Nguyễn Kim Quý

Bạo lực gia đình với người dưới 16 tuổi

Cháu tôi thường bị anh trai tôi là bố ruột đánh đập tàn nhẫn nhiều lần mặc kệ người khác can ngăn. Bị đánh nhiều lần như vậy, tôi sợ cháu sẽ nghĩ quẩn hoặc bỏ nhà đi. Tôi nên làm gì để giúp cháu?

Nội dung tư vấn: Cháu tui, con anh thứ 2, 14 tuổi. Cháu hay bị anh ruột tui đánh vì nhiều lý do. Mỗi lần Anh tui đánh cháu, tui phải can ngăn ,vì anh tui không xem cháu là con người nữa. Đánh tàn nhẫn. Theo tui cháu rất hận cha mẹ mình. Vì nhiều lần bị đánh vô cùng đau đớn. Tui đã đỡ nhiều lần cho cháu nên tui biết. Tui không biết làm sao để giúp cháu vì tui là em. Vả lại tui cũng là chú. Nên không xen vào được chuyện anh tui dạy con. Nếu tui làm ngơ ,có thể cháu tui sẽ nghĩ quẩn hoặc sớm muộn cháu cũng bỏ đi hoang, tệ hơn cháu sẽ hận đời và đi vào con đường xấu. Tui định báo sự việc này cho chính quyền, trái lại tui bị gia đình chỉ trích và anh em không hòa thuận.

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tư vấn đến công ty Luật Minh Gia, với câu hỏi của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

 

Bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình. Những hành vi bạo lực gia đình được quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Phòng chống bạo lực gia đình 2007:

 

“1. Các hành vi bạo lực gia đình bao gồm:

 

a) Hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khoẻ, tính mạng;

 

b) Lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm;

 

c) Cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý gây hậu quả nghiêm trọng;

…”

Anh trai của bạn có hành vi đánh đập tàn nhẫn con trai của mình nhiều lần, theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật phòng chống bạo lực gia đình 2007 thì đây được coi là một hành vi bạo lực gia đình. Khi phát hiện hành vi bạo lực gia đình của anh trai mình với cháu, bạn có thể báo tin cho cơ quan công an gần nhất hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc người đứng đầu cộng đồng dân cư nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình biết. Cơ quan công an, Uỷ ban nhân dân cấp xã hoặc người đứng đầu cộng đồng dân cư khi phát hiện hoặc nhận được tin báo về bạo lực gia đình có trách nhiệm kịp thời xử lý hoặc kiến nghị, yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền xử lý; giữ bí mật về nhân thân và trong trường hợp cần thiết áp dụng biện pháp bảo vệ người phát hiện, báo tin về bạo lực gia đình.

 

Hành vi này của này của anh trai bạn là hành vi cố ý xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng của cháu bạn, hành vi này tùy theo mức độ nghiêm trọng của hành vi và mức độ nghiêm trọng về hậu quả mà có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

 

Trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì hành vi của anh trai bạn có thể cấu thành tội ngược đãi theo quy định tại Điều 185 BLHS 2015:

 

“1. Người nào đối xử tồi tệ hoặc có hành vi bạo lực xâm phạm thân thể ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

 

a) Thường xuyên làm cho nạn nhân bị đau đớn về thể xác, tinh thần;

 

b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.

 

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

 

a) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu;

 

b) Đối với người khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng hoặc người mắc bệnh hiểm nghèo.

 

Vì cháu bạn mới 14 tuổi nên hành vi của anh trai bạn sẽ thuộc khung tăng nặng theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 185 BLHS 2015. Trường hợp những tổn thương, thương tích mà anh trai bạn gây ra với cháu là những thương tích nghiêm trọng, gây tổn hại đến sức khỏe cũng như tinh thần của cháu, anh trai bạn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích theo quy định tại Điều 134 BLHS 2015 có tình tiết tăng nặng là phạm tội với người dưới 16 tuổi và phạm tội từ 2 lần trở lên:

 

"1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

 

a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn gây nguy hại cho từ 02 người trở lên;

 

b) Dùng a-xít sunfuric (H2SO4) hoặc hóa chất nguy hiểm khác gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác;

 

c) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân;

 

d) Phạm tội 02 lần trở lên;

 

đ) Phạm tội đối với 02 người trở lên;

 

e) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;

 

g) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng mình, thầy giáo, cô giáo của mình;

 

h) Có tổ chức;

 

i) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

 

k) Phạm tội trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện bắt buộc;

 

l) Thuê gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe do được thuê;

 

m) Có tính chất côn đồ;

 

n) Tái phạm nguy hiểm;

 

o) Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân...”

 

Ngoài ra, nếu hành vi của anh trai bạn chưa đủ để cấu thành tội phạm theo quy định của BLHS thì anh trai bạn có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 49 Nghị định 167/2013/NĐ-CP:

 

“1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với hành vi đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình.

 

2. Phạt tiền từ 1.500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

 

a) Sử dụng các công cụ, phương tiện hoặc các vật dụng khác gây thương tích cho thành viên gia đình;

 

b) Không kịp thời đưa nạn nhân đi cấp cứu điều trị trong trường hợp nạn nhân cần được cấp cứu kịp thời hoặc không chăm sóc nạn nhân trong thời gian nạn nhân điều trị chấn thương do hành vi bạo lực gia đình, trừ trường hợp nạn nhân từ chối.

 

3. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu đối với các hành vi quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này.”

 

Như vậy, hành vi đánh đập một cách tàn nhẫn của anh trai bạn là hành vi bạo lực gia đình gây tổn hại đến thể chất, tinh thần của cháu bạn. Hành vi này có thể cấu thành tội phạm và sẽ bị xử lí theo quy định của pháp luật. Khi phát hiện hành vi bạo lực gia đình của anh trai với cháu bạn, bạn có thể trình báo cơ quan có thẩm quyền để can thiệp kịp thời, tránh để lại hậu quả xấu.

 

Trân trọng

Phòng tư vấn pháp luật Hình sự - Công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo