Vũ Thanh Thủy

Đánh bạn có bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Luật sư tư vấn về trách nhiệm pháp lý khi có hành vi gây thương tích và tổn hại đến sức khỏe của người khác. Cụ thể như sau:

 

Kính gửi: Luật Minh Gia. Thưa quý công ty, tôi có một trường hợp muốn nhờ Quý công ty tư vấn giúp . Trường hợp này là của hàng xóm cạnh gia đình tôi, gia cảnh rất khó khăn và thiếu kiến thức về pháp luật. Do cãi vã với bạn mà em này đã đánh nhau gây thương tích cho bạn của mình, sau đó bạn này đã được đưa đi viện và em này đã ra tự thú. Trong quá trình đi bệnh viện người nhà của em này đã đến thăm nom và chi trả tiền viện phí cũng như thỏa thuận đền bù về tiền mặt với gia đình người bị hại. Người bị hại và gia đình đã viết đơn bãi nại và không giám định thương tích. Quý công ty cho tôi hỏi trong trường hợp này em này có bị khởi tố trách nhiệm hình sự không? và thời hạn giam giữ của trường hợp này là bao lâu ạ? Trân trọng cảm ơn!

 

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi tới Công ty Luật Minh Gia, với tình huống của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Thứ nhất, về tội cố ý gây thương tích, gây tổn hại sức khỏe của người khác

 

Theo như bạn trình bày thì người hàng xóm của bạn (tạm gọi là A) có xảy ra mâu thuẫn dẫn đến đánh nhau với bạn của mình (tạm gọi là B). Tuy nhiên bạn không trình bày rõ là B có tỷ lệ thương tật là bao nhiêu % nên chúng tôi không thể tư vấn cụ thể.

 

Điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về tội cố ý gây thương tích, gây tổn hại sức khỏe của người khác như sau:

 

" Điều 134. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác

 

1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

 

a) Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người;

 

b) Dùng a-xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm;

 

c) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;

 

d) Đối với ông, bà, cha, mẹ, thầy giáo, cô giáo của mình, người nuôi dưỡng, chữa bệnh cho mình;

 

đ) Có tổ chức; 

 

e) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;..."

 

Như vậy nếu B có tỷ lệ thương tật từ 11% trở lên hoặc dưới 11% nhưng A có dùng hung khí nguy hiểm như dao, gậy,...thì hoàn toàn bị truy cứu về tội này. Ngoài ra bạn cần phải xem xét tỷ lệ thương tật của B là bao nhiêu và đối chiếu với từng khoản xem rơi vào trường hợp nào để biết thêm cụ thể. Nếu bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Khoản 1 Điều 134 Bộ luật hình sự 2015 về tội cố ý gây thương tích thì khi có đơn bãi nại của người bị hại thì sẽ không bị truy tố. Nhưng, nếu bị truy cứu trách nhiệm theo khoản 2, 3 hoặc 4 Điều 134, thì mặc dù có đơn bãi nại của người bị hại thì cơ quan công an vẫn tiến hành khởi tố vụ án. Do đó, A vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định pháp luật.

 

Thứ hai, về thời hạn tạm giữ

 

Điều 118 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định về Thời hạn tạm giữ như sau:

 

“Điều 118. Thời hạn tạm giữ

 

1. Thời hạn tạm giữ không quá 03 ngày kể từ khi Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra nhận người bị giữ, người bị bắt hoặc áp giải người bị giữ, người bị bắt về trụ sở của mình hoặc kể từ khi Cơ quan điều tra ra quyết định tạm giữ người phạm tội tự thú, đầu thú.

 

2. Trường hợp cần thiết, người ra quyết định tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ nhưng không quá 03 ngày. Trường hợp đặc biệt, người ra quyết định tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ lần thứ hai nhưng không quá 03 ngày.

 

Mọi trường hợp gia hạn tạm giữ đều phải được Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền phê chuẩn. Trong thời hạn 12 giờ kể từ khi nhận hồ sơ đề nghị gia hạn tạm giữ, Viện kiểm sát phải ra quyết định phê chuẩn hoặc quyết định không phê chuẩn...”

 

Như vậy, thời hạn tạm giữ tối thiểu là 3 ngày và tối đa không quá 9 ngày.
 

Hơn nữa, nếu như chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị xử phạt vi phạm hình chính theo quy định tại điểm a Khoản 2 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP

 

"Điều 5. Vi phạm quy định về trật tự công cộng

 

2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

 

a. Đánh nhau hoặc xúi giục người khác đánh nhau;

..."

 

Trân trọng.
CV tư vấn: Đào Thị Trà - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo