Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Dụ dỗ, ép buộc người chưa thành niên phạm pháp xử lý thế nào?

Với sự bùng nổ của mạng xã hội hiện nay, cụ thể là facebook hay tiktok đã phát sinh ra nhiều vấn đề tiêu cực, đặc biệt là ở giới trẻ. Nhiều bạn trẻ đã lạm dụng quá nhiều trong việc sử dụng mạng xã hội từ đó bị một số đối tượng lạm dụng, dụ dỗ, lôi kéo và xúi giục thực hiện những hành vi phạm tội. Hành vi dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người dưới 18 tuổi phạm pháp được quy định tại điều 325 BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 là hành vi trực tiếp xâm phạm trật tự công cộng và sự phát triển lành mạnh của người dưới 18 tuổi.

 

1. Quy định của pháp luật về hành vi dụ dỗ, ép buộc người chưa thành niên phạm tội.

Dụ dỗ, ép buộc hoặc xúi giục được hiểu là hành vi rủ rê, lôi kéo hoặc sử dụng những hành vi đe dọa, hăm dọa bằng vũ lực với đối phương, bắt đối phương phải thực hiện những yêu cầu của mình. Đến nay, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 vẫn giữ nguyên quy định này tuy nhiên đã có sửa đổi bổ sung cụ thể như sau:

“Điều 325. Tội dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người dưới 18 tuổi phạm pháp

1. Người nào đủ 18 tuổi trở lên mà thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Rủ rê, lôi kéo, mua chuộc, kích động hoặc xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội hoặc sống sa đọa;

b) Đe dọa, uy hiếp, dùng vũ lực hoặc có hành vi khác ép buộc người dưới 18 tuổi phạm tội hoặc sống sa đọa;

c) Chứa chấp người dưới 18 tuổi phạm pháp.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Đối với 02 người trở lên;

c) Đối với người dưới 13 tuổi;

d) Chứa chấp, rủ rê, lôi kéo, mua chuộc, kích động, xúi giục, đe dọa, uy hiếp, dùng vũ lực hoặc có hành vi khác ép buộc người dưới 18 tuổi thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

đ) Tái phạm nguy hiểm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.”.

 

Như vậy, Điều 325 quy định ba tội độc lập đó là Tội dụ dỗ người dưới 18 tuổi phạm pháp; Tội ép buộc người dưới 18 tuổi phạm pháp và Tội chứa chấp người dưới 18 tuổi phạm pháp. Các hành vi phạm tội này có cùng đối tượng tác động là người dưới 18 tuổi.

  • Hành vi dụ dỗ người dưới 18 tuổi phạm pháp là hành vi rủ rê, lôi kéo, mua chuộc, kích động hoặc xúi giục người dưới 18 tuổi hoạt động phạm tội. Hành vi phạm tội này có thể được thực hiện bằng các thủ đoạn dưới những hình thức khác nhau như cho ăn cơm, uống bia rượu, hứa hẹn cho tiền hoặc cho quà, kích thích sự ham muốn vật chất để người dưới 18 tuổi nghe theo tham gia vào hoạt động phạm tội. Hay nói cách khác, hành vi dụ dỗ của người phạm tội là nguyên nhân dẫn đến người dưới 18 tuổi tham gia vào hoạt động phạm tội.
  • Hành vi ép buộc người dưới 18 tuổi phạm pháp là hành vi đe dọa, uy hiếp, dùng vũ lực hoặc có những hành vi khác ép buộc người dưới 18 tuổi hoạt động phạm.
  • Chứa chấp người dưới 18 tuổi phạm pháp là hành vi cung cấp cho người dưới 18 tuổi phạm pháp chỗ ở, tạo điều kiện cho họ phạm pháp. Người dưới 18 tuổi sử dụng điều kiện về chỗ ở mà người chứa chấp đã tạo ra cho họ trong khi thực hiện hành vi phạm pháp mà không nhất thiết phải là hành vi phạm tội.

 

 

2. Các dấu hiệu pháp lý của tội Tội dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người dưới 18 tuổi phạm pháp.

Giống như những tội danh khác thì tội dụ dỗ, ép buộc hoặc xúi giục chưa thành niên phạm tội chính cũng có 4 yếu tố cấu thành như sau:

  • Mặt khách thể của tội phạm:

Hành vi này xâm phạm đến trật tự xã hội, xâm phạm đến những người chưa thành niên được pháp luật bảo vệ, xâm phạm đến hoạt động phòng chống tội phạm, đồng phạm trong mối quan hệ với người chưa thành niên. Đây được xem là mối quan hệ được pháp luật rất quan tâm, vì ở độ tuổi này người dưới 18 tuổi chưa có khả năng nhận thức đầy đủ được hành vi của mình.

  • Mặt khách quan của tội phạm:

Mặt khách quan của tội phạm trong hành vi này chính là thực hiện các hành vi dụ dỗ, lôi kéo hoặc sử dụng những hành vi, lời nói để uy hiếp đối tượng thực hiện hành vi phạm tội. Việc uy hiếm có thể sử dụng những hung khí, vũ khí hoặc đê dọa nếu không thực hiện sẽ báo cho người khác biết về một vụ việc nào đó. Và để không bị mọi người biết về vụ việc đó người chưa thành niên sẽ làm theo bất kỳ những yêu cầu gì của đối tượng. Hậu quả của hành vi lôi kéo, xúi giục hoặc đe dọa người chưa thành niên phạm tội chính là nhằm thực hiện được những yêu cầu do đối tượng yêu cầu phải thực hiện.

  • Mặt chủ quan của tội phạm:

Người phạm tội thực hiện hành vi với lỗi cố ý thực hiện hành vi, lên kế hoạch để lựa chọn những người dưới 18 tuổi và tiến hành dùng lời lẽ, hành vi để dụ dỗ, lôi kéo và xúi giục họ phạm tội thay cho mình. Chính vì vậy, đây là hành vi xuất phát từ ý chí tự nguyện và mong muốn hậu quả xảy ra theo đúng dự tính của mình, không chịu tác động của bất kỳ ai, theo ý chí chủ quan của bản thân.

  • Mặt chủ thể của tội phạm:

Chủ thể của hành vi này chính là những đối tượng đã từ đủ 18 tuổi trở lên, có đầy đủ năng lực hành vi dân sự và có thể chịu trách nhiệm hình sự do những hành vi của mình gây ra.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của công ty Luật Minh Gia liên quan đến Tội dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người dưới 18 tuổi phạm pháp. Nếu còn vướng mắc hoặc có bổ sung thêm thông tin cần tư vấn, anh/chị vui lòng liên hệ tới công ty Luật Minh Gia để được hỗ trợ kịp thời.

Trân trọng./.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo