Cà Thị Phương

Xử phạt hành chính với hành vi vận chuyển hàng hóa không có hóa đơn

Hoá đơn là gì? Các loại hoá đơn theo quy định pháp luật hiện hành? Những trường hợp nào kinh doanh phải xuất hoá đơn? Quy định về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong quản lý, sử dụng hoá đơn? Mức xử phạt hành chính với hành vi vận chuyển hàng hoá không có hoá đơn?

1. Luật sư tư vấn về hoá đơn

Hóa đơn được hiểu là chứng từ do người bán lập, ghi nhận thông tin bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ theo quy định của pháp luật. Theo quy định pháp luật hiện hành thì hoá đơn bao gồm: hoá đơn giá trị gia tăng, hoá đơn bán hàng, hoá đơn khác (tem, vé, thẻ, phiếu thu tiền bảo hiểm…) và phiếu thu tiền cước vận chuyển hàng không; chứng từ thu cước phí vận tải quốc tế; chứng từ thu phí dịch vụ ngân hàng…được lập theo thông lệ quốc tế và các quy định của pháp luật có liên quan. Hoá đơn xuất hiện phổ biến trong đời sống, được sử dụng với nhiều mục đích khác nhau, tuy nhiên chủ yếu nhất vẫn là trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, phân phối sản phẩm hàng hoá, dịch vụ của tổ chức, cá nhân. Theo đó, hoá đơn là căn cứ để xác định đúng nghĩa vụ thuế của các cá nhân, tổ chức; đồng thời Nhà nước thông qua đó còn nắm bắt được tình hình sản xuất, kinh doanh, kiểm tra được việc kê khai các chi phí hợp lý khi xác định nghĩa vụ thuế của đơn vị. Dưới góc độ là người tiêu dùng thì việc lưu giữ hoá đơn sẽ giúp họ chứng minh được quyền sử dụng, quyền sở hữu hàng hoá, được dùng để hạch toán kế toán hoạt động mua bán hàng hoá, dịch vụ theo quy định về kế toán, hưởng các chế độ khuyến mãi,…Đối với người sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ thì hoá đơn là căn cứ quan trọng để các đơn vị hạch toán xác định kết quả kinh doanh của đơn vị mình.

Như vậy, có thể thấy hoá đơn có vai trò vô cùng quan trọng đối với không chỉ Nhà nước mà còn cả cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng. Do đó,  pháp luật hiện nay đã ban hành những quy định cụ thể về việc tạo và phát hành hoá đơn, sử dụng hoá đơn, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong quản lý, sử dụng hoá đơn,…Tuy nhiên, trên thực tế vẫn có những hành vi vi phạm diễn ra khá phổ biến có liên quan đến quản lý, sử dụng hoá đơn do người sử dụng hoá đơn thiếu hiểu biết pháp luật như: gian lận, trốn thuế, buôn lậu…Để tránh xảy ra những vi phạm không đáng có như trên thì người sử dụng hoá đơn phải tìm hiểu và nắm rõ quy định pháp luật. Trường hợp bạn có vướng mắc liên quan việc quản lý, sử dụng hoá đơn thì bạn có thể gửi câu hỏi đến Luật Minh Gia hoặc gọi Hotline1900.6169 để được chúng tôi hỗ trợ.

Ngoài ra, bạn có thể tham khảo tình huống chúng tôi tư vấn sau đây để có thêm kiến thức bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

2. Xử phạt hành chính với hành vi vận chuyển hàng hoá không có hoá đơn

Nội dung yêu cầu tư vấn: Kính gửi: Công Ty Luật Minh Gia.Tôi làm Công ty DV Vận Tải Hàng Hóa, vừa qua Tôi có nhận vận chuyển 2 lô hàng: 1/ Phụ tùng xe máy, 2/ Hàng mỹ phẩm. Tuy nhiên do khách hàng mang đến chưa đủ lô nên Tôi để chờ, đồng thời cũng phải chờ khách hàng cung cấp hóa đơn chứng từ để vận chuyển. Trong thời gian đó, đúng lúc Cơ quan QL Thị Trường đi kiểm tra nên Tôi không xuất trình được hóa đơn của 2 lô hàng và bị tạm giử. Hôm sau Tôi có yêu cầu khách hàng đến làm việc và cũng lên trình bày cụ thể để bàn giao hàng hóa cho khách hàng giải trình hoặc xử lý nhưng Cơ quan QLTT không làm việc với các khách hàng (là Chủ hàng hóa) mà chỉ trả lời là hàng bị tịch thu các Chủ hàng lên làm gì, sau đó các Chủ hàng không lên nữa nên Cơ quan QLTT ra quyết định xử phạt Tôi hơn 40 triệu tội tàng trữ, vận chuyển hàng lậu, hàng nhái và các khoản khác theo giá trị của 2 lô hàng bị tịch thu.Vậy Tôi xin hỏi có đúng không? trong khi Tôi cung cấp đầy đủ địa chỉ, tên, số điện thoại . . . tất cả của các Chủ lô hàng và khẳng định mình không cố tình cấu kết gì trong việc này.Kính mong Công ty Luật Minh Gia giải đáp và hướng dẫn thêm cho Tôi hiểu để sau này còn nhận vận chuyển hàng hóa tiếp. Xin chân thành cám ơn!

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi cho Công ty Luật Minh Gia. Trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Theo quy định tại Khoản 5 Điều 44 Nghị định 109/2013/NĐ-CP thì:

“Hàng hóa vận chuyển trên đường không có hóa đơn, chứng từ hợp pháp khi cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, phát hiện hành vi vi phạm thì ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn theo quy định tại Nghị định này, người nộp thuế còn bị xử phạt về hành vi trốn thuế theo quy định của Luật quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành”.

Theo đó, khi bạn vận chuyển hàng hóa, bị kiểm tra hàng hóa và bạn lại không cung cấp được hóa đơn nên bạn sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính về việc vận chuyển hàng hóa không có hóa đơn chứng từ. Mặc dù bạn cung cấp thông tin địa chỉ của chủ hàng tuy nhiên khi đội quản lý thị trường tiến hành kiểm tra, thì bạn là chủ thể bị kiểm tra và phải có trách nhiệm xuất trình hóa đơn, giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa. Bạn bị xử phạt do vận chuyển, tàng trữ hàng hóa không có nguồn gốc xuất xứ. Chủ hàng hóa không phải là chủ thể bị kiểm tra tại thời điểm đó nên khi bạn cung cấp thông tin mà chủ hàng lên phía đội quản lý thị trường thì phía cơ quan quản lý thị trường trả lời như vậy là đúng. Trường hợp của bạn, bạn có thể yêu cầu chủ hàng hóa đưa cho bạn các giấy tờ, hóa đơn của hàng hóa cho bạn để bạn xuất trình với cơ quan quản lý thị trường. Trường hợp mà phía chủ hàng hóa không xuất trình được hóa đơn, giấy tờ chứng minh được nguồn gốc của hàng hóa thì bạn có thể thỏa thuận với chủ hàng hóa về việc nộp phạt hành chính. 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo