LS Thanh Hương

Chiếm giữ tài sản của công ty có trái pháp luật?

Chào anh (chị) ! Em làm cho công ty được 1 năm, lúc đầu là kí hợp đồng thử việc 1 tháng trong hợp đồng có điều khoản sau đó không có gì thì xem như là hợp đồng chính thức (vậy hợp đồng đó có hiệu lực không ạ?).

 

Trong quá trình làm việc thì công ty không đóng bất kì bảo hiểm nào cho em hết. Lúc làm công ty có cấp 1 máy tính cho em. Sau một năm em chuyển việc thì còn 1 tháng lương chưa được thanh toán nên em giữ lại máy tính đó không bàn giao cho công ty. Vậy em có vi phạm không ạ (vì trong quá trình làm việc cũng có 1 trường hợp tương tự tuy nhiên sau khi nhân viên bàn giao máy tính lại thì còn 3 tháng lương công ty không thanh toán nữa ạ). Quản lí công ty đó lại nhắn tin cho em là "Nếu không bàn giao sẽ không để em sống được ở thành phố". Đó có xem như đe dọa và người đó có vi phậm gì không ạ. Em xin cảm ơn nhiều ạ!

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

1) Việc công ty chưa thanh toán tháng lương cuối, bạn cần yêu cầu được thanh toán tiền lương tháng đó. Vì máy tính xách tay là động sản có giá trị, việc bạn giữ máy tính xách tay của công ty và không bàn giao lại đã vi phạm pháp luật hình sự về chiếm giữ trái phép tài sản được quy định tại Điều 176 Bộ luật Hình sự 2015 ( sửa đổi, bổ sung 2017):

 

“Điều 176. Tội chiếm giữ trái phép tài sản

 

1. Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc dưới 10.000.000 đồng nhưng tài sản là di vật, cổ vật bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

 

2. Phạm tội chiếm giữ tài sản trị giá 200.000.000 đồng trở lên hoặc bảo vật quốc gia, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.”

 

2) Việc quản lý công ty nhắn tin dọa bạn “Nếu không bàn giao sẽ không để em sống được ở thành phố" là vi phạm pháp luật, bạn cần giữ tin nhắn đó lại xem như một bằng chứng thể hiện hành vi trên ảnh hưởng đến tâm lí của bạn, và có nguy cơ sẽ gây hại đến sức khỏe, tính mạng. Khi đó thì bạn có thể tố cáo lên cơ quan công an cấp huyện (quận, thị xã) với tội danh đe dọa giết người theo quy định tại Điều 133 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017:

 

“Điều 133. Tội đe dọa giết người

 

1. Người nào đe dọa giết người, nếu có căn cứ làm cho người bị đe dọa lo sợ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

 

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

 

a) Đối với 02 người trở lên;

 

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

 

c) Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;

 

d) Đối với người dưới 16 tuổi;

 

đ) Để che giấu hoặc trốn tránh việc bị xử lý về một tội phạm khác.”

 

Trường hợp hành vi nhắn tin không mang tính chất đe dọa giết người mà chỉ là những lời đe dọa thông thường nhằm ép buộc người nhận được tin nhắn phải thực hiện những yêu sách thì hành vi này không phạm tội hình sự nhưng sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng theo điểm g Khoản 3 Điều 66 Nghị định 174/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số, vô tuyến điện:

 

“3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

...

g) Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác;

 

h) Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm quảng cáo, tuyên truyền hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục cấm;

 

i) Ngăn chặn trái phép việc truyền tải, truy nhập, tìm kiếm dữ liệu, thông tin hợp pháp trên môi trường mạng;

 

k) Không khôi phục thông tin hoặc khả năng truy nhập đến nguồn thông tin hợp pháp khi được chủ sở hữu thông tin đó yêu cầu;

 

l) Không tiến hành theo dõi, giám sát thông tin số của tổ chức, cá nhân theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

 

m) Không hợp tác, phối hợp điều tra các hành vi vi phạm pháp luật xảy ra trong quá trình truyền đưa hoặc lưu trữ thông tin số của tổ chức, cá nhân theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.”

 

Trân trọng!

Cv. Đồng Mạnh Trường - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo