Triệu Lan Thảo

CÓ BỊ TRUY TỐ HAY KHÔNG KHI NGƯỜI BỊ HẠI KHÔNG KHỞI KIỆN?

Xin hỏi: Gia đình ông S có xô xát với gia đình ông M. Trong quá trình xô xát, ông S vô tình làm bị bỏng vợ ông M. Nếu gia đình không có đơn tố cáo hay khởi kiện thì gia đình ông S có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?

 

Nội dung tư vấn: Chào anh/ chị.Cho tôi hỏi về tình huống sau:

Ông S có xích mích với vợ chồng ông M. Trong lúc cãi vã vợ chồng ông M xông vào đánh S. Khi đó, ông S có cầm nước sôi trên tay, khi vợ chồng ông M xông vào thì vô tình nước sôi có văng lên người vợ ông M. Tuy nhiên gia đình ông M và S có mối quan hê hàng xóm từ trước nên vợ chồng ông M không tố cáo cũng không kiện gia đình ông S, Nhưng lại có giấy yêu cầu đi giám định về thương tích vợ ông M.

Luật sư cho tôi hỏi là trường hợp vc ông M không khởi kiện ( bị bỏng nhẹ trên hai cánh tay) thì gia đình ông S có bị truy tố hay không? Giấy yêu cầu giám định từ bên công an gia đình ông M có phải bắt buộc đi làm giám định hay không?

Trong trường hợp khởi kiện thương tích dưới 5% do bỏng thì có bị đi tù hay không?

 Vợ chồng ông M xông vào đánh một minh ô S thì hành vi vô tình làm bỏng vợ ông M thì có được coi là tư vệ không?

Nhờ luật sư tư vấn giúp tối ạ.Tôi chân thành cảm ơn.

 

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tới Công ty Luật Minh Gia. Trường hợp này, chúng tôi xin tư vấn như sau:

 

Thứ nhất, hành vi vô tình làm bỏng vợ ông M có được coi là tự vệ không.

 

Theo quy định tại Điều 22 Bộ luật hình sự 2015 về Phòng vệ chính đáng thì:

 

1. Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.

 

Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.

 

2. Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại.

 

Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật này.”

 

Xem xét hành vi gia đình ông S thì:

 

- Ông S có cầm nước sôi khi vợ chồng ông M xông tới. Cần xác định ông S cầm nước sôi trong hoàn cảnh như thế nào. Nghĩa là, ông S đã cầm nước trước khi cãi vã, xô xát xảy ra, hay ông S cầm nước sôi nhằm đe dọa hay tấn công vợ chồng ông M khi vợ chồng ông M lao tới.

 

- Khi vợ chồng ông M lao tới, ông S đã hất nước sôi vào vợ chồng ông M hay do bất ngờ nên giơ tay lên chống trả khiến vợ ông M bị thương.

 

Để xác định chính xác các trường hợp này thì còn căn cứ cụ thể vào lời khai và tình hình thực tế tại thời điểm xảy ra sự việc của các bên. Tuy nhiên, do hai gia đình lúc đầu chỉ cãi vã nhưng do vợ chồng ông M lao tới để gây thương tích cho vợ chồng ông S nên có thể coi đây là trường hợp phòng vệ chính đáng (do vợ ông M chỉ bị thương nhẹ).

 

Thứ hai, gia đình ông S có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?

 

Theo thông tin thì gia đình ông M không tố cáo cũng không khởi kiện gia đình ông S. Tuy nhiên, có giấy của bên cơ quan công an yêu cầu giám định về thương tích của vợ ông S. Như vậy chứng tỏ có người đã làm đơn tố cáo tới cơ quan công an về việc gia đình ông S làm bị thương vợ ông M.

 

Nếu gia đình ông M không muốn tố cáo hay khởi kiện gia đình ông S thì gia đình ông M có thể lên cơ quan công an làm rõ vụ việc và thể hiện quan điểm không muốn tố cáo gia đình ông S. Trong trường hợp này, gia đình ông M không cần phải thực hiện việc giám định thương tích và gia đình ông S cũng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

 

Nếu gia đình ông M không tới cơ quan công an để xác nhận lại vấn đề và không thể hiện quan điểm không muốn tố cáo vợ chồng ông S thì vợ ông M vẫn phải đi giám định thương tích.

 

Trường hợp kết quả giám định là dưới 5 % thì gia đình ông S không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tại Điều 136 Bộ luật hình sự 2015 quy định về Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội như sau:

 

“1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm…”

 

Như vậy, nếu tỷ lệ thương tích của vợ ông M dưới 5% và trường hợp của ông S được xác định là phòng vệ chính đáng thì ông S không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

 

Trân trọng.
CV tư vấn: Thùy Lan - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo