Hoàng Thị Kim Lý

Nhận bảng lô đề bị xử phạt hành chính hay xử lý hình sự?

Xin chào luật sư và ban tư vấn! Cháu muốn hỏi và tư vấn giúp cháu vấn đề nhận bảng lô đề như sau: Mẹ cháu nhận bảng lô đề. Chỉ có nhận một bảng do một cô quán nước gần nhà ghi, trung bình mỗi bảng hàng ngày được 10 triệu. Hai người sẽ nhận bảng đó chia đôi ra vì chỉ muốn kiếm thêm chút tiền vì nhà cô bán nước cũng hoàn cảnh khó khăn ạ. Chứ không có thêm bên thứ 3 để mẹ cháu chuyển đi nữa.

1 tuần trước, cô ở quán nước đã bị công an bắt và đưa xuống đồn cùng với giấy tờ chứng cứ liên quan, cùng với điện thoại và vài triệu đồng tiền mặt. Trên giấy tờ thì có hai loại chữ: Một là của cô ấy, hai là của mẹ cháu ghi tiền thanh toán hàng ngày chứ không phải ghi lô đề. Trên điện thoại: Thì có tin nhắn của mẹ cháu cùng với cô ấy chốt tiền thanh toán chứ cũng không có tin nhắn chuyển lô đề (tất cả chuyển bằng giấy trước đấy, và chỉ thống nhất thanh toán lại bằng điện thoại). Thì trong thời gian cô cháu bị bắt đã khai ra mẹ cháu làm chủ. Và công an có gửi giấy triệu tập về nhà.

Nhưng hiện tại mẹ cháu chưa có đến khai báo vì sợ....và nhiều vấn đề khác nữa.Vậy cháu muốn hỏi luật sư rằng: Mẹ cháu khi ra đồn công an theo giấy triệu tập khai báo thì sẽ bị kết án hình sự hay bị phạt hành chính thì có những mức phạt như thế nào ạ? Cùng với đó là có bị theo các án phạt liên quan như là có giấy triệu tập nhưng chưa có mặt, thì có bị phạt kèm theo án gì không ạ?  (Mẹ cháu lý lịch trong sạch, chưa có tiền án tiền sự).

Cháu cũng muốn hỏi thêm chi phí thuê luật sư bên Quý công ty với tình trạng của mẹ cháu là bao nhiêu luôn ạ. Mong có thể sớm nhận được câu trả lời sớm của luật sư. Cháu xin chân thành cảm ơn!Cháu mong tin nhắn đáp lời của Quý công ty.

Trả lời tư vấn:

Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi yêu cầu tới Công ty Luật Minh gia chúng tôi, vấn đề bạn đưa ra chúng tôi tư vấn như sau:

Thứ nhất, hành vi bán bảng đề

Việc mẹ bạn bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay bị xử phạt hành chính sẽ phụ thuộc vào hành vi mẹ bạn thực hiện. Theo như thông tin bạn cung cấp thì mẹ bạn không phải chủ ôm lô nhưng lại có hành vi nhận bảng lô đề và bán để hưởng hoa hồng.

Căn cứ điểm b Khoản 3 Điều 28 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi đánh bạc trái phép:

Điều 28. Hành vi đánh bạc trái phép

3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Nhận gửi tiền, cầm đồ, cho vay trái phép tại sòng bạc, nơi đánh bạc khác;

b) Bán số lô, số đề, bảng đề, ấn phẩm khác cho việc đánh lô, đề, giao lại cho người khác để hưởng hoa hồng;

c) Giúp sức, che giấu việc đánh bạc trái phép;

...”

Ngoài ra, với hành vi bán bảng đề thì người thực hiện hành vi vi phạm này còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả theo điểm a Khoản 6 và Khoản 7 Điều 28 Nghị định 144/2021/NĐ-CP. Theo đó, bị tịch thu toàn bộ tang vật, phương tiện vi phạm (bảng đề) và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được từ hành vi bán bảng đề này.

Đối với trường hợp của mẹ bạn, hành vi của mẹ bạn là bán bảng đề mà không tham đánh bạc hay tổ chức đánh bạc nên mẹ bạn sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Theo đó, mẹ bạn sẽ bị phạt hành chính từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng, ngoài ra buộc phải nộp lại số tiền bất hợp pháp cùng bảng đề cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết. 

Thứ hai, về việc có giấy triệu tập nhưng không có mặt

Trong trường hợp này, chưa thể xác định tư cách tham gia tố tụng của mẹ bạn là bị can, người làm chứng hay người có quyền, nghĩa vụ liên quan. Do đó, việc cơ quan công an có thể triệu tập mẹ bạn lên cơ quan công an để lấy lời khai điều tra vụ án vì mẹ bạn là người bán bảng đề và liên quan đến vụ việc này. 

Tại Điều 60 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về bị can như sau:

"Điều 60. Bị can

1. Bị can là người hoặc pháp nhân bị khởi tố về hình sự. Quyền và nghĩa vụ của bị can là pháp nhân được thực hiện thông qua người đại diện theo pháp luật của pháp nhân theo quy định của Bộ luật này.

...

3. Bị can có nghĩa vụ:

a) Có mặt theo giấy triệu tập của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Trường hợp vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì có thể bị áp giải, nếu bỏ trốn thì bị truy nã;

b) Chấp hành quyết định, yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng."

Ngoài ra, Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về người làm chứng tại Điều 66:

"Điều 66. Người làm chứng

1. Người làm chứng là người biết được những tình tiết liên quan đến nguồn tin về tội phạm, về vụ án và được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng triệu tập đến làm chứng.

...

4. Người làm chứng có nghĩa vụ:

a) Có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Trường hợp cố ý vắng mặt mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan và việc vắng mặt của họ gây trở ngại cho việc giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử thì có thể bị dẫn giải;

b) Trình bày trung thực những tình tiết mà mình biết liên quan đến nguồn tin về tội phạm, về vụ án và lý do biết được những tình tiết đó.

5. Người làm chứng khai báo gian dối hoặc từ chối khai báo, trốn tránh việc khai báo mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật hình sự.

6. Cơ quan, tổ chức nơi người làm chứng làm việc hoặc học tập có trách nhiệm tạo điều kiện để họ tham gia tố tụng."

Từ những căn cứ nêu trên, dù mẹ bạn là bị can hay người làm chứng trong vụ việc này thì khi cơ quan có thẩm quyền tố tụng có giấy mời triệu tập, mẹ bạn phải có mặt để phối hợp làm việc. Trong trường hợp, mẹ anh không tới làm việc với bên công an thì sẽ bị xử lý theo Điều 283 Bộ luật hình sự năm 2015.  

Theo Điều 383 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định:

"Điều 383. Tội từ chối khai báo, từ chối kết luận giám định, định giá tài sản hoặc từ chối cung cấp tài liệu

1. Người làm chứng nếu không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 19 của Bộ luật này, người giám định, người định giá tài sản, người dịch thuật từ chối khai báo, trốn tránh việc kết luận giám định, định giá tài sản hoặc từ chối cung cấp tài liệu mà không có lý do chính đáng, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.

2. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm."

Như vậy, theo những quy định nêu trên nếu mẹ bạn từ chối hoặc trốn tránh việc khai báo mà không có lý do chính đáng, thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 383 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo