Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Chế định miễn hình phạt trong pháp luật hình sự Việt Nam

Hình phạt là một phạm trù pháp lý – xã hội rất phức tạp, mang tính chất khách quan, gắn liền với sự xuất hiện của Nhà nước và pháp luật. Đây là chế định đã được ghi nhận từ rất sớm trong pháp luật hình sự của các quốc gia trên thế giới.

 

CHƯƠNG I

 

HÌNH PHẠT TRONG PHÁP LUẬT HÌNH SỰ VIỆT NAM

 

KHÁI NIỆM, ĐẶC ĐIỂM CỦA HÌNH PHẠT:

 

1. KHÁI NIỆM HÌNH PHẠT:

 

Hình phạt là một phạm trù pháp lý – xã hội rất phức tạp, mang tính chất khách quan, gắn liền với sự xuất hiện của Nhà nước và pháp luật. Đây là chế định đã được ghi nhận từ rất sớm trong pháp luật hình sự của các quốc gia trên thế giới. Theo tiếng Latin, hình phạt có tên gọi là “poena”, tiếng Pháp là “peine”, tiếng Anh là “punishment”, tiếng Đức là “strafe”.

 

Trong pháp luật hình sự thực định của Việt Nam thời kì từ sau Cách mạng tháng tám đến trước khi pháp điển hóa lần thứ hai (1945 – 1999), định nghĩa pháp lí của khái niệm hình phạt chưa bao giờ được ghi nhận về mặt lập pháp. Chỉ đến khi pháp điển hóa lần thứ hai với việc thông qua Bộ luật Hình sự năm 1999 thì định nghĩa pháp lí về hình phạt lần đầu tiên được nhà làm luật chính thức ghi nhận trong PLHS Việt Nam hiện hành với nội dung:

 

“Hình phạt là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước nhằm tước bỏ hoặc hạn chế quyền, lợi ích của người phạm tội. Hình phạt được quy định trong Bộ luật Hình sự và do Tòa án quyết định” (điều 26 BLHS).

 

Trong khoa học luật hình sự của Việt Nam, cũng đã có nhiều tác giả nghiên cứu và đề cập tới khái niệm hình phạt với nhiều quan điểm như:

 

- Hình phạt là biện pháp cưỡng chế do Tòa án quyết định trong bản án đối với người có lỗi trong việc thực hiện tội phạm và được thể hiện ở việc tước đoạt hoặc hạn chế các quyền và lợi ích do pháp luật quy định đối với người bị kết án (PGS. TS Võ Khánh Vinh) [1].

 

- Hình phạt là biện pháp cưỡng chế nhà nước được luật hình sự quy định và do tòa án áp dụng có nội dung tước bỏ hoặc hạn chế quyền, lợi ích của người phạm tội nhằm trừng trị, giáo dục họ, cũng như nhằm giáo dục người khác tôn trọng pháp luật, đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm” (PGS.TS Nguyễn Ngọc Hòa) [2].

 

- Hình phạt là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà Nước được quyết định trong các bản án kết tội có hiệu lực pháp luật của Tòa án để tước bỏ hay hạn chế quyền, tự do của người bị kết án theo các quy định của  PLHS (PGS. TSKH. Lê Cảm) [3].

 

Các ý kiến đều đã tập trung khẳng định bản chất của hình phạt: đó là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước, được Tòa án áp dụng đối với người bị kết án nhằm tước bỏ hoặc hạn chế một số quyền lợi nhất định của họ theo quy định của pháp luật hình sự. Lịch sử của quá trình thi hành pháp luật đã khẳng định vai trò đặc biệt cần thiết và không thể thay thế của hình phạt trong công cuộc đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm. Bởi hình phạt là biện pháp cưỡng chế mang tính đặc thù của Luật hình sự, mang những đặc trưng hoàn toàn khác biệt với các biện pháp cưỡng chế khác của Nhà nước, đã thể hiện khả năng cưỡng chế cao độ nhất của Nhà nước với hành vi mang tính nguy hiểm nhất cho xã hội.

 

che-dinh-mien-hinh-phat-trong-blhs-viet-nam-jpg-29052014015909-U1.jpg

Chế định miễn hình phạt trong pháp luật hình sự Việt Nam

 

2. ĐẶC ĐIỂM CỦA HÌNH PHẠT:

 

Cũng là một biện pháp cưỡng chế của Nhà nước đối với các hành vi có tính nguy hiểm cho xã hội nhưng hình phạt mang những đặc trưng cơ bản nhằm phân biệt hình phạt với các biện pháp cưỡng chế khác của Nhà nước, cụ thể:

 

2.1.   Hình phạt là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước:

 

Đây được xem như là đặc trưng cơ bản nhất của hình phạt so với bất cứ biện pháp cưỡng chế nào khác. Bởi, mặc dù trong công cuộc đấu tranh phòng và chống tội phạm, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, Nhà nước sử dụng phối hợp nhiều biện pháp kinh tế, chính trị, xã hội… nhưng hình phạt vẫn được xem là công cụ hữu hiệu nhất bởi tính cưỡng chế nghiêm khắc nhất của nó. Tính cưỡng chế nghiêm khắc này được thể hiện ở:

 

- Người bị áp dụng hình phạt sẽ bị tước bỏ hoặc hạn chế quyền tự do (hình phạt tù, cấm cư trú, quản chế, trục xuất), quyền về tài sản (tịch thu tài sản, phạt tiền), quyền chính trị (cấm đảm nhiệm chức vụ, hành nghề hoặc làm công việc nhất định) nhất định trong thời gian theo luật định. Hình phạt tù là hình phạt đặc thù hạn chế quyền tự do nhiều nhất của công dân mà biện pháp cưỡng chế khác không thể đạt được. Và đặc biệt, người bị áp dụng có thể bị tước đi quyền sống – một quyền cơ bản của con người mà bất cứ một biện pháp cưỡng chế nào khác ngoài hình phạt (tử hình) đều không thể tước bỏ.

 

- Mặc dù người bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế khác như biện pháp xử lý hành chính, biện pháp bồi thường dân sự… cũng có thể bị tước bỏ một số quyền về tài sản, quyền chính trị hay bị quản chế về tự do nhưng có thể thấy, mức độ nghiêm khắc vẫn thấp hơn hình phạt bởi người chịu hình phạt còn có thể phải chịu án tích trong một thời gian nhất định theo luật định. Án tích là hậu quả pháp lý của việc phạm tội bất lợi hơn nhiều lần so với hậu quả của các hành vi vi phạm pháp luật khác như vi phạm hành chính. Bởi vì, nếu như chỉ sau thời hạn 1 năm người có hành vi vi phạm hành chính và bị xử phạt sẽ được xóa án và coi như chưa bị xử phạt vi phạm hành chính thì thời hạn để xóa án tích tối thiểu là 1 năm (áp dụng với hình phạt tiền, cảnh cáo, hoặc cải tạo không giam giữ hoặc được hưởng án treo) và có thể tối đa là 7 năm (điều 64 BLHS). Án tích cũng được coi là căn cứ để xác định xem hành vi phạm tội có tính chất tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm hay không nhằm xác định căn cứ để định tội và quyết định hình phạt [1].

 

- Điều 28 BLHS quy định hệ thống hình phạt bao gồm cả hình phạt chính và hình phạt bổ sung với mức độ, nội dung cưỡng chế nặng nhẹ khác nhau. Khi áp dụng hình phạt, Tòa án được quyền áp dụng cả hình phạt chính và hình phạt bổ sung để hỗ trợ. Đồng thời, còn có thể áp dụng kèm theo hình phạt là các biện pháp tư pháp khác nhằm nâng cao hiệu quả của hình phạt như tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan tới tội phạm, bắt buộc chữa bệnh, bồi thường thiệt hại… Trong khi đó, không thể áp dụng hình phạt với tính chất hỗ trợ hiệu quả cho các hình thức cưỡng chế khác như xử phạt hành chính…

 

Như vậy, với việc có thể áp dụng một hệ thống bao gồm cả hình phạt chính, hình phạt bổ sung và biện pháp tư pháp cho cùng một hành vi phạm tội cũng cho thấy mức độ cưỡng chế tối đa nghiêm khắc của hình phạt so với các biện pháp cưỡng chế khác.

 

- Tính cưỡng chế nghiêm khắc nhất của hình phạt còn thể hiện ở cơ chế đảm bảo thi hành hình phạt với những thủ tục phức tạp hơn so với cơ chế đảm bảo biện pháp cưỡng chế khác. Thủ tục này đã được ghi nhận trong nhiều văn bản pháp luật khác nhau như Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, Pháp lệnh Thi hành án phạt tù năm 1993 (sửa đổi, bổ sung năm 2007)…. Điển hình là cơ chế đảm bảo thi hành hình phạt tù có thời hạn hoặc hình phạt tử hình (Chương XXVI – Thi hành hình phạt tử hình, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003) đặc biệt phức tạp nhằm đảm bảo tối đa quyền con người của người phạm tội.

 

Như vậy, nói đến hình phạt là nói đến sự cưỡng chế cao độ nhất của Nhà nước đối với hành vi nguy hiểm nhất cho xã hội – là tội phạm. Có sự cưỡng chế tối đa như vậy mới đảm bảo sự trừng phạt cần thiết của Nhà nước với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội. Tuy vậy, tính cưỡng chế nghiêm khắc nhất của hình phạt không có nghĩa là loại bỏ hoàn toàn khả năng giáo dục, cải tạo của hình phạt, bởi Tòa án phải căn cứ, xem xét trên toàn diện hành vi phạm tội để đưa ra hình phạt thích hợp nhất với mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội cũng như yếu tố nhân thân, hoàn cảnh… của người phạm tội nhằm đảm bảo khả năng không chỉ trừng trị mà còn giáo dục và cải tạo người phạm tội.

 

2.2.   Hình phạt chỉ có thể áp dụng với người có hành vi phạm tội:

 

Hình phạt với ý nghĩa là biện pháp cưỡng chế Nhà nước nhằm thực hiện quan hệ pháp luật hình sự nảy sinh giữa người có hành vi phạm tội và Nhà nước. Do đó, hình phạt chỉ có thể được áp dụng đối với chính người có hành vi phạm tội và bị kết án. Hơn nữa, dựa trên nguyên tắc cá thể hóa trách nhiệm hình sự được ghi nhận trong pháp luật hình sự nói chung, luật hình sự Việt Nam nói riêng (trách nhiệm hình sự chỉ bị truy cứu đối với chính cá nhân người phạm tội) thì hình phạt – với tư cách là công cụ để thực hiện TNHS – chỉ được áp dụng với chính người phạm tội đó. Điều này có nghĩa là hình phạt không thể bị áp dụng đối với tập thể hoặc những người thân thích hoặc có liên quan tới người phạm tội, kể cả trong trường hợp người phạm tội trốn tránh sự trừng phạt của pháp luật. Hơn nữa, nếu như trong các biện pháp cưỡng chế khác cho phép sự chấp hành biện pháp cưỡng chế thay (như biện pháp phạt tiền trong xử phạt vi phạm hành chính, bồi thường thiệt hại…) thì pháp luật hình sự Việt Nam không cho phép bất kì sự chấp hành hình phạt nào thay cho người phạm tội dù trên cơ sở hoàn toàn tự nguyện. Đặc điểm này nói lên tính chất cá nhân của hình phạt nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người phạm tội cũng như cá nhân khác. Đây là đặc điểm hoàn toàn khác biệt đối với hệ thống hình phạt trong thời kì phong kiến trước kia, khi mà pháp luật cho phép áp dụng một số hình phạt đối với người phạm tội và người thân thích của người phạm tội (ví dụ: chu di tam tộc, chu di cửu tộc…).

 

2.3.   Hình phạt được quy định trong Bộ Luật Hình sự và do Tòa án quyết định:

 

Hình phạt chỉ được quy định duy nhất trong Bộ luật hình sự – văn bản pháp lý có hiệu lực cao nhất sau Hiến pháp. Bởi khác một số quốc gia trên thế giới [5], các quy định về tội phạm của Việt Nam hiện nay chỉ được ghi nhận duy nhất trong Bộ luật hình sự (“chỉ người nào phạm một tội đã được Bộ luật Hình sự quy định mới phải chịu trách nhiệm hình sự” – điều 2 BLHS). Như vậy, hình phạt cũng chỉ được quy định trong Bộ luật hình sự và chỉ có hình phạt được quy định trong Bộ luật hình sự mới được áp dụng đối với người bị kết án. Điều này thể hiện rõ nét nguyên tắc pháp chế về hình phạt trong Luật hình sự của Nhà nước pháp quyền Việt Nam.

 

Hình phạt được quy định trong phần chung của BLHS, tại Chương V, về khái niệm hình phạt, hệ thống hình phạt, đặc điểm từng loại hình phạt cụ thể cũng như việc quyết định hình phạt, miễn hình phạt… Đồng thời hình phạt cũng được quy định cụ thể kèm với từng tội phạm với tính chất, mức độ khác nhau, phù hợp với tính chất, mức độ nguy hiểm của tội phạm cũng như yếu tố nhân thân, hoàn cảnh… người phạm tội.

 

Nếu như cơ quan có quyền áp dụng các biện pháp cưỡng chế khác ngoài Tòa án có thể có các cơ quan hành pháp như Ủy ban nhân dân, Công an… thì Tòa án là cơ quan duy nhất được Nhà nước trao thẩm quyền được phép áp dụng hình phạt với người phạm tội. Điều này xuất phát từ chức năng của Tòa án – là “cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” (điều 127 Hiến pháp năm 1992) – là cơ quan duy nhất có thẩm quyền phán xét một hành vi có phải là tội phạm hay không và áp dụng chế tài đối với hành vi phạm tội đó. Tòa án căn cứ một cách toàn diện tình tiết thể hiện tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, nhân thân, hoàn cảnh người phạm tội… để quyết định áp dụng hình phạt hay không, áp dụng hình phạt nào và thể hiện quyết định đó dưới hình thức một bản án có hiệu lực pháp luật. Tuy vậy, Tòa án chỉ có thể quyết định những hình phạt được quy định trong BLHS mà không có quyền được thiết lập bất cứ hình phạt nào khác. Đồng thời, mức độ hình phạt được Tòa án áp dụng phải trong khuôn khổ khung hình phạt nhất định do pháp luật quy định. Việc áp dụng dưới mức khung hình phạt luật định chỉ được thực hiện khi có đủ căn cứ luật định (điều 47, điều 58 BLHS).

 

Như vậy, hình phạt có những đặc trưng nhất định về tính chất cưỡng chế, về chủ thể áp dụng cũng như đối tượng áp dụng, nhằm phân biệt hình phạt với các biện pháp cưỡng chế khác của pháp luật.

 

MỤC ĐÍCH CỦA HÌNH PHẠT:

 

Mục đích của hình phạt được ghi nhận trong điều 27 BLHS: “Hình phạt không chỉ nhằm trừng trị người phạm tội mà còn giáo dục họ trở thành người có ích cho xã hội, có ý thức tuân theo pháp luật và các quy tắc của cuộc sống xã hội chủ nghĩa, ngăn ngừa họ phạm tội mới. Hình phạt còn nhằm giáo dục người khác tôn trọng pháp luật, đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm”.

 

1. Mục đích phòng ngừa riêng:

 

Đây là mục đích quan trọng trước nhất của hình phạt: đó là mục đích trừng trị người phạm tội cũng như giáo dục, cải tạo họ, ngăn ngừa họ phạm tội mới.

 

Hình phạt trước hết là sự trừng phạt, sự lên án của Nhà nước, xã hội đối với người phạm tội bởi hành vi nguy hiểm của họ đã xâm phạm tới lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Hình phạt với tính chất là biện pháp trừng trị người phạm tội là công cụ để Nhà nước có thể “tự bảo vệ mình, chống lại sự vi phạm các điều kiện tồn tại của nó”. Nội dung cơ bản của mục đích trừng trị này thể hiện ở việc tước bỏ hoặc hạn chế quyền lợi nhất định đối với người phạm tội. Trên thế giới có không ít quan điểm cho rằng trừng trị là mục đích duy nhất của hình phạt. Quan điểm này xuất phát từ nguyên tắc trừng trị, coi hình phạt là “sự trả thù của Nhà nước” đối với người phạm tội, gây ra sự đau đớn về tinh thần và thể xác cho người phạm tội, nhằm khôi phục lại các quyền đã bị xâm phạm. Đề xướng quan điểm “hình phạt tuyệt đối” này chính là Immanuel Kant (1724 – 1804), sau đó là Georg Wilhelm Friedrich Hegel (1770- 1831)…) [6]. Tuy nhiên, có thể thấy, nếu như hình phạt chỉ có mục đích là trừng phạt người phạm tội thì hình phạt đó chỉ đáp ứng được nhu cầu trước mắt là xác lập lại trật tự xã hội ngay tại thời điểm đó mà không có ý nghĩa cho việc duy trì và củng cố trật tự xã hội. Bởi không có cơ sở nào có thể đảm bảo rằng không có sự tái phạm của người phạm tội sau khi chấp hành xong hình phạt. Trong khi đó, một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn tới tội phạm là sự lệch lạc trong nhân cách và nhận thức của người phạm tội. Vì vậy, chỉ khi hình phạt đưa ra đảm bảo mục đích “giáo dục, cải tạo người phạm tội trở thành người có ích cho xã hội, có ý thức tuân theo pháp luật và các quy tắc của cuộc sống xã hội chủ nghĩa”, từ đó, ngăn ngừa người phạm tội phạm tội mới thì hình phạt mới thực sự hiệu quả và có ý nghĩa. Chính vì thế, mục đích giáo dục cải tạo và ngăn ngừa phạm tội mới được xem là mục đích “cuối cùng và chủ yếu” của hình phạt trong pháp luật hình sự của Việt Nam. Pháp luật hình sự Liên bang Nga cũng khẳng định: “Hình phạt có mục đích lập lại sự công bằng xã hội cũng như cải tạo người bị kết án và phòng ngừa phạm tội mới” (khoản 2 điều 44 BLHS Nga). Nội dung của sự giáo dục và cải tạo được thể hiện ở việc tạo điều kiện cơ hội và thời gian cho người phạm tội thay đổi nhận thức cũng như hành vi, có hoạt động đào tạo, giáo dục và rèn luyện tinh thần thể chất cho người phạm tội.

 

Có thể thấy, hình phạt “không phải là sự lên án, sự phạt đơn thuần mà là biện pháp đặc biệt để răn đe (răn đe bằng biện pháp cưỡng chế nhà nước) để giáo dục, cải tạo (giáo dục cải tạo bằng biện pháp cưỡng chế nhà nước) và hạn chế (có thể đến loại trừ) điều kiện phạm tội lại của người bị kết án”. Như vậy, trong mục đích phòng ngừa riêng, trừng trị và giáo dục, cải tạo, phòng ngừa tội phạm là hai mục đích song song tồn tại và có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. “Trừng trị là mục đích nhưng đồng thời cũng là phương tiện để đạt mục đích cuối cùng và chủ yếu của hình phạt đối với người phạm tội là giáo dục và cải tạo họ” [7]. Việc trừng trị một cách đúng đắn, công minh là cơ sở quan trọng cho việc giáo dục và cải tạo ý thức pháp luật của người phạm tội, ngược lại, việc giáo dục và cải tạo người bị kết án có ý nghĩa phát huy tính tích cực của nội dung trừng trị. Muốn đảm bảo mục đích phòng ngừa riêng này của hình phạt phải đảm bảo việc quyết định hình phạt được xem xét đúng đắn toàn diện trên cơ sở mức độ, tính chất nguy hiểm của hành vi phạm tội, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ TNHS cũng như yếu tố nhân thân, hoàn cảnh người phạm tội để đưa ra hình phạt “tương xứng” với tính chất, mức độ nguy hiểm của tội phạm.

 

2. Mục đích phòng ngừa chung:

 

Hình phạt không chỉ có tác dụng trực tiếp với bản thân người phạm tội bị áp dụng hình phạt đó mà còn có ảnh hưởng lớn tới những thành viên khác trong xã hội. Việc tuyên hình phạt đúng đắn sẽ có tác dụng giúp những thành viên khác trong xã hội nhận thấy trước hậu quả pháp lý mà họ tất yếu phải gánh chịu nếu họ thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội được coi là tội phạm. Từ đó, tác động tới tâm lý của những thành viên “không vững vàng” làm họ từ bỏ ý định phạm tội, lựa chọn hành vi xử sự phù hợp để tránh hành vi xử sự của họ trở thành hành vi phạm tội. Đồng thời, việc đưa ra bản án với quyết định về hình phạt hợp lý, hợp tình, thể hiện nguyên tắc pháp chế sẽ giúp nâng cao tinh thần tôn trọng và tuân thủ pháp luật cho người dân cũng như đẩy mạnh tinh thần, khuyến khích người dân tham gia vào công cuộc đấu tranh phòng và chống tội phạm.

 

Để đạt được mục đích này, Nhà nước cần phối hợp thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp kinh tế, xã hội, chính trị… đặc biệt, cần đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền pháp luật nhằm nâng cao hiểu biết pháp luật cũng như ý thức tuân thủ pháp luật của người dân.

 

Như vậy, có thể thấy, mục đích phòng ngừa chung cũng như mục đích phòng ngừa riêng có mối quan hệ chặt chẽ, luôn song song tồn tại, là cơ sở quan trọng để đánh giá sự đúng đắn của hình phạt được áp dụng.

 

CHƯƠNG II

 

CHẾ ĐỊNH MIỄN HÌNH PHẠT TRONG LUẬT HÌNH SỰ VIỆT NAM

 

I – SỰ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA QUY ĐỊNH VỀ MIỄN HÌNH PHẠT TRONG PHÁP LUẬT VIỆT NAM:

 

Giai đoạn từ sau Cách mạng tháng Tám tới trước Bộ luật hình sự năm 1985:

 

Trong pháp luật hình sự giai đoạn này, miễn hình phạt chưa được ghi nhận như một chế định độc lập. Tuy nhiên, trên thực tiễn xét xử cũng như trong một số văn bản pháp lý đã thừa nhận và áp dụng nó với ý nghĩa là một trong những biện pháp khoan hồng đặc biệt (như xử nhẹ, miễn trách nhiệm hình sự, giảm nhẹ hình phạt…).

 

Tên gọi “miễn hình phạt” lần đầu tiên được đề cập tới trong “Bản tổng kết và hướng dẫn số 329 – HS2” (ngày 11/5/1967) của Tòa án nhân dân tối cao về đường lối xử lý tội hiếp dâm và các tội phạm khác về mặt tình dục với nội dung: “Khi tập trung nhiều tình tiết giảm nhẹ hoặc có những tình tiết giảm nhẹ đặc biệt có thể xử dưới các mức tối thiểu trên đây, có thể cho hưởng án treo hoặc đặc biệt có thể tha miễn hình phạt”. Sau đó, “miễn hình phạt” được quy định rời lẻ trong một số văn bản pháp lý chuyên ngành về một loại tội phạm như Pháp lệnh trừng trị các tội phản cách mạng ngày 30/10/1967 (điều 20), Pháp lệnh trừng trị các tội xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa ngày 21/10/1970 (điều 23), Pháp lệnh trừng trị các tội xâm phạm tài sản riêng của công dân ngày 21/10/1970 (điều 19), Thông tư số 03- BTP/TT tháng 4/1976 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thi hành Sắc luật quy định về các tội phạm và hình phạt…

 

Có thể thấy, biện pháp MHP chỉ được áp dụng đối với một số tội phạm nhất định với những trường hợp cụ thể như:

 

- “Người phạm tội lần đầu và không nghiêm trọng, sau khi bị phát giác tỏ ra thành thực hối cải, khai rõ sự việc, giao nộp đầy đủ của hối lộ thì có thể được miễn hình phạt” (Khoản 3 điều 8 Pháp lệnh trừng trị tội hối lộ năm 1981);

 

- “Kẻ nào phạm các tội quy định trong Pháp lệnh này trong trường hợp sau thì được giảm nhẹ tội hoặc miễn hình phạt:

 

1. Tội phạm chưa bị phát giác mà kẻ phạm tội thành thật thú tội với cơ quan chuyên trách, khai rõ hành động của mình và đồng bọn;

 

2. Kẻ phạm tội đã có hành động ngăn chặn hoặc làm giảm bớt tác hại của tội phạm;

 

3. Trước khi bị xét xử, kẻ phạm tội đã tự nguyện bồi thường và sửa chữa thiệt hại đã gây ra;

 

4. Phạm tội gây thiệt hại không lớn”.

 

(điều 23 Pháp lệnh trừng trị các tội xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa năm 1970, Pháp lệnh trừng trị các tội xâm phạm tài sản riêng của công dân năm 1970)

 

- “Kẻ nào phạm tội phản cách mạng mà thuộc một trong các trường hợp sau có thể được miễn hình phạt:

 

1. Có âm mưu phạm tội nhưng đã tự nguyện không thực hiện tội phạm;

 

2. Tội phạm chưa bị phát giác mà thành thật tự thú, khai rõ những âm mưu và hành động của mình và đồng bọn;

 

3. Cố ý không thi hành đầy đủ hoặc khuyên bảo đồng bọn không thi hành đầy đủ âm mưu của bọn cầm đầu phản cách mạng;

 

4. Có hành động làm giảm bớt tác hại của tội phạm;

 

5. Phạm tội vì bị ép buộc, bị lừa phỉnh và việc làm chưa gây thiệt hại lớn;

 

6. Bị bắt nhưng trước khi bị xét xử đã tỏ ra thành thật hối cải, lập công chuộc tội” (điều 20 Pháp lệnh trừng trị các tội phản cách mạng năm 1967)

 

Như vậy, trước khi Bộ luật hình sự năm 1985 ra đời, pháp luật hình sự chưa ghi nhận “miễn hình phạt” như một chế định độc lập cũng như chưa xác lập khái niệm pháp lý, những điều kiện cơ bản để áp dụng mà chỉ quy định áp dụng cho một số loại tội phạm trong những trường hợp cụ thể mà các trường hợp đó mang những tình tiết mang tính chất giảm nhẹ mức độ trách nhiệm hình sự của tội phạm như có hành vi ngăn chặn hoặc giảm nhẹ tác hại tội phạm, thành khẩn khai báo, ăn năn chuộc tội, tự nguyện chấm dứt nửa chừng việc phạm tội, phạm tội do bị ép buộc, lừa dối…

 

Giai đoạn từ Bộ luật hình sự năm 1985 đến nay:

 

Đến lần pháp điển hóa lần thứ nhất luật hình sự Việt Nam, lần đầu tiên, “miễn hình phạt” được ghi nhận chính thức như một chế định độc lập trong văn bản pháp lý có hệ thống và có giá trị pháp lý cao – Bộ luật Hình sự năm 1985. Điều đó thể hiện được sự quan tâm cũng như nhận thức của Nhà nước trong việc đề cao biện pháp có ý nghĩa quan trọng trong việc xét xử tội phạm này. Miễn hình phạt đã được ghi nhận tại điều 48 phần chung (Chương VI – Việc quyết định hình phạt, miễn và giảm hình phạt) với nội dung: “Người phạm tội có thể được miễn hình phạt trong trường hợp phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ nói ở Điều 38 [8], đáng được khoan hồng đặc biệt, nhưng chưa đến mức được miễn trách nhiệm hình sự” (khoản 2 điều 48). Đồng thời, Bộ luật hình sự 1985 cũng ghi nhận một trường hợp cụ thể được miễn hình phạt là: “Người không tố giác [9] nếu đã có hành động can ngăn người phạm tội hoặc hạn chế tác hại của tội phạm thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt” (khoản 2 điều 247). Như vậy, tới Bộ luật hình sự năm 1985, miễn hình phạt được ghi nhận thống nhất trong một văn bản pháp lý có hiệu lực cao nhất sau Hiến pháp, tuy nhiên, trong cả hai trường hợp trên, MHP vẫn được quy định chung với chế định miễn trách nhiệm hình sự, thể hiện sự vận dụng linh hoạt hai biện pháp trên trong từng trường hợp cụ thể.

 

Tiếp đó, Thông tư liên ngành số 05/TTLN hướng dẫn thi hành chính sách khoan hồng nhân đạo của người phạm tội ra tự thú cũng đã đề cập tới việc áp dụng MHP trong trường hợp: “Người phạm tội đã bị phát hiện mà bỏ trốn, đang bị truy nã nhưng đã tự thú thì tùy theo mức độ phạm tội, thái độ khai báo… cũng được hưởng chính sách khoan hồng, có thể được Tòa án miễn hình phạt hoặc giảm nhẹ hình phạt theo quy định tại khoản 2 điều 48 hoặc khoản 3 điều 38 BLHS 1985” [10].

 

Đến lần pháp điển hóa Luật hình sự lần thứ hai, điểm đóng góp lớn nhất của Bộ luật Hình sự năm 1999 trong việc hoàn thiện chế định miễn hình phạt là việc ghi nhận miễn hình phạt là một điều luật riêng biệt trong phần chung, tại điều 54. Tuy nhiên, Bộ luật hình sự năm 1999 lại chưa có đóng góp gì mới trong việc hoàn thiện nội dung chế định này. Và lần sửa đổi bổ sung gần đây nhất – năm 2009, quy định về miễn hình phạt vẫn được giữ nguyên. Như vậy, có thể thấy, mặc dù MHP đã được ghi nhận như chế định độc lập trong pháp luật hình sự nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu về mặt lập pháp cũng như thực tiễn áp dụng. Bởi Bộ luật hình sự cũng như các văn bản pháp lý hình sự khác cho đến nay đều chưa đưa ra được một định nghĩa pháp lý của khái niệm MHP, điều kiện cụ thể để áp dụng cũng hậu quả pháp lý cụ thể của người được MHP. Điều đó đã dẫn tới nhiều bất cập trong quá trình áp dụng quy định miễn hình phạt trên thực tế.

 

II – QUY ĐỊNH VỀ MIỄN HÌNH PHẠT TRONG BỘ LUẬT HÌNH SỰ NĂM 1999 (SỬA ĐỔI, BỔ SUNG NĂM 2009):

 

1. Khái niệm, bản chất pháp lý, đặc điểm cơ bản của MHP:

 

1.1. Khái niệm, bản chất pháp lý của MHP:

 

Mặc dù MHP đã được ghi nhận trong pháp luật thực định nhưng tại điều 54 BLHS lại chưa đưa ra được khái niệm pháp lý cụ thể của MHP. Khái niệm MHP mới chỉ được đề cập tới trong khoa học Luật hình sự nước ta với nhiều quan điểm khác nhau. Cụ thể:

 

- “Miễn hình phạt là không buộc người phạm tội phải chịu biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước là hình phạt về tội mà người đó đã thực hiện” – TS. Trương Quang Vinh [11].

 

- “Miễn hình phạt là không buộc một người phải chịu hình phạt về tội mà người đó đã thực hiện” – Đỗ Ngọc Quang [12].

 

- “Miễn hình phạt là không buộc người bị kết án phải gánh chịu hình phạt” – PGS. TS. Võ Khánh Vinh.

 

- “Miễn hình phạt là hủy bỏ biện pháp về cưỡng chế về hình sự nghiêm khắc nhất cho người bị kết án mà lẽ ra Tòa án phải tuyên trong bản án kết tội có hiệu lực pháp luật đối với người này” – PGS. TSKH. Lê Cảm [13].

 

- “Miễn hình phạt được áp dụng trong trường hợp Tòa án kết tội, nhưng không áp dụng hình phạt đối với người phạm tội do có những điều kiện mà BLHS năm 1999 quy định” [14] – Trần Văn Độ.

 

Về cơ bản, các quan điểm trên về khái niệm miễn hình phạt đều hợp lý và thống nhất về bản chất pháp lý của “miễn hình phạt”. Đó là: Miễn hình phạt là một chế định nhân đạo trong luật hình sự Việt Nam, được thể hiện ở chỗ, Tòa án tuyên người bị kết án không phải chịu hình phạt về tội phạm mà họ đã thực hiện bằng một bản án có hiệu lực pháp luật, khi có đầy đủ điều kiện luật định.

 

1.2       Đặc điểm cơ bản của MHP:

 

MHP là chế định nhân đạo tương tự một số chế định nhân đạo khác trong pháp luật hình sự Việt Nam (như chế định miễn trách nhiệm hình sự, miễn chấp hành hình phạt…) nhưng có những đặc trưng nhất định (như chủ thể có thẩm quyền áp dụng, điều kiện áp dụng…).

 

* Về tính chất nhân đạo của MHP:

 

Bên cạnh hàng loạt chế định thể hiện sự nhân đạo của Nhà nước (như miễn trách nhiệm hình sự, miễn chấp hành hình phạt, án treo…) thì miễn hình phạt được coi là một trong những chế định thể hiện rõ nhất nguyên tắc nhân đạo của chính sách hình sự nói chung [15], của pháp luật hình sự Việt Nam nói riêng.

 

Như chúng ta đã biết, hình phạt là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước đối với người phạm tội. Việc áp dụng hình phạt sẽ “xâm phạm” trực tiếp vào quyền lợi của con người bởi hình phạt là đồng nghĩa với việc những quyền lợi cơ bản của người đó sẽ bị hạn chế hoặc tước bỏ. Vì vậy mà khi Nhà nước miễn hình phạt – tức là cho phép người phạm tội vẫn có được các quyền lợi cơ bản mà đáng lẽ đã bị hạn chế hoặc tước bỏ đó – nghĩa là đã thể hiện sự khoan hồng, độ lượng của Nhà nước đối với người thực hiện hành vi phạm tội đó.

 

Xét về mức độ khoan hồng với người phạm tội thì mức độ khoan hồng của miễn hình phạt chỉ đứng sau miễn trách nhiệm hình sự. Mức độ khoan hồng của MHP thể hiện ở chỗ người phạm tội mặc dù vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng sẽ không phải chịu hậu quả pháp lý tất yếu của tội phạm – là hình phạt. Còn các chế định nhân đạo khác như án treo, giảm chấp hành hình phạt, miễn chấp hành hình phạt… thì người phạm tội sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự và vẫn phải chịu hình phạt. Như vậy, miễn hình phạt được xem là biện pháp khoan hồng ít nghiêm khắc hơn so với bất cứ hình phạt nào nhưng lại nghiêm khắc hơn so với miễn trách nhiệm hình sự.

 

* Về chủ thể được miễn hình phạt:

 

Điều 54 quy định miễn hình phạt được áp dụng với “người phạm tội trong trường hợp phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 điều 46 của Bộ luật này, đáng được khoan hồng đặc biệt nhưng chưa tới mức được miễn trách nhiệm hình sự”. Như vậy, miễn hình phạt chỉ được áp dụng đối với cá nhân người phạm tội, mà nói đúng hơn là cá nhân người bị kết án – người phạm tội đã bị tuyên là có tội bằng một bản án có hiệu lực pháp luật. Đây là quy định xuất phát từ đặc trưng của hình phạt trong pháp luật Việt Nam: hình phạt chỉ được áp dụng với cá nhân người phạm tội. Vì vậy, miễn hình phạt với bản chất là hủy bỏ việc áp dụng hình phạt cũng chỉ được áp dụng với cá nhân người thực hiện hành vi phạm tội đó.

 

Hơn nữa, người bị kết án đó phải đáp ứng đầy đủ điều kiện do luật định (như nhiều tình tiết giảm nhẹ, đáng khoan hồng đặc biệt…) và nếu như không đáp ứng đầy đủ điều kiện đó thì người bị kết án đó tất yếu sẽ phải chịu hình phạt nào đó theo quy định của Bộ luật hình sự.

 

* Về thẩm quyền áp dụng:

 

Tòa án là cơ quan duy nhất có thẩm quyền quyết định người bị kết án có được miễn hình phạt hay không. Đây là hậu quả tất yếu của nguyên tắc: hình phạt được áp dụng hay không và áp dụng như thế nào chỉ do duy nhất Tòa án quyết định. Điều này được ghi nhận trong quy định về thẩm quyền của Tòa án (cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm) trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 như khoản 2 điều 227, điểm a khoản 1 điều 249 (“Tòa án cấp phúc thẩm có quyền sửa bản án sơ thẩm: miễn hình phạt cho bị cáo”), điểm a khoản 1 điều 314 (“Tòa án có thể quyết định miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt và áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh”).

 

* Về hình thức:

 

Miễn hình phạt phải được thể hiện bằng một bản án kết tội đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án tuyên không áp dụng hình phạt đối với người bị kết án.

 

* Về hậu quả pháp lý:

 

- Người được miễn hình phạt tức là được miễn cả hình phạt chính và hình phạt bổ sung (nếu có). Bởi hình phạt bổ sung là hình phạt chỉ có thể áp dụng kèm với hình phạt chính, có tác dụng củng cố, tăng cường hiệu quả của việc áp dụng hình phạt, giúp cho việc xử lý tội phạm được toàn diện và triệt để. Khi hình phạt chính được hủy bỏ thì việc thi hành hình phạt bổ sung là không hợp pháp và không cần thiết.

 

- Điều 64 BLHS quy định: “Những người sau đây đương nhiên được xóa án tích: Người được miễn hình phạt” (khoản 1 điều 64). Như vậy, người được MHP được đương nhiên xóa án tích ngay tại thời điểm bản án có hiệu lực pháp luật hoặc sau khi đã chấp hành xong các nghĩa vụ khác trong bản án như nghĩa vụ bồi thường thiệt hại, nộp án phí… Hay nói cách khác, người được MHP không phải chịu hậu quả pháp lý bất lợi nhất đối với người phạm tội là án tích. Đây là điểm đặc biệt mà chỉ có ở chế định MHP và miễn TNHS.

 

- Trong điều 54 cũng như điều 314 BLHS đều không quy định người được MHP còn có thể phải bị áp dụng các biện pháp pháp lý hình sự hoặc phi hình sự khác không. Tại điểm a khoản 1 điều 314 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 có quy định Tòa án có thể quyết định miễn hình phạt và áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Như vậy, người được MHP vẫn có thể bị áp dụng một số biện pháp tư pháp. Và thực tế xét xử cho thấy, người được MHP có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp tư pháp được quy định tại điều 41 – 43 BLHS như: tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan tới tội phạm, trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại, buộc công khai xin lỗi hoặc bắt buộc chữa bệnh.

 

2. Ý nghĩa của quy định MHP:

 

MHP là chế định có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong pháp luật hình sự Việt Nam, thể hiện ở chỗ:

 

* MHP là chế định phản ánh rõ chính sách nhân đạo trong pháp luật hình sự của Việt Nam. Nhà nước ta đã khẳng định phương châm trong đường lối xử lý tội phạm với người phạm tội là “nghiêm trị kết hợp với khoan hồng”, “nghiêm trị người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, ngoan cố, chống đối, lưu mang, tái phạm nguy hiểm…” nhưng phải “khoan hồng với người tự thú, thành khẩn khai báo tố giác người đồng phạm, lập công chuộc tội, ăn năn hối cải, tự nguyện sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại gây ra” (khoản 2 điều 3 BLHS). “Đối với người lần đầu phạm tội ít nghiêm trọng, đã hối cải thì có thể áp dụng hình phạt nhẹ hơn hình phạt tù, giao họ cho cơ quan, tổ chức hoặc gia đình giám sát, giáo dục” (khoản 3 điều 3 BLHS). Vì vậy, bên cạnh việc quy định những hình phạt có mức độ răn đe cao, với việc ghi nhận chế định MHP, Nhà nước ta đã mở một con đường nhân đạo, thể hiện sự khoan hồng với những người phạm tội với tính chất nguy hiểm không cao, có sự hối cải…, tạo cơ hội cho họ không bị cách ly ra khỏi xã hội và giúp họ sớm “hoàn lương”, khuyến khích họ sớm thích nghi với các yêu cầu của trật tự pháp luật, phấn đấu lập công chuộc tội, trở thành người có ích cho gia đình và xã hội.

 

* MHP là chế định được đặt ra nhằm đảm bảo hiệu quả của hình phạt:

 

Như chúng ta đã biết, hình phạt là hậu quả pháp lý tất yếu của tội phạm. Nó thể hiện sự trừng trị của Nhà nước và xã hội đối với người có hành vi phạm tội. Một hành vi nguy hiểm cho xã hội được coi là tội phạm đòi hỏi phải quy định những loại hình phạt và mức hình phạt tương xứng cho hành vi đó. Tuy trong BLHS Việt Nam, hình phạt không được quy định là dấu hiệu định nghĩa tội phạm mà chỉ là tính chất của tội phạm nhưng trên thế giới có không ít các quốc gia coi hình phạt là một dấu hiệu để định nghĩa tội phạm [16]. Từ đó, để thấy rằng, áp dụng hình phạt là rất phổ biến của luật hình sự và chỉ có áp dụng hình phạt mới thấy hết được sự cưỡng chế của Nhà nước đối với hành vi có tính nguy hiểm cao như tội phạm.

 

Vậy, việc ghi nhận chế định MHP có được coi là đi ngược lại “nguyên tắc hình phạt” của Luật hình sự hay không? Câu trả lời là không. Bởi, việc áp dụng một loại hình phạt nào đó với một tội phạm là thực sự cần thiết nhưng hiệu quả của hình phạt đó có đạt được trên thực tế hay không lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Hình phạt đạt được hiệu quả khi trước hết nó phải đạt được những mục đích của hình phạt. Đó không chỉ là mục đích trừng trị người phạm tội mà còn là giáo dục cải tạo người phạm tội, ngăn ngừa tội phạm mới. Như vậy, nếu hình phạt đưa ra là không thỏa đáng, tương xứng với mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội thì lúc đó, hình phạt không những không đạt được mục đích của hình phạt m&a

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo