Nguyễn Thị Tuyết Nhung

Tư vấn về vấn đề người người nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực khách sạn tại Việt Nam

Luật sư tư vấn về việc xin cấp Giấy phép đầu tư của cá nhân người nước ngoài vào Việt Nam và vấn đề ủy quyền đầu tư. Cụ thể như sau:

Kính chào Luật Minh Gia! Tôi là người Việt Nam.  Tôi có vấn đề xin được tư vấn cụ thể như sau:Tôi có một người nhà là người nước ngoài( cá nhân) đang muốn đầu tư trong lĩnh vực khách sạn với công ty cổ phần tại Việt Nam đang làm trong lĩnh vực kinh doanh và xây dựng khách sạn. Thứ nhất tôi xin hỏi có phải xin giấy phép đầu tư của Sở kế hoạch và đầu tư không. Thứ 2 người nước ngoài có thể uỷ quyền cho tôi thay mặt để ký hợp đồng hợp tác đầu tư và những công việc liên quan đến quyền của người đầu tư tại Việt Nam với công ty Việt Nam kia không. Thứ 3 tôi xin hỏi theo quy định hay luật nào người đầu tư nước ngoài kia có thể chuyển tiền đầu tư thẳng vào tài khoản của công ty nhận đầu tư tại Việt Nam không? Nếu tiền được chuyển thẳng từ nhà đầu tư vào tài khoản của công ty hợp tác đầu tư tại Việt Nam kia. Và tôi được uỷ quyền quản lý nguồn vốn đầu tư đó từ người đầu tư và công ty hợp tác đầu tư tại Việt Nam kia là đúng với luật hay không? Thứ tư là với nội dung như trên người nước ngoài kia hoặc tôi được uỷ quyền cần phải xin những thủ tục gì? Và công ty hợp tác đầu tư tại Việt Nam kia sẽ phải cung cấp hay xin những thủ tục nào không? Tôi xin trân trọng cảm ơn!

 

Trả lời tư vấn:  Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Công ty Luật Minh Gia! Trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Trước hết, người nhà của bạn muốn đầu tư vào Việt nam trong lĩnh vực kinh doanh khách sạn thì theo quy định tại Khoàn 1, Điều 24, Luật đầu tư 2014 thì: “1. Nhà đầu tư có quyền góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế.”. Lĩnh vực kinh doanh khách sạn cũng không phải là ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện hay ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh theo quy định tại Điều 6, Điều 7, Luật đầu tư 2014 nên người nhà của bạn có thể đầu tư vào công ty này.

 

Trường hợp thứ nhất, nếu người thân của bạn đầu tư vào công ty cổ phần này theo hình thức góp vốn, mua cổ phần mà số cổ phần nhỏ hơn 51% thì theo quy định tại Điểm c, Khoản 2, Điều 36, Luật đầu tư 2014 thì: “Các trường hợp không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư:…c) Đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế” người thân của bạn sẽ không phải xin Giấy phép đầu tư của Sở kế hoạch và Đầu tư.

 

Trường hợp thứ hai, nếu người nhà của bạn thực hiện đầu tư với công ty cổ phần thành lập tổ kinh tế mà mà người nhà bạn nắm giữ 51% vốn điều lệ của tổ chức kinh tế đó thì theo quy định tại Khoản 1, Điều 36, Luật đầu tư 2014: “Các trường hợp phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư:… b) Dự án đầu tư của tổ chức kinh tế quy định tại khoản 1 Điều 23 của Luật này.” Người nhà của bạn sẽ phải xin cấp Giấy chứng nhận đăng kí đầu tư  tại Sở kế hoach và Đầu tư.

 

Câu hỏi thứ hai của bạn là người nhà của bạn có thể ủy quyền cho bạn để kí hợp đồng hợp tác đầu tư hay không thì theo quy định tại Điều 138, Bộ luật dân sự 2015 quy định:  “Cá nhân, pháp nhân có thể ủy quyền cho cá nhân, pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự”. Như vậy, người nhà của bạn có thể ủy quyền cho bạn thay mặt thực hiện các giao dịch. Mặt khác, Luật đầu tư không quy đinh cấm đại diện thực hiện dự án đầu tư. Vì vậy, bạn có thể thay mặt người nhà bạn để kí hợp đồng hợp tác đầu tư với công ty Việt Nam đó.

 

Câu hỏi thứ ba của bạn là theo quy định nào thì Nhà đầu tư nước ngoài có thể chuyển tiền trực tiếp vào tài khoản của công ty Việt Nam kia. Trong trường hợp người nhà của bạn mua cổ phần/phần vốn góp của Cổ đông (Công ty cổ phần) mà không biệt là đầu tư trực tiếp hay đầu tư gián tiếp thì tổng vốn Điều lệ của Công ty không thay đổi. Khi này, dòng tiền sẽ được chuyển thẳng cho bên bán/chuyển nhượng và người nhà sẽ gián tiếp sở hữu phần vốn góp/cổ phần của Bên chuyển nhượng đã góp trong Công ty (sau khi hoàn tất thủ tục cấp Giấy chứng nhận phần vốn góp hoặc cấp mới Sổ Cổ Phiếu). Còn trong trường hợp người nhà của bạn đầu tư với công ty Việt Nam để thành lập tổ chức kinh tế thì theo quy định tại Điều 11, Thông tư 19/2014/TT-NHNN thì người nhà bạn phải mở tài khoản vốn đầu tư trực tiếp hoặc gián tiếp.

 

Câu hỏi thứ tư của bạn là nếu tiền đầu tư của người nhà được chuyển thẳng vào tài khoản công ty Việt Nam và bạn được ủy quyền quản lí vốn đầu tư đó là đúng luật hay không thì khi tiền chuyển thẳng vào tài khoản của công ty Việt Nam tức là người nhà của bạn đã sở hữu gián tiếp phần vốn góp vào công ty cổ phần đó thì theo quy định của Luật doanh nghiệp 2015 bạn được phép quản lí phần vốn đầu tư của người nhà bạn là đúng với quy định của pháp luật

 

Câu hỏi thứ năm của bạn là bạn cần thay mặt người nhà bạn thực hiện những thủ tục gì thì trước hết người nhà bạn cần làm một Giấy ủy quyền cho bạn trong đó ghi rõ phạm vi ủy quyền cho bạn để thực hiện kí kết hợp đồng đầu tư và quản lsi nguồn vồn đầu tư. Sau đó, đối với trường hợp người nhà bạn đầu tư góp vốn mua cổ phần trong công ty cổ phần đó thì bạn cần yêu cầu bên công ty Cổ phần Việt Nam đó thực hiện và hoàn tất các thủ tục cấp Giấy chứng nhận góp vốn hoặc cấp mới Sổ Cổ phiếu.  Còn đối với trường hợp người nhà bạn góp vốn với công ty Việt Nam để thành lập tổ chức kinh tế thì bạn cần xin Giấy chứng nhận đăng kí đầu tư của Sở Kế hoạch và đầu tư, sau đó bạn cần làm thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đăng kí doanh nghiệp cho tổ chức kinh tế đó và sau đó mở tài khoản vốn đầu tư trực tiếp hoặc gián tiếp để chuyển vốn đầu tư vào tài khoản và thực hiện các hoạt động của tổ chức kinh tế đó theo quy định của pháp luật.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

Trân trọng.

CV tư vấn: Hoàng Thị Linh - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo