Nguyễn Ngọc Ánh

Các quy định liên quan tới quyền thăm nom của bị can, bị cáo

Kính thưa các anh chị đang công tác trong cty Luật Minh Gia!. anh trai tôi là T.H.H nguyên là Chiến sĩ Công an công tác tại Phòng PC65 CA tỉnh PT

 

Nội dung yêu cầu: Do hoàn cảnh gia đình anh trai tôi xin ra quân vào tháng 6/2016. Sau khi ra quân, anh trai tôi có xin đi làm bảo vệ ở 1 công ty, nhưng ngày 12/11/2016 anh trai tôi bị bắt vì tội " Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" cụ thể: Giả danh Công an đến các nhà hàng lập biên bản xử lý vi phạm (3 lần lập biên bản - phạt tổng số tiền 1,9 triệu) các đ/c Công an nói rằng anh trai tôi phạm tội 1 mình, nhưng anh trai tôi nhất quyết không nhận tội, và đang bị tạm giữ hình sự tai Trại giam. Trong chuyện này tôi thấy có điều gì uổn khúc, chưa thỏa đáng vì nếu 1 mình anh ấy phạm tội là điều vô lý, hoặc khi ra quân không còn thẻ ngành, quân hàm, các công cụ hỗ trợ nên không thể phạm tội được, tôi rất muốn gặp anh trai tôi để hỏi chuyện nhưng bên Công an không cho gặp, vậy xin Luật Minh Gia tư vấn giúp tôi khi nào thì tôi có thể gặp được anh trai tôi, và nếu bị giam giữ thì anh trai tôi phải bị giam trong bao lâu. hôm trước tôi vào gửi quà cho anh phải mua sổ thăm phạm nhân, vậy anh ấy có bị giam giữ cùng các phạm nhân khác không?Tôi xin chân thành cảm ơn!

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi yêu cầu tới Công ty Luật Minh Gia! Yêu cầu của bạn được tư vấn như sau:

 

Thứ nhất, về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản:

 

Điều 139 Bộ luật hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản:

 

“1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm....”.

 

Bạn trình bày, người anh trai xuất ngũ đã dùng thủ tục giả mạo công an lập biên bản xử lý vi phạm hành chính nhằm chiếm đoạt tiền. Hành vi trên có dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản: dùng thủ đoạn gian dỗi làm cho nạn nhân tin tưởng để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản thuộc sở hữu hợp pháp của người khác.

 

Tuy nhiên, xét về cấu thành tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì hậu quả do hành vi gây nên, tức số tiền chiếm đoạt được là dấu hiệu định tội (chiếm đoạt từ 2 triệu VNĐ trở lên). Bạn cung cấp thông tin tổng 03 lần thực hiện anh trai đã chiếm đoạt được 1,9 triệu VNĐ, căn cứ vào Khoản 1 Điều 139 BLHS thì chưa đủ dấu hiệu CTTP đối với tội danh trên. Vậy, bạn kiểm tra lại thông tin vụ án để có kết luận có căn cứ pháp lý.

 

Thứ hai, về vấn đề thăm gặp thân nhân của bị can.

 

Khoản 2 Điều 22 Nghị định 89/1998/NĐ-CP ban hành quy chế về tạm giữ, tạm giam quy định:

 

“ 2. Người bị tạm giữ, tạm giam có thể được gặp thân nhân, luật sư hoặc người bào chữa khác và do cơ quan đang thụ lý vụ án quyết định. Trưởng Nhà tạm giữ, Giám thị Trại tạm giam quyết định thời gian gặp nhưng không quá một giờ mỗi lần gặp. Nhà tạm giữ, Trại tạm giam phải bố trí buồng thăm gặp trong khu vực quản lý của mình để người bị tạm giữ, tạm giam gặp thân nhân trong trường hợp họ được phép”.

 

Theo quy định của pháp luật, trong quá trình điều tra vụ án bị can có quyền được gặp thân nhân và do cơ quan đang thụ lý vụ án quyết định; thời gian gặp do Giám thị Trại tạm giam quyết định nhưng không quá một giờ mỗi lần gặp.

 

Vậy, bạn có thể liên hệ tới Cơ quan Công an có thẩm quyền để cơ quan này kịp thời tiếp nhận và giải quyết yêu cầu.

 

Thứ ba, về thời gian tạm giam bị can, bị cáo.

 

Điều 120 BLTTHS 2003 quy định thời hạn tạm giam để điều tra:

 

"1. Thời hạn tạm giam bị can để điều tra không quá hai tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, không quá ba tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá bốn tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

 

2. Trong trường hợp vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, xét cần phải có thời gian dài hơn cho việc điều tra và không có căn cứ để thay đổi hoặc huỷ bỏ biện pháp tạm giam thì chậm nhất là mười ngày trước khi hết hạn tạm giam, Cơ quan điều tra phải có văn bản đề nghị Viện kiểm sát gia hạn tạm giam.

 

Việc gia hạn tạm giam được quy định nh­ư sau:

 

a) Đối với tội phạm ít nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam một lần không quá một tháng;

 

b) Đối với tội phạm nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam hai lần, lần thứ nhất không quá hai tháng và lần thứ hai không quá một tháng;

 

c) Đối với tội phạm rất nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam hai lần, lần thứ nhất không quá ba tháng, lần thứ hai không quá hai tháng;

 

d) Đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam ba lần, mỗi lần không quá bốn tháng.

 

3. Thẩm quyền gia hạn tạm giam của Viện kiểm sát được quy định như­ sau:

 

a) Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện, Viện kiểm sát quân sự khu vực có quyền gia hạn tạm giam đối với tội phạm ít nghiêm trọng, gia hạn tạm giam lần thứ nhất đối với tội phạm nghiêm trọng và tội phạm rất nghiêm trọng. Trong trường hợp vụ án được thụ lý để điều tra ở cấp tỉnh, cấp quân khu thì Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu có quyền gia hạn tạm giam đối với tội phạm ít nghiêm trọng, gia hạn tạm giam lần thứ nhất đối với tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

 

b) Trong trường hợp gia hạn tạm giam lần thứ nhất quy định tại điểm a khoản này đã hết mà vẫn chưa thể kết thúc việc điều tra và không có căn cứ để thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp tạm giam thì Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện, Viện kiểm sát quân sự khu vực có thể gia hạn tạm giam lần thứ hai đối với tội phạm nghiêm trọng. Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu có thể gia hạn tạm giam lần thứ hai đối với tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

 

4. Trong trường hợp vụ án được thụ lý để điều tra ở cấp trung ương thì việc gia hạn tạm giam thuộc thẩm quyền của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát quân sự trung ương.

 

5. Đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, trong trường hợp thời hạn gia hạn tạm giam lần thứ hai quy định tại điểm b khoản 3 Điều này đã hết và vụ án có nhiều tình tiết rất phức tạp mà không có căn cứ để thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp tạm giam thì Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có thể gia hạn tạm giam lần thứ ba.

 

Trong trường hợp cần thiết đối với tội xâm phạm an ninh quốc gia thì Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có quyền gia hạn thêm một lần nữa không quá bốn tháng.

 

6. Trong khi tạm giam, nếu xét thấy không cần thiết phải tiếp tục tạm giam thì Cơ quan điều tra phải kịp thời đề nghị Viện kiểm sát huỷ bỏ việc tạm giam để trả tự do cho ng­ười bị tạm giam hoặc xét cần thì áp dụng biện pháp ngăn chặn khác.

 

Khi đã hết thời hạn tạm giam thì người ra lệnh tạm giam phải trả tự do cho người bị tạm giam hoặc xét cần thì áp dụng biện pháp ngăn chặn khác".

 

Căn cứ quy định trên, thời gian tạm giam để điều tra phụ thuộc vào loại tội phạm, cũng như tính chất nguy hiểm, tinh vi của từng hành vi cụ thể. Ví dụ: trường hợp anh trai bị truy cứu TNHS theo quy định tại Khoản 1 Điều 138 BLHS (tội ít nghiêm trọng) thì thời gian tạm giam để điều tra không quá 03 tháng. Ngoài ra, còn thời gian tạm giam để đảm bảo truy tố, xét xử và thi hành án thuộc thẩm quyền của VKSND giữ quyền công tố và TAND, HĐXX có thẩm quyền xét xử.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Các quy định liên quan tới quyền thăm nom của bị can, bị cáo. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!

Phòng tư vấn – Công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo