Cà Thị Phương

Tư vấn về góp vốn và thành lập tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài

Tài sản góp vốn vào doanh nghiệp liên doanh phải đáp ứng điều kiện gì? Thủ tục thành lập tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài như thế nào?

 

Nội dung yêu cầu tư vấn: Xin kính chào quý luật sư của Công ty Luật Minh Gia. Tôi có một người bạn muốn nhờ quý luật sư tư vấn về trường hợp của mình như sau:

Hiện bạn tôi có 1 Công ty TNHH chuyên phân phối độc quyền các loại mỹ phẩm của tập đoàn ở Hàn Quốc. Công ty cũng đã phát triển được 20 cửa hàng trên toàn quốc. Nay muốn phát triển thị trường,công ty của bạn tôi muốn liên doanh với một tập đoàn nước ngoài để thành lập một công ty liên doanh, trong đó công ty bạn tôi góp 51% vốn bằng toàn bộ chi nhánh, còn tập đoàn nước ngoài góp 49% vốn bằng tiền mặt, liệu có thành lập được không thưa quý luật sư? Ngoài ra, bạn tôi cũng muốn biết sự khác nhau cơ bản giữa đầu tư trong nước và  nhà đầu tư nước ngoài khi lần đầu tiên thực hiện dự án đầu tư gắn liền với việc thành lập tổ chức kinh tế. Tôi xin chân thành cảm ơn quý luật sư và công ty Luật Minh Gia.


Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi cho Công ty Luật Minh Gia. Trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:


Thứ nhất, thành viên của công ty TNHH có thể dùng chi nhánh của công ty để góp vốn thành lập doanh nghiệp liên doanh không?


Căn cứ tại Điều 35 Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định:


“Điều 35. Tài sản góp vốn


1. Tài sản góp vốn có thể là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, giá trị quyền sử dụng đất, giá trị quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, các tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam.


2. Quyền sở hữu trí tuệ được sử dụng để góp vốn bao gồm quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và các quyền sở hữu trí tuệ khác theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ. Chỉ cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu hợp pháp đối với các quyền nói trên mới có quyền sử dụng các tài sản đó để góp vốn”.

 

Như vậy, đối chiếu quy định trên với trường hợp của bạn  thì việc công ty trên đang muốn góp vốn bằng chi nhánh (bản chất là góp bằng tài sản của các chi nhánh trên) với một tổ chức kinh tế nước ngoài để mở rộng hoạt động kinh doanh thì có thể thực hiện thành lập công ty liên doanh dưới hình thức trách nhiệm hữu hạn, hay gọi là công ty tnhh liên doanh có tư cách pháp nhân. Tuy nhiên cần đảm bảo vốn pháp định của doanh nghiệp liên doanh ít nhất phải đủ 30% vốn đầu tư thành lập công ty liên doanh.


Thứ hai, sự khác biệt giữa thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước và nước ngoài.

 

Căn cứ tại Điều 28 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định:

 

"Điều 28. Cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp

 

1. Doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:

 

a) Ngành, nghề đăng ký kinh doanh không bị cấm đầu tư kinh doanh;

 

b) Tên của doanh nghiệp được đặt theo đúng quy định tại các Điều 38, 39, 40 và 42 của Luật này;

 

c) Có hồ sơ đăng ký doanh nghiệp hợp lệ;

 

d) Nộp đủ lệ phí đăng ký doanh nghiệp theo quy định pháp luật về phí và lệ phí.

 

2. Trường hợp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp bị mất, bị hủy hoại, bị hư hỏng hoặc bị tiêu hủy dưới hình thức khác, doanh nghiệp được cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và phải trả lệ phí theo quy định pháp luật về phí và lệ phí".

 

Việc thành lập doanh nghiệp trong nước và nước ngoài có sự khác biệt cơ bản về quá trình thành lập công ty. Cụ thể, trường hợp doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước được thành lập theo quy định của Luật Doanh nghiệp chỉ cần đáp ứng các điều kiện về chủ thể, ngành nghề kinh doanh thì sẽ được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp để thực hiện hoạt động kinh doanh nhưng đối với thành lập tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài thì trước khi thành lập doanh tổ chức kinh tế thì phía nhà đầu tư nước ngoài này còn phải tuân thủ các quy định của Luật Đầu tư. Cụ thể, Điều 22, Luật Đầu tư năm 2014 quy định:

 

“Điều 22. Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế


1. Nhà đầu tư được thành lập tổ chức kinh tế theo quy định của pháp luật. Trước khi thành lập tổ chức kinh tế, nhà đầu tư nước ngoài phải có dự án đầu tư, thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định tại Điều 37 của Luật này và phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
a) Tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ quy định tại khoản 3 Điều này;


b) Hình thức đầu tư, phạm vi hoạt động, đối tác Việt Nam tham gia thực hiện hoạt động đầu tư và điều kiện khác theo quy định của điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.


2. Nhà đầu tư nước ngoài thực hiện dự án đầu tư thông qua tổ chức kinh tế được thành lập theo quy định tại khoản 1 Điều này, trừ trường hợp đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp hoặc đầu tư theo hợp đồng.


3. Nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu vốn điều lệ không hạn chế trong tổ chức kinh tế, trừ các trường hợp sau đây:


a) Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại công ty niêm yết, công ty đại chúng, tổ chức kinh doanh chứng khoán và các quỹ đầu tư chứng khoán theo quy định của pháp luật về chứng khoán;


b) Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa hoặc chuyển đổi sở hữu theo hình thức khác thực hiện theo quy định của pháp luật về cổ phần hóa và chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước;


c) Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài không thuộc quy định tại điểm a và điểm b khoản này thực hiện theo quy định khác của pháp luật có liên quan và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên”.


Theo đó, trước khi thành lập tổ chức kinh tế thì phía nhà đầu tư nước ngoài cần phải có dự án đầu tư cụ thể và phải tiến hành thủ tục đăng ký với cơ quan có thẩm quyền để được cấp Giấy  chứng nhận đăng ký đầu tư và phải đáp ứng về tỷ lệ sở hữu vốn và phải đáp ứng những điều kiện về hình thức đầu tư, phạm vi hoạt động, đối tác Việt Nam tham gia thực hiện hoạt động đầu tư và điều kiện khác theo quy định của điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.


Như vậy: Đối với việc thành lập tổ chức kinh tế có vốn đầu tư trong nước thì phía cá nhân, tổ chức có nhu cầu thành lập tổ này thì chỉ cần đáp ứng các điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.


Còn đối với thành lâp tổ chức có vốn đầu tư nước ngoài phải bao gồm 2 giai đoạn: 
+ Giai đoạn 1: Phải tiến hành hoạt động xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
+ Giai đoạn 2: Tiến hành hoạt động xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký thành lập doanh nghiệp.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

Trân trọng.
 CV tư vấn: Trần Thị Thìn - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo