Triệu Lan Thảo

Điều kiện để hưởng án treo và các quy định có liên quan

Tư vấn về điều kiện được hưởng án treo. Quy định để được hưởng án treo cụ thể thế nào? Bộ Luật hình sự và các văn bản pháp luật có liên quan có quy định chi tiết như sau:

Câu hỏi đề nghị tư vấn: Chào Luật sư, tôi muốn hỏi: Cháu tôi đang vướng vào tội trộm cắp tài sản công dân. Vụ việc như sau:
Khi không có ai ở nhà, vô tình cháu phát hiện trong tủ trang điểm có 4000 USD, cháu không lấy ngay. Sau khi đi vệ sinh cá nhân, quay lại tủ trang điểm thì cháu đã lấy số tiền đó và gửi vào ngân hàng dưới hình thức sổ tiết kiệm mang tên cháu. Tối hôm đó cháu áy náy tính báo với tôi nhưng do tôi có khách nên cháu lại thôi. Sáng hôm sau tôi thấy mất số tiền, tôi có lên công an trình báo. Tối về cháu thành thật thú nhận với tôi và trả lại cho tôi quyền sổ tiết kiệm. Trong lúc nóng giận tôi đã đưa cháu lên công an để răn đe cho cháu sợ. Tôi không ngờ vụ việc lại nghiêm trọng như vậy nên tôi đã viết đơn bãi nại, đơn yêu cầu không khởi tố cho cơ quan chức năng.

Cháu tôi trong thời gian phạm tội đã mang thai nhưng đến tuần thai thứ 33 (vào ngày 21/05/2015) lại bị hư thai. Hiện tại cháu tôi đang bị suy sụp tinh thần do mới mất con và áp lực khi có giấy triệu tập lên tòa vào ngày 11/06/2015. Cháu tôi phạm tội lần đầu, là sinh viên mới ra trường, bản thân gia đình tốt, không ai có tiền án tiền sự, có nơi cư trú rõ ràng. Cho tôi hỏi, với những tình tiết trên thì cháu tôi có được hưởng án treo hay không? Quy định để được hưởng án treo cụ thể thế nào, mong luật sư tư vấn. Tôi xin cảm ơn!
 
 Trả lời: Cảm ơn bác đã tin tưởng gửi câu hỏi về cho Công ty Luật Minh Gia, Chúng tôi xin tư vấn trường hợp của bác như sau:

Điều 60 BLHS có quy định về án treo:

“1.Khi xử phạt tù không quá ba năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, nếu xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù, thì Tòa án cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách từ một năm đến năm năm.

2. Trong thời gian thử thách, Tòa án giao người hưởng án treo cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc hoặc chính uyền địa phương nơi người đó thường trú để giám sát và giáo dục. Gia đình người bị kết án có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương trong việc giám sát giáo dục người đó.

3. Người được hưởng án treo có thể phải chịu hình phạt bổ sung là phạt tiền, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định theo quy định tại Điều 30 và Điều 36 Bộ Luật này.

4. Người được hưởng án treo đã chấp hành được một phần hai thời gian thử thách và có nhiều tiến bộ thì theo đề nghị của cơ quan, tổ chức có trách nhiệm giám sát và giáo dục. Tòa án có thể quyết định rút ngắn thời gian thử thách.

5. Đối với người được hưởng án treo mà phạm tội mới trong thời gian thử thách, thì tòa án quyết định buộc phải chấp hành hình phạt của bản án trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới theo quy định tại Điều 51 của Bộ Luật này.”

 Tại Điểm 6 Nghị quyết 01/HĐTP ngày 2 tháng 10 năm 2007 hướng dẫn về thời hiệu thi hành bản án, miễn chấp hành hình phạt, giảm thời hạn chấp hành hình phạt  cũng có quy định về điều kiện để được hưởng án treo như sau:

“Chỉ cho người bị xử phạt tù hưởng án treo khi có đủ các điều kiện sau đây:

 a) Bị xử phạt tù không quá ba năm, không phân biệt về tội gì;

 Trường hợp người bị xét xử trong cùng một lần về nhiều tội mà khi tổng hợp hình phạt, hình phạt chung không quá ba năm tù, thì cũng có thể cho hưởng án treo .

b) Có nhân thân tốt được chứng minh là ngoài lần phạm tội này họ luôn chấp hành đúng chính sách, pháp luật, thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của công dân; chưa có tiền án, tiền sự; có nơi làm việc ổn định hoặc có nơi thường trú cụ thể, rõ ràng;

 c) Có từ hai tình tiết giảm nhẹ trở lên và không có tình tiết tăng nặng, trong đó có ít nhất là một tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 của BLHS. Trường hợp vừa có tình tiết giảm nhẹ vừa có tình tiết tăng nặng, thì tình tiết giảm nhẹ phải nhiều hơn tình tiết tăng nặng từ hai tình tiết trở lên;

 d) Nếu không bắt họ đi chấp hành hình phạt tù thì không gây nguy hiểm cho xã hội hoặc không gây ảnh hưởng xấu trong cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm.
 
Căn cứ vào các điều luật nêu trên cùng với các quy định về tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 BLHS, tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 BLHS, đồng thời căn cứ vào thông tin mà bác cung cấp thì: trong trường hợp này, cháu bác đã có ít nhất là hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điểm l và Điểm p Khoản 1 Điều 46 BLHS, đó là: l) Người phạm tội là phụ nữ có thai; p) Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải. Ngoài ra không có tình tiết tăng nặng nào quy định tại Khoản 1 Điều 48 BLHS.

Như vậy, nếu như cháu gái bác bị Tòa án xét xử không quá 3 năm tù về tội trộm cắp tài sản thì có thể được xem xét để được hưởng án treo.
 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Điều kiện để hưởng án treo và các quy định có liên quan. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!
Chuyên viên: Lương Sen – Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo