LS Hồng Nhung

Đưa tiền cho người khác để chuyển nơi công tác có vi phạm pháp luật không?

Pháp luật quy định giao dịch dân sự vô hiệu khi nào? Hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu là gì? Luật Minh Gia giải đáp thắc mắc liên quan đến giao dịch dân sự vô hiệu qua tình huống sau đây:

 1. Tư vấn về Luật Dân sự

Giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. Mặc dù các giao dịch dân sự diễn ra phổ biến dưới nhiều hình thức khác nhau tuy nhiên không phải tất cả các giao dịch dân sự đều được pháp luật thừa nhận và làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của các bên. Giao dịch dân sự vô hiệu khi có một trong các điều kiện như: Chủ thể không có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập; chủ thể tham gia giao dịch dân sự do bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép; mục đích và nội dung của giao dịch dân sự vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

Do đó, nếu bạn có thắc mắc liên quan đến pháp luật dân sự nói chung và giao dịch dân sự vô hiệu nói riêng, bạn cần tham khảo các quy định của Bộ luật dân sự 2015 hoặc tham khảo ý kiến chuyên gia, luật sư có kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Trường hợp bạn không có thời gian tìm hiểu hoặc không có luật sư riêng, bạn hãy liên hệ Luật Minh Gia để chúng tôi giải đáp và hướng dẫn các phương án cụ thể.

Để được hỗ trợ, tư vấn pháp lý về các vấn đề liên quan đến giao dịch dân sự vô hiệu, bạn hãy gửi câu hỏi cho chúng tôi hoặc Gọi: 1900.6169 để được tư vấn.

Ngoài ra, bạn có thể tham khảo tình huống chúng tôi tư vấn sau đây để có thêm kiến thức bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

2. Luật sư tư vấn về giao dịch dân sự vô hiệu

Hỏi: Em xin phép nhờ công ty tư vấn giúp cho em một vấn đề này ạ! Em xin chân thành cảm ơn quý công ty trước ạ. Nội dung em hỏi như sau: Năm 2015 thông qua 1 người quen biết em có đưa cho một người số tiền 300 triệu nhờ xin chuyển công tác và có viết giấy biên nhận, đồng thời có người làm chứng. Người đó cam kết sẽ lo được việc, tuy nhiên thực tế lại không được và bây giờ họ đã trả lại cho em được 1/3 số tiền họ đã nhận nhưng còn 2/3 nữa họ chưa trả và cứ hẹn hết dịp này đến dịp khác. Vì vậy em định làm đơn tố cáo ra cơ quan pháp luật có được không ạ? Nếu được thì cần những thủ tục gì và nộp ở đâu ạ?

Trả lời: Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia. Với câu hỏi của bạn, chúng tôi xin được tư vấn như sau:

Thứ nhất, vấn đề liên quan đến giao dịch dân sự đã xác lập

Căn cứ thông tin bạn đưa ra thì năm 2015 thông qua người quen bạn có đưa cho một người số tiền 300 triệu đồng nhờ xin chuyển công tác. Theo đó, có thể thấy giữa bạn và người nhận tiền đã xác lập một giao dịch dân sự bằng hành vi với các bằng chứng như giấy biên nhận tiền, người làm chứng… Giao dịch dân sự này được xác lập nhằm mục đích nhờ xin chuyển công tác. Với mục đích như vậy thì giao dịch dân sự này có thể bị tuyên vô hiệu do vi phạm điều cấm của pháp luật căn cứ quy định tại Điều 128 Bộ luật dân sự 2005 (Luật có hiệu lực thi hành tại thời điểm xác lập giao dịch):

“Điều 128. Giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội

Giao dịch dân sự có mục đích và nội dung vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội thì vô hiệu.

Điều cấm của pháp luật là những quy định của pháp luật không cho phép chủ thể thực hiện những hành vi nhất định.

…”

Bởi lẽ theo quy định của pháp luật hiện hành, để thực hiện chuyển công tác, bạn có thể dựa vào các hình thức điều động, luân chuyển, biệt phái, thỏa thuận thay đổi vị trí việc làm, địa điểm làm việc… theo trình tự, thủ tục mà pháp luật quy định.

Do đó, để có thể nhận lại số tiền bạn đưa cho người khác để xin chuyển công tác thì các bên có thể thỏa thuận về việc trả lại tiền. Trong trường hợp các bên không thỏa thuận được, bạn có quyền khởi kiện tại Tòa án nhân dân cấp quận/huyện nơi người nhận tiền cư trú để yêu cầu tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu. Khi giao dịch bị tuyên vô hiệu, các bên có thể chịu hậu quả pháp lý theo quy định tại Điều 138 Bộ luật dân sự 2005 như: các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Theo đó, bạn có thể nhận lại được 200 triệu đồng còn lại bạn đã đưa người đó để thực hiện việc xin chuyển công tác vì giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập. 

Thứ hai, vấn đề liên quan đến dấu hiệu tội phạm

Bên cạnh việc tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu thì tùy thuộc vào động cơ, mục đích của bên nhận tiền mà hành vi đó có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo một trong hai trường hợp sau đây:

Trường hợp 1: Người nhận tiền có thẩm quyền thực hiện việc xin chuyển công tác cho bạn

Theo thông tin bạn đưa ra cho thấy bạn đã gián tiếp thông qua người quen biết đưa cho một người số tiền 300 triệu đồng để bảo đảm xin chuyển công tác mà không thực hiện thủ tục điều động, luân chuyển… theo quy định của pháp luật. Do đó, ngoài việc chịu hậu quả pháp lý do giao dịch dân sự vô hiệu thì hành vi của mỗi người trong giao dịch nêu trên còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với các tội phạm sau đây:

Đối với hành vi của người giữ vai trò trung gian trong việc chuyển tiền cho người có thẩm quyền chuyển công tác cho bạn:

Trong trường hợp người quen của bạn đưa ra những thông tin về việc dùng tiền để xin chuyển công tác, giúp cho bạn và người có thẩm quyền gặp nhau để thỏa thuận việc đưa số tiền 300 triệu đồng để chuyển công tác cho bạn thì hành vi đó có dấu hiệu của tội làm môi giới hối lộ được quy định tại Điều 290 Bộ luật hình sự 1999, sửa đổi bổ sung 2009 như sau:

“Điều 290. Tội làm môi giới hối lộ

1. Người nào làm môi giới hối lộ mà của hối lộ có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới mười triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc vi phạm nhiều lần, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.

…”

Đồng thời, với hành vi của bạn trực tiếp hay qua trung gian để đưa tiền cho người có chức vụ, quyền hạn để chuyển công tác mà không thông qua trình tự, thủ tục chuyển theo quy định của pháp luật thì hành vi đó dấu hiệu của tội đưa hối lộ theo quy định tại Điều 289 Bộ luật hình sự 1999, sửa đổi bổ sung 2009:

“Điều 289. Tội đưa hối lộ

1. Người nào đưa hối lộ mà của hối lộ có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới mười triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc vi phạm nhiều lần, thì bị phạt tù từ một năm đến sáu năm.

…”

Trong trường hợp người môi giới hối lộ và người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và người đưa hối lộ có thể được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.

Về phía người có thẩm quyền thông qua trực tiếp hoặc môi giới nhận tiền của bạn để chuyển công tác cho bạn thì người đó có dấu hiệu của tội nhận hối lộ theo quy định tại Điều 279 Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009 như sau:

“Điều 279. Tội nhận hối lộ

1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn, trực tiếp hoặc qua trung gian đã nhận hoặc sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác dưới bất kỳ hình thức nào có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới mười triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a) Gây hậu quả nghiêm trọng;

…”

Trường hợp 2: Trường hợp người nhận tiền không có thẩm quyền thực hiện việc xin chuyển công tác cho bạn

Trong trường hợp này, nếu người nhận tiền không có thẩm quyền thực hiện chuyển việc cho bạn mà đã cố ý đưa ra những thông tin gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản của bạn thì hành vi đó có dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 139 Bộ luật hình sự 1999, sửa đổi, bổ sung 2009:

“Điều 139. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

…”

Ngoài ra, nếu trong quá trình điều tra có căn cứ để xác định người quen của bạn thống nhất ý chí với người nhận tiền đưa ra thông tin gian dối nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản thì người quen của bạn cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản với vai trò đồng phạm.

Như vậy, khi nhận thấy dấu hiệu tội phạm thuộc một trong hai trường hợp nêu trên thì bạn có thể tự thú hoặc trình báo hành vi vi phạm đến cơ quan điều tra - công an cấp quận/huyện nơi bạn hoặc người có hành vi vi phạm để điều tra, xác minh hành vi phạm tội. 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo