LS Thanh Hương

Đưa tiền, kết quả không đạt được có cấu thành tội đưa hối lộ

Đưa 200 triệu cho người lạ để giúp con được đi học và phục vụ lâu dài cho Quân đội lâu dài nhưng không đạt đượ kết quả như mong muốn có cấu thành tội đưa hối lộ


Nội dung yêu cầu tư vấn: Tội có người quen có con trai đi bộ đội, có người đến nói là giúp em ấy được đi học và ở lại phục vụ quân đội lâu dài với số tiền là 200 triệu đồng. Gia đình người quen tôi đã vay mượn để đưa cho người đó sô tiền theo yêu cầu. Nhưng người đó nhận tiền rồi không giúp được gì, em ấy vẫn phải ra quân. Vậy gia đình người quen tôi có phải là đưa hối lộ không? và nếu muốn đòi lại số tiền trên gia đình người quen tôi có thể làm đơn khởi kiện người nhận tiền không? Tôi xin chân thành cảm ơn
 

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi vấn đề tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia. Vấn đề bạn đưa ra chúng tôi tư vấn như sau:

 

Thứ nhất, ai là người sẽ cấu thành tội đưa hối lộ trong trường hợp này?

 

Điều 364 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 quy định:

 

“Điều 364. Tội đưa hối lộ

 

1. Người nào trực tiếp hay qua trung gian đã đưa hoặc sẽ đưa cho người có chức vụ, quyền hạn hoặc người khác hoặc tổ chức khác bất kỳ lợi ích nào sau đây để người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

 

a) Tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;

 

b) Lợi ích phi vật chất.

...”

Như vậy, đưa hối lộ là hành vi dùng tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trực tiếp hoặc qua trung gian để đưa cho người có chức vụ, quyền hạn, để người này làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của mình.

 

Cấu thành tội đưa hối lộ khi đảm bảo các yếu tố sau:

 

  • Chủ thể: Người có đủ độ tuổi và năng lực chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật Hình sự

 

  • Khách thể: làm cho cơ quan, tổ chức bị suy yếu, mất uy tín, mất lòng tin của nhân dân vào chế độ; làm cho cán bộ, công chức ở cơ quan, tổ chức mình bị thoái hoá biến chất.

 

  • Mặt khách quan: hành vi đưa tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác cho người có chức vụ, quyền hạn. Hình thức đưa hối lộ có thể là trực tiếp hoặc thông qua trung gian. Tội phạm hoàn thành khi của hối lộ có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc vi phạm nhiều lần.

 

Gây hậu quả nghiêm trọng là trường hợp gây ra thiệt hại đáng kể cho hoạt động bình thường của cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội.

 

Vi phạm nhiều lần là trường hợp đưa hối lộ từ hai lần trở lên mà mỗi lần của hối lộ đều có giá trị dưới 2 triệu đồng

 

  • Mặt chủ quan: Lỗi thực hiện hành vi là lỗi cố ý trực tiếp

 

Như vậy, bạn cần xem xét lại hành vi của người đưa tiền có đủ các dấu hiệu của tội phạm đưa hối lộ hay không.

 

Thứ hai, hành vi của người nhận tiền có dấu hiệu của tội phạm gì?

 

Căn cứ thông tin bạn cung cấp chưa thể hiện rõ người nhận tiền có chức vụ quyền hạn hay không; do đó chúng tôi đặt ra các trường hợp như sau:

 

Trường hợp người nhận tiền không có chức vụ quyền hạn mà người đó có nhiệm vụ đưa lại số tiền cho người có chức vụ quyền hạn để xin cho con cái trong gia đình người quen của bạn vào phục vụ lâu dài trong quân ngũ thì hành vi đó có thể cấu thành tội môi giới hối lộ theo quy định tại Điều 365 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017:

 

“Điều 365. Tội môi giới hối lộ

 

1. Người nào môi giới hối lộ mà của hối lộ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

 

a) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;

 

b) Lợi ích phi vật chất.

...”

 

Vậy, môi giới hối lộ là hành vi làm trung gian giữa người đưa hối lộ với người nhận hối lộ để cho hai người này thực hiện hành vi đưa và nhận hối lộ.

 

Các yếu tố cấu thành tội môi giới hối lộ:

 

  • Chủ thể: Người có đủ độ tuổi và năng lực chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật Hình sự

 

  • Khách thể: làm cho cơ quan, tổ chức bị suy yếu, mất uy tín, mất lòng tin của nhân dân vào chế độ; làm cho cán bộ, công chức ở cơ quan, tổ chức mình bị thoái hoá biến chất.

 

  • Mặt khách quan: Hành vi làm trung gian giữa người nhận và người đưa hối lộ.

 

Người môi giới có thể chuyển yêu cầu về hối lộ của người nhận cho người đưa, đồng thời chuyển yêu cầu của người đưa hối lộ cho người nhận, để người này lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm một việc hoặc không làm một việc theo yêu cầu của người đưa hối lộ.

 

  • Mặt chủ quan: Lỗi thực hiện hành vi là lỗi cố ý trực tiếp

 

Trường hợp người nhận tiền có chức vụ quyền hạn thì hành vi của họ có thể cấu thành tội nhận hối lộ theo quy định tại Điều 354 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017:

 

“Điều 354. Tội nhận hối lộ

 

1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

 

a) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

 

b) Lợi ích phi vật chất.

...”

 

Trường hợp người nhận tiền không có chức vụ quyền hạn, cũng không có hành vi môi giới đưa hối lộ mà họ chỉ đưa ra những thông tin gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản của gia đình người bạn thì hành vi đó có thể cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự:

 

“Điều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

 

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

 

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

 

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

 

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

 

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.

...”

 

Thứ ba, về việc kiện đòi lại số tiền đó:

 

Nếu người nhận tiền có chức vụ quyền hạn để xin cho người em trong gia đình người quen bạn phục vụ trong quân ngũ thì gia đình người quen bạn có thể nhận lại tiền theo quy định tại Khoản 7 Điều 364 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 quy định:

 

“7. Người bị ép buộc đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì được coi là không có tội và được trả lại toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.

 

Người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.”

 

Trường hợp người nhận tiền lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản của gia đình người quen bạn thì trong quá trình giải quyết vụ án, cơ quan có thẩm quyền vẫn yêu cầu người đó trả lại cho gia đình bạn số tiền mà họ đã chiếm đoạt.

 

Trân trọng!

Phòng luật sư tư vấn - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo