Mạc Thu Trang

Xin tư vấn về vốn góp trong công ty TNHH hai thành viên

Luật sư tư vấn về chuyển vốn góp của thành viên đã chết và hình thức nộp thuế thu nhập cá nhân. Nội dung cụ thể như sau:

 

Nội dung tư vấn: Kính chào quý công ty luật Minh Gia! Cho tôi xin hỏi với nội dung như sau: Tôi mới làm kế toán cho một công ty TNHH hai thành viên được thành lập từ năm 2013 với vốn điều lệ là 4,9 tỷ đồng. Người thứ nhất góp 2,94 tỷ đồng chiếm 60% vốn điều lệ là Chủ tịch HĐ thành viên kiêm giám đốc, người thứ hai góp 1,96 tỷ đồng chiếm 40% vốn điều lệ là thành viên - Phó giám đốc. Năm 2017 người thứ 2 ốm và chết. Vậy bây giờ công ty muốn chuyển toàn bộ số vốn 1,96 tỷ của người thứ 2 (Phó giám đốc) sang cho em trai của Chủ tịch HĐ thành viên (người thứ nhất) bằng hình thức nào thì không phải nộp thuế thu nhập cá nhân. Mong quý công ty xem xét, hồi đáp giúp sớm nhất! Xin trân thành cảm ơn !    

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi cho Công ty Luật Minh Gia. Trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Thứ nhất, về vấn đề chuyển nhượng phần vốn góp:

 

Theo điều 651 Bộ luật dân sự 2015 quy định về người thừa kế theo pháp luật như sau:

 

“1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

 

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

 

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

 

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

 

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

 

3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản”.

 

Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 54 Luật doanh nghiệp năm 2014 thì trường hợp thành viên là cá nhân chết thì người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của thành viên đó là thành viên của công ty.

 

Trường hợp người thừa kế không muốn trở thành thành viên công ty thì phần vốn góp của thành viên đã chết được công ty mua lại hoặc chuyển nhượng theo quy định tại Điều 52 và Điều 53 Luật doanh nghiệp năm 2014.

 

 

Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 và 2 Điều 53 Luật doanh nghiệp 2014 quy định như sau:

 

"Điều 53. Chuyển nhượng phần vốn góp

 

1. Trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 52, khoản 5 và khoản 6 Điều 54 của Luật này, thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có quyền chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp của mình cho người khác theo quy định sau đây:

 

a) Phải chào bán phần vốn đó cho các thành viên còn lại theo tỷ lệ tương ứng với phần vốn góp của họ trong công ty với cùng điều kiện;

 

b) Chỉ được chuyển nhượng với cùng điều kiện chào bán đối với các thành viên còn lại quy định tại điểm a khoản này cho người không phải là thành viên nếu các thành viên còn lại của công ty không mua hoặc không mua hết trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày chào bán.

 

2. Thành viên chuyển nhượng vẫn có các quyền và nghĩa vụ đối với công ty tương ứng với phần vốn góp có liên quan cho đến khi thông tin về người mua quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều 49 của Luật này được ghi đầy đủ vào sổ đăng ký thành viên”.

 

Theo quy định nêu trên thì thành viên muốn chuyển nhượng vốn góp phải chào bán phần vốn đó cho các thành viên còn lại theo tỷ lệ tương ứng với phần vốn góp của họ trong công ty với cùng điều kiện.

 

Như vậy nếu công ty bạn muốn chuyển toàn bộ số vốn 1,96 tỷ đồng của người thứ 2 (Phó giám đốc) đã ốm và chết vào năm 2017 sang cho em trai của Chủ tịch HĐ thành viên (người thứ nhất) thì cần người thừa kế của thành viên thứ hai thực hiện theo nội dung điều luật trên.

 

Thứ hai, về việc nộp thuế thu nhập cá nhân

 

Thu nhập từ chuyển nhượng vốn là thu nhập tính thuế thu nhập cá nhân theo quy định tại khoản 4 điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC:

 

 "Điều 2. Các khoản thu nhập chịu thuế

 

4. Thu nhập từ chuyển nhượng vốn

 

Thu nhập từ chuyển nhượng vốn là khoản thu nhập cá nhân nhận được bao gồm:

 

a) Thu nhập từ chuyển nhượng vốn góp trong công ty trách nhiệm hữu hạn (bao gồm cả công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên), công ty hợp danh, hợp đồng hợp tác kinh doanh, hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức kinh tế, tổ chức khác.

 

b) Thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán, bao gồm: thu nhập từ chuyển nhượng cổ phiếu, quyền mua cổ phiếu, trái phiếu, tín phiếu, chứng chỉ quỹ và các loại chứng khoán khác theo quy định của Luật Chứng khoán; thu nhập từ chuyển nhượng cổ phần của các cá nhân trong công ty cổ phần theo quy định của Luật Doanh nghiệp.

 

c) Thu nhập từ chuyển nhượng vốn dưới các hình thức khác”.

 

Đối với cá nhân cư trú thì thuế suất chuyển nhượng là 20%. Cách tính cụ thể được quy định tại Điều 11 Thông tư 111/2013/TT-BTC.

 

Thu nhập chịu thuế này sẽ do cá nhân chuyển nhượng vốn có nghĩa vụ kê khai nộp hoặc Công ty sẽ kê khai nộp thuế thay cán nhân và có thể yêu cầu cá nhân hoàn lại số tiền này theo quy định tại khoản 4 điều 26 Thông tư 111/2013/TT-BTC:

 

"4. Khai thuế đối với thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng vốn (trừ chuyển nhượng chứng khoán)

 

a) Cá nhân cư trú chuyển nhượng vốn góp thực hiện khai thuế theo từng lần chuyển nhượng không phân biệt có hay không phát sinh thu nhập.

 

b) Cá nhân không cư trú có thu nhập từ chuyển nhượng vốn góp tại Việt Nam không phải khai thuế trực tiếp với cơ quan thuế mà tổ chức, cá nhân nhận chuyển nhượng thực hiện khấu trừ thuế theo hướng dẫn tại điểm e, khoản 1, Điều 25 Thông tư này và khai thuế theo từng lần phát sinh.

 

c) Doanh nghiệp làm thủ tục thay đổi danh sách thành viên góp vốn trong trường hợp chuyển nhượng vốn mà không có chứng từ chứng minh cá nhân chuyển nhượng vốn đã hoàn thành nghĩa vụ thuế thì doanh nghiệp nơi cá nhân chuyển nhượng vốn có trách nhiệm khai thuế, nộp thuế thay cho cá nhân”.

 

Trường hợp doanh nghiệp nơi cá nhân chuyển nhượng vốn nộp thuế thay cho cá nhân thì doanh nghiệp thực hiện khai thay hồ sơ khai thuế thu nhập cá nhân. Doanh nghiệp khai thay ghi thêm “Khai thay” vào phần trước cụm từ “Người nộp thuế hoặc Đại diện hợp pháp của người nộp thuế”đồng thời người khai ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu của doanh nghiệp. Trên hồ sơ tính thuế, chứng từ thu thuế vẫn phải thể hiện đúng người nộp thuế là cá nhân chuyển nhượng vốn góp (trường hợp là chuyển nhượng vốn của cá nhân cư trú) hoặc cá nhân nhận chuyển nhượng vốn (trường hợp là chuyển nhượng vốn của cá nhân không cư trú)".

 

Do đó, cá nhân chuyển nhượng là cá nhân phát sinh thu nhập nên sẽ phải đóng khoản thuế thu nhập cá nhân trên nên cá nhân chuyển nhượng vẫn cần thực hiện thủ tục kê khai đóng thuế thu nhập cá nhân theo quy định.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.
CV tư vấn: Phạm Thị Lâm Anh - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo