Luật sư Phùng Gái

Điều kiện để truy cứu trách nhiệm hình sự của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản?

Câu hỏi tư vấn: Vào ngày 12/11/2015 tôi và 6 người nữa có tham gia một chương trình hợp tác đào tạo nguồn nhân lực cho thị trường nhật bản tại một trung tâm xuất khẩu lao động, và mỗi người đều phải đặt coc 1 khoản tiền là 10.000.000 đồng (mười triệu đồng chẵn) (7 người tổng cộng là 70 triệu đồng) với cam kết là trong vòng 1 năm (tức là đến 12/11/2016) như sau:

 

Nếu chúng tôi được đi sang nhật thông qua trung tâm thì sẽ được hoàn lại tiền cọc (10 triệu đồng); nếu chúng tôi không được đi sang nhật và trong thời gian này cũng không đi sang nhật thông qua các trung tâm khác thì cũng sẽ được hoàn lại tiền cọc (10 triệu đồng). Đến nay đã hết hạn thời gian cam kết hợp đồng, tuy nhiên bên phía trung tâm không có động thái trả lại tiền cọc cho chúng tôi, chúng tôi đã hẹn họ giải quyết và họ giải thích là chương trình này bên phía học hợp tác với 1 đối tác bên nhật. Tiền cọc của chúng tôi họ đã chuyển sang bên Nhật (điều này không có sự đồng ý cũng như chứng kiến của chúng tôi). Vì thế bên phía trung tâm yêu cầu chúng tôi phải ký 1 giấy yêu cầu thanh toán với bên Nhật.

 

Vậy tôi mong muốn luật sư tư vấn giúp tôi các vấn đề sau: Việc phía trung tâm tự ý chuyển tiền cọc của chúng tôi sang bên nhật bản là đúng hay sai? và việc họ yêu cầu chúng tôi phải ký yêu cầu thanh toán với phía Nhật có hợp lý không? Khi thời gian hợp đồng đã kết thúc mà phía trung tâm không có động thái liên lạc để thanh toán tiền cọc cho chúng tôi thì có phải là dấu hiệu của việc chiếm đoạt tài sản không? Trong 1 năm hợp đồng diễn ra tôi và 1 người nữa trong số 6 người còn lại có tiến tới hôn nhân và chuẩn bị có con. Hiện nay phía trung tâm đang vin vào điều này để cáo buộc chúng tôi vi phạm hợp đồng (mặc dù trong hợp đồng không ghi điều này và họ giải thích là phải tự hiểu ??? ngoài ra cũng không có văn bản nào xác nhận việc vi phạm này cả). Vì thế phía trung tâm có ý định không thanh toán tiền cọc cho chúng tôi.

 

Hiện nay phía trung tâm đưa ra 2 phương án: chúng tôi phải tiếp tục tham gia các đơn hàng phía họ và khi chúng tôi được sang Nhật thì phía trung tâm mới thanh toán tiền cọc cho chúng tôi (mặc dù thời hạn cam kết trong hợp đồng đã kết thúc); phương án 2: chúng tôi phải chờ phía họ đòi được tiền từ phía Nhật Bản thì mới thanh toán được cho chúng tôi (không chốt được thời gian khi nào đòi được) mặc dù tiền cọc chúng tôi nộp cho trung tâm tại Việt Nam chứ không phải tại nhật. Tổng hợp các điều trên thì có thể coi phía trung tâm có dấu hiệu lừa đảo và chiếm đoạt tài sản được không? Hiện nay tôi đang cư trú tại quận cầu giấy, phía trung tâm kia thì có trụ sở tại quận Thanh Xuân. Vậy nếu chúng tôi muốn khởi kiện trung tâm thì phải ra tòa án quận cầu giấy hay thanh xuân? thủ tục như thế nào mong Luật Sư hướng dẫn giúp chúng tôi. Trân thành cảm ơn!

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn tới công ty Luật Minh Gia, với trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Theo thông tin cung cấp thì giữa bạn và 6 người khác có ký kết hợp đồng đặt cọc trị giá 10.000.000 đồng với phía trung tâm xuất khẩu lao động, cam kết thực hiện trong thời hạn 1 năm từ tháng 11/2015-12/11/2016 và nội dung hơp đồng gồm: nếu được đi sang nhật thông qua trung tâm thì sẽ được hoàn lại tiền cọc; nếu chúng tôi không được đi sang nhật và trong thời gian này cũng không đi sang nhật thông qua các trung tâm khác thì cũng sẽ được hoàn lại tiền cọc. Như vậy, việc giao kết này là phát sinh giữa trung tâm và bạn cùng 6 người khác, chứ không liên quan tới phía bên Nhật Bản và việc trung tâm giao dịch với phía bên Nhật (chuyển tiền) cũng không ảnh hưởng tới hợp đồng nội dung, điều khoản của hợp đồng này. Do đó, khi hết thời hạn 1 năm từ tháng 11/2015-12/11/2016 mà trung tâm không thực hiện được cam kết đưa bạn và 6 người khác đi Nhật...thì có trách nhiệm thanh toán lại tiền cọc đã nhận theo thỏa thuận ban đầy giao kết, còn việc trung tâm giao kết chuyển tiền cho bên Nhật đó là thỏa thuận giao kết của hai bên. Nên họ không có quyền yêu cầu các bạn phải ký kết yêu cầu thanh toán với bên Nhật được (vì lý do họ chuyển tiền cho bên Nhật được) và yêu cầu này là không hợp lý (không có nghĩa vụ phải thực hiện theo vì người trực tiếp giao kết là trung tâm chứ không phải đối tác bên Nhật nên trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ vi phạm hợp đồng sẽ do trung tâm chịu trách nhiệm). Cụ thể, Bộ luật dân sự năm 2015 về hợp đồng đặt cọc:

 

Điều 358. Đặt cọc

 

1. Đặt cọc là việc một bên giao cho bên kia một khoản tiền hoặc kim khí quí, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi là tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng dân sự.

 

Việc đặt cọc phải được lập thành văn bản.

 

2. Trong trường hợp hợp đồng dân sự được giao kết, thực hiện thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền; nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng dân sự thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc; nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng dân sự thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

 

- Thứ hai, liên quan tới tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

 

Theo quy định của Bộ luật hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2009 về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

 

Điều 139*. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

 

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

 

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

..

E) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;

...

Theo đó, để cấu thành tội thì ngay từ đầu phải có hành vi thủ đoạn gian dối với mục đích chiếm đoạt tài sản. Do đó, đối chiếu với trường hợp của bạn để xác định với việc làm của Trung tâm đủ yếu tố cấu thành tội lừa đảo hay chưa thì phải xác định, chứng minh người trực tiếp thực hiện ký kết với các bạn đã có hành vi gian dối ngay từ đầu - tức khi biết bạn và 6 người trên tham gia một chương trình hợp tác đào tạo nguồn nhân lực cho thị trường Nhật bản thì phía trung tâm đã lợi dụng việc đó, lên kế hoạch để lừa cho các bạn ký kết vào hợp đồng này nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản (tiền mặt trị giá 70 triệu đồng) và sau khi chiếm đoạt tài sản xong bỏ trốn hoặc tìm mọi cách để không phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán. Trong trường hợp này có thể tố cáo với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với phía trung tâm này được.

 

Trong trường hợp bản chất thì ngay từ đầu trung tâm không có ý định, thủ đoạn gian dối để lấy số tiền của các bạn, tức là việc tham gia chương trình và việc trung tâm sẽ đưa sang Nhật...là có thật, việc giao kết hợp đồng đặt cọc xuất phát từ yêu cầu, mong muốn của hai bên - không có căn cứ, dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà chỉ dừng ở giao dịch dân sự thông thường, nên nếu trung tâm không hoàn trả lại tiền cọc thì bạn có quyền làm đơn khởi kiện ra Tòa để kiện đòi tài sản (kiện dân sự). 

 

Tuy nhiên, nếu ngay từ đầu phía trung tâm không có hành vi gian dối với mình để chiếm đoạt tài sản, nhưng trong quá trình thực hiện hợp đồng và đến khi hết thời gian nhưng phía trung tâm không thanh toán lại mà đưa ra các lý do (không nằm trong điều khoản vi phạm của hợp đồng: vì lý kết hôn, trung tâm đã giao kết chuyển toàn bộ tiền cho phía đối tác bên Nhật) với mục đích chiếm đoạt luôn số tiền 70 triệu trên thì có thể đặt ra vấn đề truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

 

Điều 140*. Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản

 

1. Người nào có một trong những hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ bốn triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới bốn triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm:

 

a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó;

 

b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.

 

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

...

D) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;

 

Theo đó, khi có căn cứ của hành vi phạm tội thì bạn và 6 người trên có thể thực hiện làm đơn tố cáo tới cơ quan công an quân Thanh Xuân (nơi trung tâm đặt trụ sở) để truy cứu trách nhiệm và buộc trung tâm phải thanh toán, hoàn lại số tiền đặt cọc trước đó là 70 triệu đồng.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Điều kiện để truy cứu trách nhiệm hình sự của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản?. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!
CV P.Gái - công ty Luật Minh Gia.

 

 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo