Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Bí mật kinh doanh quy định thế nào?

Hỏi: Tôi có một vấn đề liên quan đến bí mật kinh doanh kính mong Quý Công Ty giúp tôi giải đáp. Công ty tôi yêu cầu tôi ký Phụ lục hợp đồng như sau :(phụ lục bổ sung, HĐ LĐ đã ký năm 2010. Kính mong Quý Công ty phân tích những điểm đúng, sai theo quy định luật lao động giúp tôi.

“Điều 4a. Các thỏa thuận khác

1. Nghĩa vụ bảo mật

a. Người lao động cam kết giữ bí mật mọi thông tin mà Người lao động được biết trong quá trình làm việc với Người sử dụng lao động, bao gồm nhưng không giới hạn bởi các thông tin sau(“Thông tin Mật”):

- Mọi thông tin cá nhân về các khoản thu nhập hoặc lợi ích khác (nếu có) mà Người lao động chính thức được hưởng trong thời gian làm việc cho Người sử dụng lao động.

- Mọi thông tin về tình hình tài chính và hoạt động kinh doanh, quy trình, quy chế hoạt động, sản phẩm dịch vụ của Người sử dụng lao động và của khách hàng, nhà cung cấp của Người sử dụng lao động mà Người lao động nắm được trong thời gian làm việc cho Người sử dụng lao động.

- Các thông tin khác có thể ảnh hưởng tới hoạt động của Người sử dụng lao động

b. Người lao động thừa nhận và đồng ý rằng những Thông tin Mật như vậy là tài sản riêng của Người sử dụng lao động và không được sử dụng dưới bất kì hình thức nào, trừ khi có sự đồng ý bằng văn bản một cách rõ ràng của người sử dụng lao động.

c. Người lao động đồng ý sẽ thực hiện mọi hành động hoặc công việc cần thiết, ở mức độ hợp lý, để duy trì sự bảo mật với tất cả các thông tin của Người sử dụng lao động mà mình được biết.

d. Nghĩa vụ bảo mật của Người lao động theo khoản này vẫn còn hiệu lực ngay cả khi Hợp đồng lao động này đã chấm dứt. ?

2. Trừ khi có văn bản chấp thuận khác của Người sử dụng lao động tại bất kì thời điểm nào trong quá trình làm việc và 06 (sáu) tháng sau khi hết làm việc cho Người sử dụng lao động, Người lao động cam kết sẽ không, trực tiếp hoặc gián tiếp, với tư cách cá nhân hay nhân danh người khác :

- Lôi kéo, vận động, dụ dỗ hay khuyến khích bất kỳ nhân viên nào của Người sử dụng lao động thôi việc với Người sử dụng lao động;

- Lôi kéo, vận động, tiếp cận hoặc để bị tiếp cận bởi người hay công ty nào từng là khách hàng của Người sử dụng lao động vào bất kỳ thời điểm nào trong 06 (sáu) tháng sau cùng trong quá trình làm việc cho Người sử dụng lao động, vì mục đích lôi kéo việc kinh doanh của khách hàng đó;

- Can thiệp hoặc tìm cách can thiệp quan hệ giữa Người sử dụng lao động và khách hàng, nhà cung ứng, công ty tư vấn và các nhân viên của Người sử dụng lao động;hoặc

- Sử dụng tên theo bất kỳ cách nào mà có thể hoặc có khả năng gây nhầm lẫn với tên của Người sử dụng lao động liên quan đến việc kinh doanh của Người sử dụng lao động.

Người lao động xác nhận rằng các hạn chế và điều cấm này là hợp lý trong mọi trường hợp là cần thiết để bảo vệ công việc kinh doanh của Người sử dụng lao động.

3.       …………………………….

4. Người lao động cam kết chịu trách nhiệm cá nhân và/hoặc hợp tác với Công ty cùng giải quyết những thiệt hại xảy ra cho khách hàng và Công ty do lỗi của Người lao động trong suốt thời gian làm việc tại Công ty, kể cả khi Hợp đồng lao động này chấm dứt.”

Trong khi chờ đợi email (ý kiến) phản hồi từ VP luật sư, tôi xin chân thành cảm ơn

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Về việc giữ bí mật kinh doanh tại Điểm d, Khoản 1, Điều 4a phụ lục hợp đồng, theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi bổ sung 2009 thì điều kiện và đối tượng không được bảo hộ với danh nghĩa bí mật kinh doanh gồm:

Điều 84. Điều kiện chung đối với bí mật kinh doanh được bảo hộ

Bí mật kinh doanh được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:

1. Không phải là hiểu biết thông thường và không dễ dàng có được;

2. Khi được sử dụng trong kinh doanh sẽ tạo cho người nắm giữ bí mật kinh doanh lợi thế so với người không nắm giữ hoặc không sử dụng bí mật kinh doanh đó;

3. Được chủ sở hữu bảo mật bằng các biện pháp cần thiết để bí mật kinh doanh đó không bị bộc lộ và không dễ dàng tiếp cận được.

Điều 85. Đối tượng không được bảo hộ với danh nghĩa bí mật kinh doanh

Các thông tin bí mật sau đây không được bảo hộ với danh nghĩa bí mật kinh doanh:

1. Bí mật về nhân thân;

2. Bí mật về quản lý nhà nước;

3. Bí mật về quốc phòng, an ninh;

4. Thông tin bí mật khác không liên quan đến kinh doanh.

Theo quy định trên, nhưng thông tin liên quan đến cá nhân người lao động không phải là bí mật kinh doanh. Vì vậy người sử dụng lao động không buộc phải giữ bí mật về thông tin liên quan đến cá nhân mình.

Đối với những thông tin khác liên quan đến kinh doanh cuả người sử dụng lao động thì người lao động không đươc phép tiết lộ. Vì được Luật sở hữu trí tuệ bảo hộ nên những bí mật kinh doanh của doanh nghiệp là không được phép tiết lộ ngay cả người lao động đã thôi làm việc.

Quy định tại Khoản 2, Điểm 4a phụ lục hợp đồng quy định về thời gian sau khi làm việc, cá nhân người lao động không được có những hành vi nêu trên gây ảnh hưởng đến lợi ích cuả công ty. Về việc này, pháp luật chưa có điều khoản nào quy định về sau thời gian nghỉ việc bao lâu người lao động không được có các hành vi các hành vi như dụ dỗ, lôi kéo, vận động người khác đang làm việc cho công ty. Đây hoàn toàn dựa vào nội quy và quy định của công ty. Tuy nhiên những hành vi như trên nếu gây ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của người sử dụng lao động thì có thể sẽ bị khởi kiện hoặc bị truy tố trước pháp luật.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo