LS Thanh Hương

Đánh người khác chấn thương sọ não, truy cứu trách nhiệm như thế nào?

Gửi Luật Sư Minh Gia. Em tên hỏi có mấy câu hỏi về việc bị hành hung mong được luật sư giải đáp ạ, cụ thể là Bố bị người khác đánh chấn thương sọ não và mất tại bệnh viện. Hỏi người phạm tội sẽ bị truy cứu trách nhiệm như thế nào? thời gian để Tòa án tiến hành xét xử là bao lâu?

Chi tiết là: Bố em bị tên A đánh chấn thương sọ não và mất tại bệnh viện, hiện đang bị tạm giam ở cơ quan công an, và đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Từ khi xảy ra vụ án gia đình tên A không đến thăm hỏi hay xin lỗi gì. Vậy Luật sư cho em hỏi:

Thời gian bao lâu thì tòa án mới xử ạ (bởi vì vụ án của bố em xảy ra ngày 29/9/2015 đến nay vẫn chưa có thông tin của tòa án xử);

Thời gian tên A đó sẽ ở tù bao lâu?;

Con gái của bố năm nay mới 12 tuổi vậy mức bồi thường là bao nhiêu? và tên A đi tù liệu gia đình em có được nhận tiền bồi thường, ma chay không ạ. Em xin cảm ơn!.

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia. Vấn đề bạn đưa ra chúng tôi xin được tư vấn như sau:

Theo quy định tại khoản 3 điều 104 Bộ luật hình sự quy định:

“3. Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật  từ  61% trở lên hoặc dẫn đến chết người hoặc từ 31% đến 60%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.”

Đây là trường hợp người phạm tội chỉ cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại đến sức khoẻ của nạn nhân, nhưng chẳng may nạn nhân bị chết, cái chết của nạn nhân lá ngoài ý muốn của người phạm tội.Thương tích dẫn đến chết người, trước hết phải là thương tật nặng làm cho nạn nhân chết vì thương tích này, tức là giữa cái chết của nạn nhân và thương tích mà người phạm tội gây ra cho nạn nhân phải có mối quan hệ nhân quả.

Như vậy mức phạt tù đối với trường hợp phạm tội này tối đa có thể lên đến 15 năm.

Theo quy định tại khoản điều 8 Bộ luật hình sự:

“3. Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại không lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến ba năm tù; tội phạm nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến bảy năm tù; tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại rất lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến mười lăm năm tù; tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại đặc biệt lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là trên mười lăm năm tù, tù chung thân hoặc tử hình”.

Hành vi của người phạm tội thuộc nhóm tội phạm rất nghiêm trọng.

Khoản 1, Điểm c Khoản 2 Điều 119 Bộ luật tố tụng hình sự quy định về thời hạn điều tra:

“1. Thời hạn điều tra vụ án hình sự không quá hai tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, không quá ba tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá bốn tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, kể từ khi khởi tố vụ án cho đến khi kết thúc điều tra.

2. Trong trường hợp cần gia hạn điều tra do tính chất phức tạp của vụ án thì chậm nhất là mười ngày trước khi hết hạn điều tra, Cơ quan điều tra phải có văn bản đề nghị Viện kiểm sát gia hạn điều tra.

c) Đối với tội phạm rất nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra hai lần, mỗi lần không quá bốn tháng;

Như vậy thời hạn điều tra đối với tội phạm rất nghiêm trọng tối đa là 01 năm

Theo quy định tại khoản 2 điều 176 Bộ luật tố tụng hình sự:

"2. Trong thời hạn ba mươi ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng, bốn mươi lăm ngày đối với tội phạm nghiêm trọng, hai tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng, ba tháng đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, kể từ ngày nhận hồ sơ vụ án, Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa phải ra một trong những quyết định sau đây:

a) Đưa vụ án ra xét xử;

b) Trả hồ sơ để điều tra bổ sung;

c) Đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án.

Đối với những vụ án phức tạp, Chánh án Tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử, nhưng không quá mười lăm ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng, không quá ba mươi ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Việc gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử phải được thông báo ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp.

Trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Toà án phải mở phiên toà; trong trường hợp có lý do chính đáng thì Toà án có thể mở phiên toà trong thời hạn ba mươi ngày.

Đối với vụ án được trả lại để điều tra bổ sung thì trong thời hạn mười lăm ngày sau khi nhận lại hồ sơ, Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa phải ra quyết định đưa vụ án ra xét xử."

Thời hạn tối đa để Tòa án đưa vụ án ra xét xử là 03 tháng.

Đối với vấn đề bồi thường: Theo quy định tại Điều 610 Bộ luật dân sự quy định Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm

“1. Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm:

a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, chăm sóc người bị thiệt hại trước khi chết;

b) Chi phí cho việc mai táng;

c) Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng.

2. Người xâm phạm tính mạng của người khác phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa không quá sáu mươi tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định”

Trường hợp này phía người phạm tội phải có trách nhiệm cấp dưỡng, nuôi dưỡng đối với người con 12 tuổi đó cho đến khi đủ 18 tuổi.

Trên đây là nội dung tư vấn về: Đánh người khác bị chấn thương sọ não. Truy cứu trách nhiệm như thế nào? Nếu còn vướng mắc bạn vui lòng liên hệ luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo