LS Hồng Nhung

Dùng dao gây thương tích 10% có bị khởi tố hình sự?

Thưa luật sư, kính mong luật sư tư vấn cho tôi vụ việc như sau:Một người quen mượn tiền Bố tôi, Bố tôi đòi nhiều lần không trả. Một hôm, người đó đến nhà tôi gây sự, hắn lớn tiếng vu khống bố tôi đã hiếp dâm vợ hắn lúc vợ hắn 17 tuổi, ngoài ra hắn còn mang hương đến bắt ép bố tôi quỳ xuống thề rằng đã không hiếp dâm vợ hắn.

 

Nội dung cần tư vấn: Vì quá bức xúc, tôi xuống bếp mang 1 con dao lên hù dọa đuổi hắn về. hắn có hơi men, xông vào giật con dao tôi, trong lúc giằng co dao quẹt vào người hắn. hắn đi báo công an và đi giám định có thương tích 10%. Nhưng tôi nhớ rõ lúc giằng co, hắn không bị chảy máu và không bị gì cả. Bây giờ hắn kiên quyết kiện tôi ra tòa để  tôi phải đi tù.Công an đã mời tôi làm việc nhưng tôi kiên quyết không thừa nhận tội cố ý gây thương tích.Xin luật sư cho biết, tôi có phạm tội gì không? Tôi phải làm gì các bước tiếp theo? Xin cảm ơn.

 

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia. Trường hợp của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:

 

Theo thông tin bạn cung cấp, người vay tiền của bố bạn không trả tiền bố bạn còn đến nhà bạn gây sự, vu khống bố bạn đã hiếp dâm vợ của người đó, hơn nữa người đó còn mang hương đến ép bố bạn quỳ xuống thề rằng đã không hiếp dâm vợ người đó. Vì những lý do trên nên khi người đó đến nhà ép bố bạn quỳ xuống thề rằng đã không hiếp dâm vợ người đó, bạn đã dùng con dao để hù dọa, đuổi người đó về và trong lúc giằng co con dao đã quệt vào người đó. Người đó đã đi giám định thương tích và kết quả là mức độ thương tích là 10%. Tuy nhiên, bạn khẳng định rằng mặc dù bị dao quệt vào nhưng người đó không bị chảy máu và không bị thương gì. Do đó, nếu bạn có căn cứ để nghi ngờ về kết quả giám định của người đó là sai thì bạn có thể yêu cầu Cơ quan công an cho giám định lại thương tích của người đó. Nếu kết quả giám định cho thấy người đó không bị thương tích gì thì bạn sẽ không bị xử lý hình sự.

 

Trường hợp kết quả giám định cho thấy mức độ thương tích của người đó đúng là 10% thì trong trường hợp này, mặc dù hành vi của người đó là hành vi trái pháp luật tuy nhiên việc bạn dùng dao để hù dọa, đuổi người đó về và làm quệt con dao vào người đó khiến người đó bị thương cũng là trái pháp luật. 

 

Theo quy định của pháp luật, hành vi của bạn đã xâm hại đến sức khỏe cho người đó, nhưng để xác định cụ thể hình thức xử lý thế nào thì cần phải xác định tình trạng tinh thần của bạn tại thời điểm thực hiện hành vi đó. Vì đối với hành vi gây thương tích cho người khác thì Bộ luật hình sự 2015 có quy định về Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác (Điều 134).

 

Điều 134. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác

 

1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

 

a) Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người;

 

b) Dùng a-xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm;

 

c) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;

 

d) Đối với ông, bà, cha, mẹ, thầy giáo, cô giáo của mình, người nuôi dưỡng, chữa bệnh cho mình;

 

đ) Có tổ chức;...”

 

Về cơ bản thì hành vi cố ý gây thương tích sẽ bị khởi tố hình sự theo khoản 1 Điều 134 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 nếu mức độ thương tích từ 11% đến 30%. Tuy nhiên, trong trường hợp này, bạn đã dùng con dao để gây thương tích cho người bị hại. Do đó, dù tỷ lệ thương tật của người đó dưới 11% nhưng vì bạn đã dùng hung khí nguy hiểm nên khi người bị hại có yêu cầu khởi tố thì Cơ quan công an có đủ căn cứ để khởi tố và xử lý hình sự đối với hành vi của bạn. 

 

Với hành vi dùng hung khí nguy hiểm gây thương tích cho người khác với tỷ lệ thương tật là 10% thì bạn có thể bị khởi tố điều tra theo khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017. Đây là trường hợp khởi tố theo yêu cầu của người bị hại. Trong trường hợp này, nếu người bị hại xin rút yêu cầu khởi tố trước khi xét xử sơ thẩm thì vụ án sẽ được đình chỉ. Vì vậy, chúng tôi cho rằng, bạn nên thỏa thuận với người bị hại về mức bồi thường và hòa giải với nhau để người bị hại rút yêu cầu khởi tố thì vụ án sẽ được đình chỉ, bạn sẽ không bị xử lý hình sự. 

 

 

Trân trọng!

Cv. Dương Thị Nhung - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo