về hai tội này như sau:

"Điều 121. Tội làm nhục người khác

1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm:

A) Phạm tội nhiều lần;

...

Đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình.

3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
 
Điều 122. Tội vu khống

1. Người nào bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến bảy năm:

A) Có tổ chức;

...

E) Vu khống người khác phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ một triệu đồng đến mười triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm."
 
Khi nhận được đơn, nếu có đủ căn cứ để cho rằng có dấu hiệu tội phạm thì cơ quan điều tra sẽ thụ lý để giải quyết vụ án.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Giải quyết khi bị vu khống và đe dọa. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!

CV. Vũ Hà Phan - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo