Phạm Diệu

Xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản?

Các hoạt động khai thác khoáng sản luôn được Nhà nước kiểm soát chặt chẽ và phải đáp ứng được những điều kiện nhất định mới có thể khai thác. Nhiều cá nhân, tổ chức không tuân thủ các quy định của pháp luật và cố ý vi phạm hoạt động khai thác khoáng sản.

1. Luật sư tư vấn Luật Doanh nghiệp

Khoáng sản là nguồn tài nguyên có hạn và cần được khai thác, sử dụng có kế hoạch hợp lý. Sự gia tăng dân số kéo theo nhiều hệ lụy, đặc biệt trong vấn đề sử dụng khoáng sản. Nhu cầu con người ngày càng cao thì nhiều cá nhân, tổ chức bất chấp lợi nhuận, vi phạm quy định của pháp luật về khai thác khoáng sản.

Quản lý của Nhà nước trong hoạt động khai thác khoáng sản thể hiện qua việc cấp giấy phép khai thác khoáng sản và sự thống kê trữ lượng khai thác khoáng sản. Nếu có hành vi vi phạm, thông thường biện pháp xử phạt bổ sung sẽ là thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản và xử phạt hành chính.

Nếu bạn đang cần tư vấn về vấn đề khai thác khoáng sản như: điều kiện cấp giấy phép khai thác khoáng sản, mức xử phạt hành vi khai thác trái phép khoáng sản,… bạn có thể liên hệ Tổng đài Luật sư tư vấn trực tuyến của Luật Minh Gia theo số điện thoại: 1900.6169 hoặc gửi câu hỏi về hòm thư Email tư vấn của chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn.

2. Tư vấn xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản

Nội dung câu hỏi: Em làm phòng cảnh sát môi trường xin hỏi luật sư tư vấn cho em: Có công ty khai thác cát bị UBND tỉnh cho tạm dừng hoạt động khai thác vì lí do chưa chuyển đổi mục đích đất làm bãi tập kết cát. Trong thời gian tạm dừng công ty vẫn tiếp tục khai thác thì xử phạt như thế nào? Hành vi có thoả mãn Điều 48 Nghị định 33 xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản? Và Điều 25 Luật xử lý vi phạm hành chính không? Khái niệm tạm dừng hoạt động và đình chỉ hoạt động khác nhau như thế nào?

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi yêu cầu tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia. Với trường hợp của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:

Tại Điều 58 Luật khoáng sản 2010 quy định về các trường hợp thu hồi, chấm dứt hiệu lực Giấy phép khai thác khoáng sản như sau:

Điều 58. Thu hồi, chấm dứt hiệu lực Giấy phép khai thác khoáng sản

1. Giấy phép khai thác khoáng sản bị thu hồi trong các trường hợp sau đây:

a) Sau 12 tháng, kể từ ngày giấy phép có hiệu lực, tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản chưa xây dựng cơ bản mỏ, trừ trường hợp bất khả kháng;

b) Sau 12 tháng, kể từ ngày dự kiến bắt đầu khai thác, tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản chưa tiến hành khai thác, trừ trường hợp bất khả kháng;

c) Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản vi phạm một trong các nghĩa vụ quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e và g khoản 2 Điều 55 của Luật này mà không khắc phục trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về khoáng sản có thông báo bằng văn bản;

d) Khu vực được phép khai thác khoáng sản bị công bố là khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản.

2. Giấy phép khai thác khoáng sản chấm dứt hiệu lực khi xảy ra một trong các trường hợp sau đây:

a) Giấy phép bị thu hồi;

b) Giấy phép hết hạn;

c) Giấy phép được trả lại;

d) Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản giải thể hoặc phá sản.

3. Khi Giấy phép khai thác khoáng sản chấm dứt hiệu lực thì các công trình, thiết bị bảo đảm an toàn mỏ, bảo vệ môi trường ở khu vực khai thác khoáng sản thuộc sở hữu nhà nước, không được tháo dỡ, phá huỷ. Trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày Giấy phép khai thác khoáng sản chấm dứt hiệu lực, tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải di chuyển tài sản còn lại của mình và của các bên có liên quan ra khỏi khu vực khai thác khoáng sản; sau thời hạn này, tài sản còn lại thuộc sở hữu nhà nước.

4. Trong thời hạn quy định tại khoản 3 Điều này, tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải thực hiện các nghĩa vụ có liên quan đến việc đóng cửa mỏ, cải tạo, phục hồi môi trường và đất đai theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Theo thông tin bạn cung cấp thì công ty bị tạm dừng với lý do chưa chuyển mục đích sử dụng đất. Trường hợp này không thuộc các trường hợp bị thu hồi, chấm dứt hiệu lực giấy phép khai thác khoáng sản theo Điều 58 Luật khoáng sản 2010. Theo đó, hành vi này của công ty không thuộc Điều 25 Luật xử lý vi phạm hành chính và Điều 48 Nghị định 33/2017/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản. 

UBND tạm dừng việc khai thác của công ty nhằm yêu cầu công ty thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất kinh doanh, sản xuất. Hành vi không thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất không phù hợp với mục “ nhu cầu sử dụng đất” theo dự án đầu tư.

Căn cứ Điều 37 Nghị định 33/2017/NĐ-CP quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản, tài nguyên nước quy định về vi phạm các quy định về thiết kế mỏ:

“1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đối với một trong các hành vi: Lập, phê duyệt thiết kế mỏ có nội dung không phù hợp với dự án đầu tư, thiết kế cơ sở đã phê duyệt và giấy phép khai thác khoáng sản; điều chỉnh, thay đổi công nghệ khai thác, công suất khai thác so với thiết kế mỏ đã duyệt mà chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền chấp thuận, cụ thể như sau:

a) Phạt cảnh cáo đối với trường hợp khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường của hộ kinh doanh;

b) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với giấy phép khai thác khoáng sản do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp phép, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản này;

c) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với trường hợp giấy phép khai thác khoáng sản do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp.

2. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đối với hành vi không nộp thiết kế mỏ đã phê duyệt cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về khoáng sản, cụ thể như sau:

a) Phạt cảnh cáo đối với trường hợp khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường của hộ kinh doanh;

b) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với giấy phép khai thác khoáng sản do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản này;

c) Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với giấy phép khai thác khoáng sản do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp.

3. Phạt tiền đối với một trong các hành vi: Khai thác không đúng phương pháp khai thác; không đúng hệ thống khai thông, chuẩn bị (đối với khai thác hầm lò), hệ thống mở vỉa (đối với khai thác lộ thiên); khai thác không đúng trình tự khai thác, hệ thống khai thác; sử dụng bãi thải không đúng vị trí trình tự, công nghệ đổ thải đã xác định trong thiết kế mỏ được phê duyệt hoặc nêu trong giấy phép khai thác khoáng sản, dự án đầu tư khai thác khoáng sản mà chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép bằng văn bản, cụ thể như sau:

a) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường của hộ kinh doanh;

b) Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với khai thác than bùn; khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường không sử dụng vật liệu nổ công nghiệp;

c) Từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp;

d) Từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với khai thác khoáng sản bằng phương pháp lộ thiên, trừ trường hợp đã quy định tại các điểm a, b, c và điểm e khoản này;

đ) Từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với khai thác khoáng sản bằng phương pháp hầm lò, trừ trường hợp đã quy định tại các điểm a, b, c và điểm e khoản này;

e) Từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với khai thác vàng, bạc, đá quý, platin, đá quý, khoáng sản độc hại.

4. Phạt tiền đối với hành vi khai thác khoáng sản mà không có thiết kế mỏ theo quy định, cụ thể như sau:

a) Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường của hộ kinh doanh;

b) Từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với khai thác than bùn; khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường không sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản này;

c) Từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản này;

d) Từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với khai thác khoáng sản bằng phương pháp lộ thiên, trừ trường hợp đã quy định tại các điểm a, b, c và điểm e khoản này;

đ) Từ 200.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng đối với khai thác khoáng sản bằng phương pháp hầm lò, trừ trường hợp đã quy định tại các điểm a, b, c và điểm e khoản này;

e) Từ 300.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng đối với khai thác vàng, bạc, đá quý, platin, đá quý, khoáng sản độc hại.

5. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tước quyền sử dụng giấy phép khai thác khoáng sản từ 06 tháng đến 12 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.

6. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc phải khai thác đúng phương pháp khai thác; phương án khai thông, chuẩn bị (đối với khai thác hầm lò), phương án mở vỉa (đối với khai thác lộ thiên); khai thác đúng trình tự khai thác, hệ thống khai thác; sử dụng bãi thải đúng vị trí và diện tích xác định trong thiết kế mỏ được phê duyệt hoặc nêu trong giấy phép khai thác khoáng sản đối với hành vi quy định tại khoản 3 Điều này”.

Theo đó, hành vi của công ty là hành vi vi phạm các quy định về thiết kế mỏ. Nên trong trường hợp UBND cấp tỉnh đã có quyết định tạm dừng mà công ty vẫn cố tình khai thác khoáng sản Căn cứ điểm i, khoản 1, Điều 10 Luật xử lý vi phạm hành chính quy định về tình tiết tăng nặng:

“i) Tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm hành chính mặc dù người có thẩm quyền đã yêu cầu chấm dứt hành vi đó”.

Như vậy nếu công ty đang trong quá trình tạm dừng để xử lý mà vẫn tiếp tục vi phạm thì đây là tình tiết tăng nặng để xử phạt vi phạm hành chính. Như vậy công ty vẫn sẽ bị xử lý theo quy định tại Điều 37 Nghị định 33/2017/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản, tài nguyên nước, tuy nhiên mức tiền phạt có thể tăng nhưng không được vượt quá mức tối đa trong khung tiền phạt.

Căn cứ khoản 2, Điều 25, Luật xử lý vi phạm hành chính quy định về Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn:

“ 2. Đình chỉ hoạt động có thời hạn là hình thức xử phạt được áp dụng đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính trong các trường hợp sau:

a) Đình chỉ một phần hoạt động gây hậu quả nghiêm trọng hoặc có khả năng thực tế gây hậu quả nghiêm trọng đối với tính mạng, sức khỏe con người, môi trường của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ mà theo quy định của pháp luật phải có giấy phép;

b) Đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hoặc hoạt động khác mà theo quy định của pháp luật không phải có giấy phép và hoạt động đó gây hậu quả nghiêm trọng hoặc có khả năng thực tế gây hậu quả nghiêm trọng đối với tính mạng, sức khỏe con người, môi trường và trật tự, an toàn xã hội.”

Như vậy nếu tổ chức, cá nhân thuộc một trong hai trường hợp tại khoản 2, Điều 25 Luật xử lý vi phạm hành chính thì sẽ bị đình chỉ hoạt động có thời hạn.

Đối với tạm dừng hoạt động khai thác khoáng sản thì trong luật không có quy định tuy nhiên tạm dừng trong trường hợp này có thể hiểu là hoạt động của cơ quan nhà nước yêu cầu cá nhân, tổ chức không thực hiện hoạt động khai thác trong thời gian xử lý vi phạm hành chính. Và hoạt động chỉ được tiếp tục khi không còn hành vi vi phạm.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo