Nguyễn Thị Tuyết Nhung

Điều khiển xe khi say rượu làm chết người chịu tội gì?

Cho tôi xin hỏi: dì tôi bị tai nạn giao thông mất. Người gây tai nạn giao thông cho dì tôi bị thương. Người gây tai nạn trong tình trạng rất say rượu, chạy xe với tốc độ nhanh, không đội nón bảo hiểm, dì tôi chạy xe với tốc độ khoảng 30-40km/h, không đội nón bảo hiểm. Người kia đâm vào dì tôi khiến dì tôi vỡ đầu, mất máu rất nhiều, người kia bị thương.

 

Câu hỏi: Sau khi tai nạn xảy ra, có người quen của người gây tai nạn đến đưa người đó đi cấp cứu, bỏ lại dì tôi trong tình trạng ra rất nhiều máu. Sau khi được người quen phát hiện đưa đi cấp cứu, dì tôi đã mất trên đường đi cấp cứu vì mất quá nhiều máu. Sau khi dì tôi mất gia đình người gây tai nạn có vài lần sang nói chuyện với gia đình nhưng thái độ rất hời hợt với lý do dì tôi là người sai 100% nên mới xảy ra tai nạn trên. Cho tôi hỏi người gây tai nạn trên có bị buộc tội gì không? Tôi mong sớm có lời giải đáp. Tôi xin cảm ơn.

 

 

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi cần tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia, với thắc mắc của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Để xác định trong trường hợp có yếu tố về truy cứu trách nhiệm hình sự hay không thì cần xem xét yếu tố lỗi gây ra tai nạn trong trường hợp này. Nếu trong quá trình tham gia giao thông, phía người gây tai nạn vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ dẫn đến tai nạn thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 260 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ như sau:

 

“1. Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

 

a) Làm chết người;

 

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

 

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

 

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

 

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

 

a) Không có giấy phép lái xe theo quy định;

 

b) Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác;

 

c) Bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;

…”

 

Như vậy, sau khi có kết luận của cơ quan điều tra xác định người gây tai nạn trong trường hợp này có lỗi gây thiệt hại, người này có sử dụng rượi bia mà nồng độ cồn vượt quá mức quy định và người này có hành vi cố ý không cứu giúp người bị nạn dẫn đến người đó chết thì có căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với họ về hành vi vi phạm quy định khi tham gia giao thông đường bộ.

 

Trân trọng!

Vũ Thị Yến – Công ty luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo