Luật sư Vũ Đức Thịnh

Tư vấn về việc rút vốn trong tổ chức tín dụng cơ sở

Luật sư tư vấn miễn phí trường hợp rút vốn góp trong tổ chức tín dụng cơ sở hoạt động theo loại hình hợp tác xã và quyền lợi của người lao động sau khi chấm dứt hợp đồng lao động.

 

Kính chào các anh chị! Tôi đang gặp khó khăn về vấn đề chế độ quyền lợi của người lao động và rút vốn góp, rất mong đc sự giúp đỡ của các anh chị. Nội dung cụ thể:

1. Tôi làm việc tại một Quỹ tín dụng cơ sở, mô hình này kinh doanh về tiền tệ được điều chỉnh bởi Luật các TCTD và Luật HTX, và có điều lệ riêng của đơn vị. Tôi làm việc được 21 năm, tháng 10/2016 tôi đã xin nghỉ việc đơn vị đã đồng ý cho tôi nghỉ, hiện nay số vốn góp của tôi tại đó là 100 triệu tôi đề nghị rút về nhưng đơn vị không cho rút và trả lời bằng miệng là: đơn vị đang khó khăn làm ăn thì lỗ nên không cho tôi rút. Vậy tôi làm thế nào để rút được vốn góp?

2.  Khi tôi nghỉ việc đơn vị không trả tôi trợ cập thôi việc, tôi làm thế nào để lấy được chế độ trợ cấp?

Kính mong các anh chị tư vấn giúp, tôi xin cảm ơn!

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn anh/chị đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của anh/chị chúng tôi tư vấn như sau:

 

- Thứ nhất, về việc rút vốn

 

Theo thông tin anh/chị cung cấp, Quỹ tín dụng cơ sở được điều chỉnh bởi Luật các tổ chức tín dụng và Luật hợp tác xã. Do vậy, có thể hiểu quỹ tín dụng đó hoạt động theo loại hình Hợp tác xã.

 

Luật các tổ chức tín dụng 2010 quy định như sau:

 

“Điều 76. Vốn điều lệ

 

1. Vốn điều lệ của ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân là tổng số vốn do các thành viên góp và được ghi vào Điều lệ.

 

2. Mức vốn góp tối thiểu và tối đa của một thành viên do Đại hội thành viên quyết định theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Điều 78. Quyền của thành viên

7. Chuyển nhượng vốn góp và các quyền lợi, nghĩa vụ của mình cho người khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ của ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân.

 

8. Xin ra khỏi ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân theo quy định tại Điều lệ của ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân.”

 

Ngoài ra, liên quan đến vấn đề vốn điều lệ, tại Điều 30 Thông tư 04/2015/TT-NHNN quy định về quỹ tín dụng nhân dân có quy định:

 

“Điều 30. Chuyển nhượng, hoàn trả vốn góp

 

2. Việc hoàn trả vốn góp cho thành viên phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:

 

a) Đối với thành viên: Thành viên đã giải quyết dứt điểm các nghĩa vụ tài chính của mình đối với quỹ tín dụng nhân dân, bao gồm:

 

(i) Các khoản nợ (cả gốc và lãi) của thành viên;

 

(ii) Các khoản tổn thất mà thành viên chịu trách nhiệm bồi thường;

 

(iii) Các khoản lỗ trong kinh doanh, các khoản rủi ro trong hoạt động tương ứng với tỷ lệ vốn góp mà thành viên cùng chịu trách nhiệm theo quyết định của Đại hội thành viên;

3. Việc hoàn trả, chuyển nhượng toàn bộ vốn góp của thành viên phải được Đại hội thành viên thông qua hoặc do Hội đồng quản trị thông qua theo quy định tại Điều lệ quỹ tín dụng nhân dân.”

 

Theo các quy định trên, Luật các tổ chức tín dụng không quy định về việc rút vốn điều lệ, vấn đề này sẽ căn cứ vào Điều lệ của quỹ tổ chức tín dụng mà anh/chị tham gia góp vốn. Đồng thời việc hoàn trả vốn góp cần phải đáp ứng tất cả các điều kiện quy định tại điểm a Khoản 2 Điều 30 Thông tư 04/2015/TT-NHNN.

 

- Thứ hai, về chế độ được hưởng khi nghỉ việc

 

Về chế độ trợ cấp thôi việc, Điều 48 Bộ luật lao động 2012 quy định:

 

“Điều 48. Trợ cấp thôi việc

 

1. Khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 5, 6, 7, 9 và 10 Điều 36 của Bộ luật này thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương.

 

2. Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc.

 

3. Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 06 tháng liền kề trước khi người lao động thôi việc.”

 

Theo quy định trên thì để được hưởng trợ cấp thôi việc sau khi nghỉ việc thì cần phải đáp ứng các điều kiện:

 

+ Chấm dứt HĐLĐ đúng luật (trừ trường hợp người lao động bị xử lý kỷ luật sa thải hoặc đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định của Luật BHXH);

 

+ Đã làm việc thường xuyên cho người sử dụng lao động từ đủ 12 tháng trở lên;

 

+ Có thời gian làm việc không tham gia Bảo hiểm thất nghiệp.

 

Theo thông tin anh/chị cung cấp, anh/chị đã làm việc 21 năm chúng tôi có thể hiểu làm việc tại đó 21 năm. Như vậy, nếu như anh/chị chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu thì khi anh/chị chấm dứt HĐLĐ đúng luật thì người sử dụng lao động sẽ có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 48 trên.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Tư vấn về việc rút vốn trong tổ chức tín dụng cơ sở. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng !

Luật gia: Vũ Đức Thịnh - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo