Triệu Lan Thảo

Cha mất để lại nghĩa vụ trả nợ, gia đình bị khiếu nại tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Luật sư tư vấn trường hợp cha mất để lại nghĩa vụ trả nợ. Tuy nhiên, gia đình không biết về việc cho vay trên nên không nghe điện thoại của công ty tài chính khiến công ty tài chính gửi đơn khiếu nại quy vào tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Nội dung tư vấn:

Thưa luật sư..con có vấn đề này nhờ luật sư giúp.

Chuyện là trước đây năm 2016 cha con có vay khoảng nợ của công ty tài chính 11 triệu 200 nghìn. Trong lúc vay cả gia đình con không ai hay biết. Cũng không ai biết cha con vay làm gì. Đến tháng 4 năm 2017 cha con bị bệnh rồi mất. Thì có mấy số điện thoại nói là bên công ty tài chính gọi vào số điện thoại cha con để yêu cầu cha con thanh toán nợ. Con hỏi nợ gì thì họ nói cha con nợ 11 triệu 200 nghìn và đã thanh toán được 4 hay 5 lần gì đó, mỗi lần đóng là 789.000 đ. Cha con vừa mất không biết là cha có vay hay không nên gia đình con không bắt máy 1 tháng nay, mặc dù có rất nhiều số điện thoại gọi đến.

Đến hôm nay có 1 số điện thoại nhắn tin vào số điện thoại cha với nội dung là phòng pháp lý ngân hàng nhà nước đã nhận được đơn khiếu nại và quy cha con vào tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Và đã gửi hồ sơ về sở tài chính tỉnh để đưa ra tòa án nhân dân tỉnh. Và hồ sơ đã được gửi về UBND huyện nơi con đang sinh sống, yêu cầu cha con phải có mặt lúc 9h ngày 20/6/2017 để nhận giấy.

Vậy thưa luật sư trong trường hợp này gia đình con phải làm sao trong khi cha con đã mất ? Nếu ra tòa thì gia đình con phải làm như thế nào? Và ai sẽ chịu trách nhiệm trong chuyện này.Rất mong luật sư giải đáp giúp con! Con xin chân thành cảm ơn!!!

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi yêu cầu tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia. Trường hợp của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

 

Khi cha bạn mất đi sẽ để lại di sản thừa kế. Khi đó, những người thừa kế phải thực hiện nghĩa vụ do người chết để lại theo quy định tại Điều 615 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:

 

“1. Những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

 

2. Trường hợp di sản chưa được chia thì nghĩa vụ tài sản do người chết để lại được người quản lý di sản thực hiện theo thỏa thuận của những người thừa kế trong phạm vi di sản do người chết để lại.

 

3. Trường hợp di sản đã được chia thì mỗi người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại tương ứng nhưng không vượt quá phần tài sản mà mình đã nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

 

4. Trường hợp người thừa kế không phải là cá nhân hưởng di sản theo di chúc thì cũng phải thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại như người thừa kế là cá nhân.”

 

Như vậy, nếu gia đình bạn đã thỏa thuận chia di sản hoặc có yêu cầu chia di sản thừa kế mà cha bạn để lại thì trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ trả nợ trong phạm vi phần di sản được nhận (nếu không có thỏa thuận khác).

 

Nếu chưa chia di sản thì nghĩa vụ này do người quản lý tài sản thực hiện nghĩa vụ trả nợ dựa trên phần di sản của người chết để lại.

 

Theo như bạn trình bày thì có số điện thoại lạ nhắn tin vào số điên thoại của cha thông báo việc đã gửi hồ sơ tới cơ quan nhà nước và yêu cầu cha bạn lên UBND huyện nhận giấy. Tuy nhiên, trường hợp này, UBND phải có giấy báo tới gia đình bạn chứ không thể nhắn tin thông báo như trên. Do đó, gia đình nên liên hệ tới công ty tài chính, xác minh lại tính hợp pháp của hợp đồng cho vay. Gia đình nên tới UBND theo đúng thời gian trong tin nhắn để xác nhận lại việc khiếu nại.

 

Theo Khoản 1 Điều 139 Bộ luật Hình sự 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009 thì:

 

“1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ  sáu tháng đến ba năm.”

 

Dấu hiệu của hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản như sau:

 

- Về mặt khách quan: có hành vi dùng thủ đoạn gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản. Dùng thủ đoạn gian dối là đưa ra thông tin giả (không đúng sự thật) nhưng làm cho người khác tin đó là thật và giao tài sản cho người phạm tội. Việc đưa ra thông tin giả có thể bằng nhiều hình thức khác như giả vờ vay, mượn, thuê để chiếm đoạt tài sản.

 

- Về chủ quan: người có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản phải có lỗi cố ý; mục đích của hành vi, thủ đoạn gian dối là để chiếm đoạt tài sản.

 

- Về khách thể: quyền sở hữu tài sản của người khác.

 

- Về chủ thể: người có năng lực trách nhiệm hình sự.

 

Dựa trên những thông tin mà bạn đưa ra thì do gia đình chưa xác nhận được việc vay nợ có thực hay không nên không nghe điện thoại chứ không có ý định trốn nợ hay có dấu hiệu của hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cho nên, hiện chưa có đủ dấu hiệu để cấu thành tội trên.

 

Về việc thực hiện nghĩa vụ trả nợ thì theo Bộ luật Dân sự 2015:

 

“3. Thời hiệu yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là 03 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.”

 

Do đó, gia đình nên tới gặp công ty tài chính, thỏa thuận giải quyết để bên đó rút đơn khiếu nại trên.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

Trân trọng.
CV tư vấn: Thùy Lan - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo