Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Có thể kháng án xin giảm từ án tù xuống thành án treo?

Pháp luật Hình sự được xây dựng nhằm đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, tạo hành lang pháp lý buộc mọi người phải có những xử sự phù hợp để thiết lập tạo nên trật tự chung của toàn xã hội. Trong các chế tài xin giảm nhẹ hình phạt phải kể đến quy định cho được hưởng án treo để người phạm tội sớm hòa nhập cộng đồng.

1. Luật sư tư vấn Luật Hình sự

Không thể phủ nhận rằng, Bộ luật Hình sự ra đời đã có sự đóng góp vô cùng to lớn trong việc quản lý xã hội của Nhà nước. Bộ luật thiết lập hệ thống các tội danh, các yếu tố cấu thành, định tội và hình phạt kèm theo để dễ dàng áp dụng khi có tội phạm xảy ra.

Ngoài ra, Bộ luật Hình sự xây dựng cả những điều kiện để giảm nhẹ hình phạt, đồng thời cũng xây dựng những tình tiết tăng nặng khi người phạm tội có thái độ chống đối, phạm tội nhiều lần,… Pháp luật luôn cần phải tuân thủ nguyên tắc bảo đảm công bằng, thể hiện ở việc, so với thái độ bất hợp tác thì một người phạm tội tích cực phối hợp, phạm tội lần đầu, lập công chuộc tội cần được ưu tiên giảm nhẹ hình phạt, được hưởng khoan hồng.

Phổ biến nhất trong các quy định giảm nhẹ cho người phạm tội là xin giảm án và đề nghị được hưởng án treo. Tuy nhiên nhiều người không biết liệu hình phạt đưa ra có phù hợp không? Muốn xin giảm án thì làm thế nào? Điều kiện hưởng án treo là gì?... Nếu bạn còn đang băn khoăn về các vấn đề trên mà chưa rõ các quy định pháp luật, bạn hãy gọi cho Luật Minh Gia theo số điện thoại 1900.6169 để được hướng dẫn kịp thời.

2. Tư vấn về việc kháng án xin giảm án tù xuống thành án treo

Nội dung cần tư vấn. Chào luật sư. Cháu có 1 vụ án mong luật giúp đỡ,tư vấn giúp. Chú họ cháu 27 tuổi gây tai nạn giao thông làm chết 1 đứa trẻ 7 tuổi và làm bị thương 1 người với tỉ lệ thương tật vĩnh viễn 62%.Viện kiểm sát truy tố chú cháu từ 3-10 năm tù theo điểm Đ khoản 2 điều 202 luật hình sự. Hôm nay tòa mới xử 3 năm tù...chú cháu có 3 tình tiết giảm nhẹ và không có tình tiết tăng nặng.Chú cháu định tiếp tục phúc thẩm.Xin hỏi luật sư với những tình tiết trên liệu chú cháu có thể phúc thẩm giảm án được không? Liệu có thể xin được án treo không? Mong luật sư giúp đỡ. Cháu xin chân thành cảm ơn!!

an-treo-jpg-15112013021059-U14.jpg

Có thể kháng án xin giảm án tù thành án treo không?

Trả lời: Chào bạn, Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến bộ phận luật sư Hình sự - Công ty Luật Minh Gia, đối với trường hợp trên chúng tôi tư vấn như sau:

I. Bị đơn có thể phúc thẩm giảm án không?

Trước hết, bạn cần hiểu theo quy định của pháp luật Tố tụng Hình sự hiện hành, quyền kháng nghị thuộc về Viện Kiểm sát. Bị cáo, người bị hại, người đại diện hợp pháp của bị cáo, người bị hại có quyền kháng cáo bản án hoặc quyết định của tòa án.

Theo quy định tại Điều 331 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 thì “Bị cáo, người bị hại, người đại diện hợp pháp của họ có quyền kháng cáo bản án hoặc quyết định sơ thẩm” nếu xét thấy bản án hoặc quyết định sơ thẩm đó chưa thỏa đáng.

Như vậy, nếu thấy mức hình phạt đối với mình còn nặng, chú bạn hoàn toàn có quyền kháng cáo bản án của Tòa án.

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án, hoặc kể từ ngày nhận được bản án hoặc từ ngày niêm yết bản án tại Tòa án trong trường hợp chí bạn vắng mặt tại phiên toà, chú bạn phải gửi đơn kháng cáo theo mẫu đến Tòa án đã xử sơ thẩm hoặc Toà án cấp phúc thẩm.

Như vậy, khi xét thấy hình phạt trong bản án đối với mình quá nặng, chú bạn có quyền kháng cáo bản án theo thủ tục phúc thẩm. Tuy nhiên, việc Tòa án cấp phúc thẩm có chấp nhận yêu cầu kháng cáo hay không còn phụ thuộc vào việc chứng minh các yêu cầu kháng cáo có căn cứ hay không?

II. Việc kháng cáo xin giảm mức hình phạt từ 3 năm tù xuống án treo.

Khoản 1 Điều 65 Bộ luật hình sự 2015 quy định về án treo như sau:

“1. Khi xử phạt tù không quá 03 năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, nếu xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù, thì Tòa án cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách từ 01 năm đến 05 năm và thực hiện các nghĩa vụ trong thời gian thử thách theo quy định của Luật thi hành án hình sự.”

Bên cạnh đó, tại Điều 2 Ngị quyết 02/2018/NQ-HĐTP có quy định về điều kiện cho người bị kết án tù được hưởng án treo như sau:

“Người bị xử phạt tù có thể được xem xét cho hưởng án treo khi có đủ các điều kiện sau đây:

1. Bị xử phạt tù không quá 03 năm.

2. Có nhân thân tốt.

Được coi là có nhân thân tốt nếu ngoài lần phạm tội này, người phạm tội luôn chấp hành đúng chính sách, pháp luật và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của công dân ở nơi cư trú, nơi làm việc.

Đối với người đã bị kết án nhưng thuộc trường hợp được coi là không có án tích, người bị kết án nhưng đã được xóa án tích, người đã bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị xử lý kỷ luật mà thời gian được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính, chưa bị xử lý kỷ luật tính đến ngày phạm tội lần này đã quá 06 tháng, nếu xét thấy tính chất, mức độ của tội phạm mới được thực hiện thuộc trường hợp ít nghiêm trọng hoặc người phạm tội là đồng phạm có vai trò không đáng kể trong vụ án và có đủ các điều kiện khác thì cũng có thể cho hưởng án treo.

3. Có từ 02 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trở lên, trong đó có ít nhất 01 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự và không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự.

Trường hợp có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự thì số tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự phải nhiều hơn số tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự từ 02 tình tiết trở lên, trong đó có ít nhất 01 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự.

4. Có nơi cư trú rõ ràng hoặc nơi làm việc ổn định để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giám sát, giáo dục.

Nơi cư trú rõ ràng là nơi tạm trú hoặc thường trú có địa chỉ được xác định cụ thể theo quy định của Luật Cư trú mà người được hưởng án treo về cư trú, sinh sống thường xuyên sau khi được hưởng án treo.

Nơi làm việc ổn định là nơi người phạm tội làm việc có thời hạn từ 01 năm trở lên theo hợp đồng lao động hoặc theo quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

5. Xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù nếu người phạm tội có khả năng tự cải tạo và việc cho họ hưởng án treo không gây nguy hiểm cho xã hội; không ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.”

Như vậy, tuy chú bạn có 3 tình tiết giảm nhẹ, không có tình tiết tăng nặng nhưng bị Tòa tuyên án với mức hình phạt là 3 năm tù nên không đủ căn cứ để Tòa án cho hưởng án treo.

Tuy nhiên, với 3 tình tiết giảm nhẹ và không có tình tiết tăng nặng, chú bạn có thể cân nhắc để kháng cáo bản án sơ thẩm xin giảm hình phạt xuống dưới 3 năm tù đồng thời xin Tòa án cho hưởng án treo bởi vì:

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 54 BLHS 2015 thì “Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật khi người phạm tội có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật này.”

Trong trường hợp Tòa án giảm mức hình phạt xuống dưới 3 năm tù, nếu xét thấy có đủ căn cứ để cho hưởng án treo thì Tòa án sẽ cho chú bạn hưởng án treo theo quy định của pháp luật.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo