Trần Tuấn Hùng

Có phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hay không và cách giải quyết?

Luật sư tư vấn về phương pháp giải quyết trong trường hợp một người giao tiền nhờ xin việc hộ nhưng người xin việc không xin được việc, không trả lại tiền và không có hộ khẩu thường trú

Nội dung:

E có nhờ một người xin việc làm vào đầu năm 2013, và đã đưa tiền cho người đó, số tiền tổng cộng đã đưa là 145 triệu đồng. Sau hơn 1 năm xin việc không được. Vào tháng 7 năm 2014, người này đã ký hợp đồng hứa trong vòng 40 ngày sẽ trả lại số tiền đó. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa trả. Lúc người này ký các hợp đồng trách nhiệm thì có đưa giấy CMND cho em coi. Trong hợp đồng đều có ghi số CMND và địa chỉ trên CMND của ông ta. Nhưng em không photo lại. Em đã khởi kiện ra tòa án nhân dân Quận vào tháng 10/2014 và Tòa Án đã thụ lý hồ sơ. Nhưng trong quá trình xác minh địa chỉ thì không xác định được địa chỉ hiện tại của bị đơn. Đến tháng 3/2015 em đã chủ động rút đơn khởi kiện ở tòa. Bây giờ em không có cách để xác định được địa chỉ hộ khẩu của ông ta, mà chỉ biết được chổ ở ông ta thường hay đi và về. Em cũng đã nhờ đến một số công ty đòi nợ thuê nhưng họ nói không xác định được địa chỉ hộ khẩu của ông ta thì không làm được.Trong các hợp đồng trách nhiệm mà ông ta đã ký, chỉ có hợp đồng đầu tiên (tháng 2/2013) là có nhắc đến nội dung nhờ xin việc (chạy việc làm). Còn hợp đồng cuối cùng (tháng 7/2014) ông ta ký kết sẽ trả lại tiền thì chỉ nhắc đến nội dung sẽ trả lại số tiền 145 triệu trong hợp đồng trước đó trong vòng 40 ngày, không nhắc đến nội dung nhờ xin việc. Em có thể đưa đơn tố cáo lừa đảo chiếm đoạt tài sản lên cơ quan công an được không? Khi không xác định được địa chỉ hộ khẩu của ông ta, thì em có thể đưa đơn tố cáo lên cơ quan công an nào?

Giải đáp:

Chào bạn!

Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi đề nghị tư vấn về cho công ty Luật Minh Gia. Về vấn đề của bạn, chúng tôi xin được giải đáp như sau:

Như nội dung bạn đã trình bày thì hành vi của người xin việc giúp bạn đã có dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được quy định tại điều 139 Bộ luật hình sự năm 1999 sủa đổi bổ sung năm 2009:
"1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
A) Có tổ chức;
B) Có tính chất chuyên nghiệp;
C) Tái phạm nguy hiểm;
D) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
Đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
E) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;
G) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
A) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
B) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân :
A) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
B) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm".

Theo đó, tại Điều 25 Bộ luật tố tụng hình sự 2003 có quy định về trách nhiệm của các tổ chức và công dân trong đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm như sau:
"1. Các tổ chức, công dân có quyền và nghĩa vụ phát hiện, tố giác hành vi phạm tội; tham gia đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm, góp phần bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức".

Về thẩm quyền giải quyết đơn tố giác tội phạm:

Theo quy định tại Điều 101 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 quy định:
 
“Công dân có thể tố giác tội phạm với Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án hoặc với các cơ quan khác, tổ chức. Nếu tố giác bằng miệng thì cơ quan, tổ chức tiếp nhận phải lập biên bản và có chữ ký của người tố giác.

Cơ quan, tổ chức khi phát hiện hoặc nhận được tố giác của công dân phải báo tin ngay về tội phạm cho Cơ quan điều tra bằng văn bản”
.

Như vậy, trong trường hợp này, bạn có thể tố giác tội phạm đến bất ký cơ quan nào đã được nêu trong điều luật này kể cả khi không có hộ khẩu thường trú của người thực hiện hành vi phạm tội.
 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Có phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hay không và cách giải quyết?. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!

CV Nguyễn Thanh Quý – Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo