Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Tư vấn về giải quyết tranh chấp trong hợp đồng thương mại

Công ty TNHH A ký hợp đồng mua với Công ty TNHH B cà phê hạt 210 tấn với giá 10.000.000đồng/tấn vào ngày 01/01/2010. Hợp đồng có hiệu lực kể từ thời điểm ký kết và công ty B sẽ giao hàng tại kho của công ty A làm 3 đợt, mỗi đợt 70 tấn trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày ký hợp đồng, công ty A sẽ thanh toán bằng chuyển khoản ngay sau mỗi đợt nhận hàng.

Vào ngày 05/01/2010, sau khi đã gọi điện báo trước, công ty B giao đợt hàng đầu tiên 70 tấn. Sau khi nhận hàng công ty A không chấp nhận thanh toán cho công ty B theo giá đã thỏa thuận trong hợp đồng, mà chỉ đồng ý thanh toán với giá 9.000.000đồng/tấn với lý do là cà phê không đạt chất lượng như đã thỏa thuận. Công ty B không đồng ý với quyết định trên và không nhận thanh toán.

Ngày 07/01/2010 công ty tiếp tục giao 70 tấn của đợt 2. Công ty A từ chối không nhận 70 tấn của đợt 2 với lý do công ty B giao hàng không báo trước nên công ty không có kho chứa hàng. Ngay đêm đó mưa rất to, do không lường trước được tình huống trên, nên công ty B không có phương tiện che chắn, hậu quả 50 tấn cà phê bị ướt và hư hỏng hoàn toàn. Trướng các sự kiện trên, công ty B cho rằng công ty A đã cố ý gây thiệt hại cho mình, nên không tiếp tục giao hàng đợt 3.

Vào ngày 15/01/2010 công ty B gửi công văn cho công ty A với các yêu cầu đối với công ty A như sau:

- Công ty A phải thanh toán 70 tấn cà phê của đợt 1 theo giá đã thỏa thuận trong hợp đồng.

- Công ty A phải bồi thường thiệt hại đối với lô hàng 70 tấn của đợt 2 theo giá trị hợp đồng đã ký kết, do lỗi không nhận hàng theo thỏa thuận trong hợp đồng dẫn đến cà phê bị mưa ướt và hư hỏng hoàn toàn.

Ngày 01/2/2010 Công ty A có công văn trả lời như sau:

- Bác bỏ yêu cầu của Công ty B và giữ nguyên quan điểm của mình, chỉ chấp nhận thanh toán 70 tấn của đợt đầu với 9.000.000đồng/tấn.

- Yêu cầu công ty B phải chịu phạt 8% giá trị hợp đồng và bồi thường thiệt hại 1.000.000.000đồng vì vi phạm hợp đồng.

a) Quan hệ trên là quan hệ dân sự hay quan hệ thương mại? Dùng luật thương mại hay luật dân sự để điều chỉnh quan hệ trên? Vì sao?

b) Quyền và nghĩa vụ của các chủ thể trong quan hệ trên?

c) Bằng quy định của pháp luật thương mại hãy cho biết yêu cầu của các bên đúng hay sai? Giải thích?

d) Cách giải quyết cụ thể phù hợp trong quan hệ hợp đồng trên?

 

Trả lời: Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Công ty Luật Minh Gia. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của chúng tôi nghiên cứu và tư vấn như sau: 

 

a) Quan hệ trên là quan hệ dân sự hay quan hệ thương mại? Dùng luật thương mại hay luật dân sự để điều chỉnh quan hệ trên? Vì sao?

Tranh chấp thương mại là tranh chấp phát sinh từ hoạt động thương mại. Theo Khoản 1 Điều 3 Luật thương mại 2005: "hoạt động thương mại là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi bao gồm mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác".

Tranh chấp thương mại diễn ra chủ yếu giữa các thương nhân với nhau. Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 29 Bộ luật tố tụng dân sự 2011 quy định: "Tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh, thương mại giữa cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh với nhau và đều có mục đích lợi nhuận bao gồm: a) Mua bán hàng hoá;..."

Tuy nhiên trong một số trường hợp, các cá nhân, tổ chức không phải là thương nhân cũng có thể là chủ thể của tranh chấp thương mại. Khoản 3 Điều 29 Bộ luật tố tụng dân sự sửa đổi bổ sung 2011 có quy định về tranh chấp không diễn ra giữa các thương nhân với nhau: tranh chấp giữa các công ty và thành viên của công ty, giữa các thành viên của công ty với nhau liên quan đến việc thành lập, hoạt động, giải thể, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, chuyển đổi hình thức tổ chức của công ty.

Trong trường hợp trên, quan hệ tranh chấp là quan hệ thương mại, bởi lẽ, chủ thể của quan hệ tranh chấp trên là 2 thương nhân (công ty TNHH A và công ty TNHH B); lĩnh vực phát sinh tranh chấp thương mại là từ hoạt động thương mại, cụ thể là mua bán hàng hóa và đều nhằm mục đích lợi nhuận. Vì vậy, luật điều chỉnh là Luật thương mại năm 2005.

b) Quyền và nghĩa vụ của các chủ thể trong quan hệ trên?

Bên bán là công ty B có các nghĩa vụ sau:Theo quy định tại Mục 2 Chương 2 Luật thương mại 2005 về quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng mua bán thì bên bán có các nghĩa vụ sau: Giao hàng đúng đối tượng và chất lượng; Giao hàng đúng số lượng đã thỏa thuận trong hợp đồng; Giao hàng đúng thời hạn và địa điểm; Kiểm tra hàng hóa trước khi giao hàng; Đảm bảo quyền sở hữu đối với hàng hóa mua bán và chuyển giao quyền sở hữu hàng hóa cho bên mua; Giao các chứng từ liên quan đến hàng hóa kèm hàng hóa,..

Bên mua là công ty A có nghĩa vụ cơ bản sau: Nhận hàng và thanh toán tiền là nghĩa vụ cơ bản của bên mua, tương xứng với nghĩa vụ giao hàng và chuyển quyền sở hữu hàng hóa của bên bán.

Trong hợp đồng mua bán hàng hóa, bên cạnh những quyền và nghĩa vụ do bên bán và bên mua thỏa thuận thì còn có những quyền và nghĩa vụ dành cho các bên này do pháp luật quy định, quyền của bên này là nghĩa vụ của bên kia và ngược lại.

c) Bằng quy định của pháp luật thương mại hãy cho biết yêu cầu của các bên đúng hay sai? Giải thích?

* Đối với các yêu cầu của công ty B:

Trong hợp đồng, thông thường hai bên sẽ thỏa thuận rõ về chất lượng hàng hóa sẽ nhận được. Tuy nhiên không phải trong trường hợp nào bên bán cũng tuân thủ đầy đủ những quy định đó, một số mặt hàng kém chất lượng vẫn được giao cho bên mua nghĩa là họ đã vi phạm một trong những điều khoản của hợp đồng. Căn cứ theo quy định tại Khoản 2 Điều 297 Luật thương mại 2005:

"2. ...Trường hợp bên vi phạm giao hàng hoá, cung ứng dịch vụ kém chất lượng thì phải loại trừ khuyết tật của hàng hoá, thiếu sót của dịch vụ hoặc giao hàng khác thay thế, cung ứng dịch vụ theo đúng hợp đồng. Bên vi phạm không được dùng tiền hoặc hàng khác chủng loại, loại dịch vụ khác để thay thế nếu không được sự chấp thuận của bên bị vi phạm."

Trường hợp trên, khi Công ty B giao hàng đợt đầu, công ty A không chấp nhận thanh toán theo giá đã thỏa thuận với lý do hàng không đạt chất lượng, công ty B có thể giao hàng khác để thay thế hàng kém chất lượng hoặc cung ứng dịch vụ theo đúng hợp đồng. Tuy nhiên, công ty B yêu cầu công ty A thanh toán hàng đợt một theo đúng giá thỏa thuận ban đầu là không hợp lý theo quy định tại Điều 39, Điều 40, Điều 41 Luật thương mại 2005. Bên B phải chịu trách nhiệm về việc hàng hóa không đúng với thỏa thuận như đã giao kết ban đầu.

"Điều 39. Hàng hoá không phù hợp với hợp đồng

1. Trường hợp hợp đồng không có quy định cụ thể thì hàng hoá được coi là không phù hợp với hợp đồng khi hàng hoá đó thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Không phù hợp với mục đích sử dụng thông thường của các hàng hoá cùng chủng loại;

b) Không phù hợp với bất kỳ mục đích cụ thể nào mà bên mua đã cho bên bán biết hoặc bên bán phải biết vào thời điểm giao kết hợp đồng;

c) Không bảo đảm chất lượng như chất lượng của mẫu hàng hoá mà bên bán đã giao cho bên mua;

d) Không được bảo quản, đóng gói theo cách thức thông thường đối với loại hàng hoá đó hoặc không theo cách thức thích hợp để bảo quản hàng hoá trong trường hợp không có cách thức bảo quản thông thường.

2. Bên mua có quyền từ chối nhận hàng nếu hàng hoá không phù hợp với hợp đồng theo quy định tại khoản 1 Điều này."

 

Điều 40. Trách nhiệm đối với hàng hoá không phù hợp với hợp đồng

Trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác, trách nhiệm đối với hàng hóa không phù hợp với hợp đồng được quy định như sau:

1. Bên bán không chịu trách nhiệm về bất kỳ khiếm khuyết nào của hàng hoá nếu vào thời điểm giao kết hợp đồng bên mua đã biết hoặc phải biết về những khiếm khuyết đó;

2. Trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, trong thời hạn khiếu nại theo quy định của Luật này, bên bán phải chịu trách nhiệm về bất kỳ khiếm khuyết nào của hàng hoá đã có trước thời điểm chuyển rủi ro cho bên mua, kể cả trường hợp khiếm khuyết đó được phát hiện sau thời điểm chuyển rủi ro;

3. Bên bán phải chịu trách nhiệm về khiếm khuyết của hàng hóa phát sinh sau thời điểm chuyển rủi ro nếu khiếm khuyết đó do bên bán vi phạm hợp đồng.

Điều 41. Khắc phục trong trường hợp giao thiếu hàng, giao hàng không phù hợp với hợp đồng

1. Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, nếu hợp đồng chỉ quy định thời hạn giao hàng và không xác định thời điểm giao hàng cụ thể mà bên bán giao hàng trước khi hết thời hạn giao hàng và giao thiếu hàng hoặc giao hàng không phù hợp với hợp đồng thì bên bán vẫn có thể giao phần hàng còn thiếu hoặc thay thế hàng hoá cho phù hợp với hợp đồng hoặc khắc phục sự không phù hợp của hàng hoá trong thời hạn còn lại.

2. Khi bên bán thực hiện việc khắc phục quy định tại khoản 1 Điều này mà gây bất lợi hoặc làm phát sinh chi phí bất hợp lý cho bên mua thì bên mua có quyền yêu cầu bên bán khắc phục bất lợi hoặc chịu chi phí đó."

Công ty B yêu cầu công ty A bồi thường thiệt hại 30 tấn cà phê hạt bị hư hỏng là không đúng với quy định pháp luật thương mại. Theo khoản 2 Điều 37 Luật thương mại 2005 thì bên A không có lỗi dẫn đến thiệt hại đó, lỗi là của bên B. 

"Điều 37. Thời hạn giao hàng

2. Trường hợp chỉ có thỏa thuận về thời hạn giao hàng mà không xác định thời điểm giao hàng cụ thể thì bên bán có quyền giao hàng vào bất kỳ thời điểm nào trong thời hạn đó và phải thông báo trước cho bên mua."

* Đối với các yêu cầu của công ty A

Trong trường hợp những vì việc giao hàng không đúng chủng loại và chất lượng của bên bán mà bên mua xảy ra thiệt hại thì bên bán phải có trách nhiệm đối với hàng hóa không phù hợp với hợp đồng quy định tại Điều 40 Luật thương mại 2005:

"Điều 40. Trách nhiệm đối với hàng hoá không phù hợp với hợp đồng

Trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác, trách nhiệm đối với hàng hóa không phù hợp với hợp đồng được quy định như sau:

1. Bên bán không chịu trách nhiệm về bất kỳ khiếm khuyết nào của hàng hoá nếu vào thời điểm giao kết hợp đồng bên mua đã biết hoặc phải biết về những khiếm khuyết đó;

2. Trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, trong thời hạn khiếu nại theo quy định của Luật này, bên bán phải chịu trách nhiệm về bất kỳ khiếm khuyết nào của hàng hoá đã có trước thời điểm chuyển rủi ro cho bên mua, kể cả trường hợp khiếm khuyết đó được phát hiện sau thời điểm chuyển rủi ro;

3. Bên bán phải chịu trách nhiệm về khiếm khuyết của hàng hóa phát sinh sau thời điểm chuyển rủi ro nếu khiếm khuyết đó do bên bán vi phạm hợp đồng."

Đồng thời, bên mua có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại theo các quy định tại Khoản 1 Điều 302 Luật thương mại 2005: " Bồi thường thiệt hại là việc bên vi phạm bồi thường những tổn thất do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra cho bên bị vi phạm

Khác với phạt vi phạm hợp đồng, bồi thường thiệt hai là hình thức chế tài được áp dụng nhằm khôi phục, bù đắp những lợi ích vật chất bị mất của bên bị vi phạm hợp đồng mua bán. Với mục đích này, bồi thường thiệt hại chỉ áp dụng khi có thiệt hại xảy ra. Tuy nhiên, công ty A có nghĩa vụ chứng minh các tổn thất và hạn chế tổn thất,  quy định tại Điều 304,305 Luật thương mại 2005:

"Điều 304. Nghĩa vụ chứng minh tổn thất

Bên yêu cầu bồi thường thiệt hại phải chứng minh tổn thất, mức độ tổn thất do hành vi vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm.

Điều 305. Nghĩa vụ hạn chế tổn thất

Bên yêu cầu bồi thường thiệt hại phải áp dụng các biện pháp hợp lý để hạn chế tổn thất kể cả tổn thất đối với khoản lợi trực tiếp đáng lẽ được hưởng do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra; nếu bên yêu cầu bồi thường thiệt hại không áp dụng các biện pháp đó, bên vi phạm hợp đồng có quyền yêu cầu giảm bớt giá trị bồi thường thiệt hại bằng mức tổn thất đáng lẽ có thể hạn chế được."

Theo quy định tại Điều 301 Luật thương mại 2005 về Mức phạt vi phạm:

"Mức phạt đối với vi phạm nghĩa vụ hợp đồng hoặc tổng mức phạt đối với nhiều vi phạm do các bên thoả thuận trong hợp đồng, nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm, trừ trường hợp quy định tại Điều 266 của Luật này."

Theo đó, mức phạt vi phạm phải được thỏa thuận trong hợp đồng và không được quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm. Trong trường hợp này, nếu trong hợp đồng có điều khoản phạt vi phạm hợp đồng thì yêu cầu phạt vi phạm của A mới được chấp nhận. 

 d) Cách giải quyết cụ thể phù hợp trong quan hệ hợp đồng trên?

Pháp luật hiện hành công nhận các phương thức giải quyết tranh chấp trong kinh doanh sau: Thương lượng, hòa giải, trọng tài và tòa án. Theo đó, trong trường hợp này, các bên có thể giải quyết tranh chấp thông qua việc trực tiếp thương lượng với nhau. Trong trường hợp không thương lượng được, việc giải quyết tranh chấp có thể được thực hiện với sự trợ giúp của bên thứ ba thông qua phương thức hòa giải, trọng tài hoặc tòa án, được quy định tại các Điều 317, 318, 319 Luật thương mại 2005:

"Điều 317. Hình thức giải quyết tranh chấp

1. Thương lượng giữa các bên.

2. Hoà giải giữa các bên do một cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân được các bên thỏa thuận chọn làm trung gian hoà giải.

3. Giải quyết tại Trọng tài hoặc Toà án.

Thủ tục giải quyết tranh chấp trong thương mại tại Trọng tài, Toà án được tiến hành theo các thủ tục tố tụng của Trọng tài, Toà án do pháp luật quy định.

Điều 318. Thời hạn khiếu nại

Trừ trường hợp quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 237 của Luật này, thời hạn khiếu nại do các bên thỏa thuận, nếu các bên không có thoả thuận thì thời hạn khiếu nại được quy định như sau:

1. Ba tháng, kể từ ngày giao hàng đối với khiếu nại về số lượng hàng hoá;

2. Sáu tháng, kể từ ngày giao hàng đối với khiếu nại về chất lượng hàng hoá; trong trường hợp hàng hoá có bảo hành thì thời hạn khiếu nại là ba tháng, kể từ ngày hết thời hạn bảo hành;

3. Chín tháng, kể từ ngày bên vi phạm phải hoàn thành nghĩa vụ theo hợp đồng hoặc trong trường hợp có bảo hành thì kể từ ngày hết thời hạn bảo hành đối với khiếu nại về các vi phạm khác.

Điều 319. Thời hiệu khởi kiện

Thời hiệu khởi kiện áp dụng đối với các tranh chấp thương mại là hai năm, kể từ thời điểm quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm, trừ trường hợp quy định tại điểm e khoản 1 Điều 237 của Luật này."

 

Bạn tham khảo để giải đáp thắc mắc của mình!

 

Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hộ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận luật sư trực tuyến của chúng tôi để được giải đáp: Tổng đài luật sư trực tuyến 1900.6169

  

Trân trọng

P. Luật sư trực tuyến – Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo