LS Hồng Nhung

Có được yêu cầu bồi thường chi phí đi lại đòi nợ không?

Trường hợp đưa ra các thông tin sai trái hứa hẹn xin việc hộ nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản thì cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản không? Nạn nhân có thể đòi lại số tiền đã bị chiếm đoạt hay không? Và phải làm thế nào để đòi lại? Các chi phí chi trả cho quá trình đi lại đòi tiền có yêu cầu bồi thường được hay không? Luật Minh Gia tư vấn như sau:

 

Nội dung tư vấn: Chào luật sư. Xin luật sư có thể tư vấn cho tôi vấn đề này ạ! Tôi có một người thân có đứa con gái tốt nghiệp đại học nhưng chưa xin được việc. Tháng 7/2017, thông qua quen biết thì có một người đàn ông tự giới thiệu mình có quen biết với nhiều người và hứa sẽ chạy việc cho cháu với số tiền là 60 triệu. Lúc đầu gia đình giao cho 40 triệu, mấy ngày sau giao nốt 20 triệu còn lại. Có giấy giao nhận tiền. Nhưng trong giấy Hiền lại ghi thông tin chỗ ở sai (sau này mới biết). Đồng thời trong giấy nhận tiền, người này hứa trước ngày 15/10/2017 cháu sẽ có quyết định đi làm, nếu không sẽ hoàn lại đầy đủ số tiền trên. Nhưng đến thời điểm trên cháu không hề nhận được quyết định. Gia đình có gọi điện thì bảo từ từ. Sau nhiều lần đòi lại số tiền thì bảo là đang gửi ở người khác, hứa sẽ qua tuần. Hết lý do này đến lý do khác. Đến tháng 3/2018, sau nhiều lần bị từ chối, gia đình đã nhờ người tìm đến nhà  nói chuyện trực tiếp nhưng vì quãng đường khá xa, gần 150 km (đi hai lần). Ngoài ra còn gọi điện thoại nói chuyện đòi lại số tiền trên rất nhiều lần. Hiện tại, gia đình vẫn chưa đòi được tiền.

Vậy cho tôi hỏi: 1, Ngoài việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và yêu cầu trả lại đầy đủ số tiền thì gia đình có được bồi thường phí dịch vụ đi lại, tiền điện thoại trong quá trình đi đòi lại tiền từ anh H không? Tôi xin cảm ơn luật sư! Rất mong nhận được sự tư vấn ạ!

 

Trả lời tư vấn: Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Căn cứ thông tin bạn cung cấp, thời điểm phát sinh giao dịch là 7/2017 khi bạn đưa tiền cho người quen chạy việc cho cháu gái bạn nhưng sau khi giao tiền, người đó không tiến hành theo đúng như thỏa thuận. Theo đó, để xác định có yếu tố lừa đảo chiếm đoạt tài sản sẽ phải đảm bảo đủ các yếu tố cấu thành tội phạm theo quy định tại Điều 139 Bộ luật Hình sự 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 như sau:

 

“1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

 

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

 

a) Có tổ chức;

 

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

 

c) Tái phạm nguy hiểm;

 

d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

 

đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

 

e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;

 

g) Gây hậu quả nghiêm trọng.

 

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

 

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;

 

b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

 

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:

 

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;

 

b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

 

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.”

 

Cấu thành tội phạm này như sau:

 

Về mặt chủ thể:

 

- Phạm tội trong trường hợp quy định tại Khoản 1, 2 Điều 139 thì người phạm tội phải đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự

 

- Phạm tội trong trường hợp quy định tại Khoản 3, 4 Điều 139 thì người phạm tội phải đủ 14 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự

 

Về mặt khách thể:

 

Đây là tội phạm xâm phạm quan hệ sở hữu.

 

Nếu sau khi chiếm đoạt tài sản, người phạm tội bị đuổi bắt có hành vi chống trả để tẩu thoát gây chết hoặc làm bị thương người khác thì có thể bị truy cứu them trách nhiệm hình sự về tội khác.

 

Về mặt khách quan của tội phạm

 

- Hành vi chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn gian dối. Thủ đoạn gian dối ở đây là đưa ra những thông tin không đúng sự thật để đánh lừa người khác. Hành vi này có thể thông qua lời nói; xuất trình giấy tờ giả mạo; giả danh cán bộ; giả danh tổ chức ký kết hợp đồng.

 

Lưu ý: Gian dối là đặc trưng của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhưng không phải mọi hành vi gian dối đếu cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

 

- Hậu quả: Người phạm tội đã chiếm được tài sản (hoặc giữ được tài sản trong trường hợp dùng thủ đoạn gian dối trao tài sản nhưng lại không trao)

 

Ngoại lệ: Tài sản từ 2 triệu đồng trở lên, nếu có giá trị rất lớn như ô tô, xe máy, máy tính… thì dù người phạm tội chưa chiếm đoạt được tài sản thì vẫn bị coi là phạm tội

 

Về mặt chủ quan của tội phạm

 

- Lỗi cố ý

 

- Mục đích: chiếm đoạt tài sản; thực hiện được thủ đoạn gian dối (mong muốn người khác tin mình)

 

Vậy, nếu đáp ứng đủ các điều kiện trên đây, bên nhận tiền có thể sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Do đó, bạn có thể tố giác hành vi phạm tội đến cơ quan chức năng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Và trong quá trình giải quyết, cơ quan có thẩm quyền sẽ yêu cầu người vi phạm hoàn lại số tiền đã nhận.

 

Tuy nhiên, nếu mục đích giao tiền cho người quen để xin việc và người nhận tiền là người có chức vụ quyền hạn trong phạm vi của mình có thể xin được việc hoặc là người trung gian nhưng có khả năng để tác động xin việc thì có thể xem xét bị truy cứu trách nhiệm về tội đưa hối lộ và bên nhận tiền có thể cấu thành tội nhận hối lộ nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Với trường hợp này tài sản là số tiền 60 triệu có thể bị tịch thu mà không được hoàn trả lại.

 

Còn đối với vấn đề yêu cầu bồi thường thiệt hại thì về mặt nguyên tắc phải có thiệt hại xảy ra trên thực tế; hành vi gây thiệt hại là hành vi trái pháp luật và thiệt hại xảy ra phải là kết quả tất yếu của hành vi vi phạm pháp luật. Như vậy, nếu bạn chứng minh được hành vi vi phạm của người nhận tiền đã gây thiệt hại cho bạn thì bạn có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.
CV tư vấn: H.Nhung - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo