Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Tư vấn vấn đề mở phòng thuốc nam từ thiện

Chào luật sư! Tôi có một vấn đề đang thắc mắc liên quan đến việc mở phòng Thuốc Nam từ thiện rất mong các luật sự cho tôi một vài ý kiến.

 

Chúng tôi mở phòng thuốc nam từ thiện để giúp các bệnh nhân không có khả năng kinh tế với mục đích từ thiện (không lấy phí) có cần giấy tờ liên quan đến cơ quan pháp lý hay không? Có cần xin phép được cấp phép giấy mở phòng thuốc Nam không? Có cần xin phép viện Y học cổ truyền hay không? Tôi mong các luật sư cho xin ý kiến về vấn đề của tôi. Trân Trọng!

 

Trả lời:

Chào bạn. Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi cho Luật Minh Gia. Chúng tôi xin giải đáp thắc mắc của bạn như sau:

Căn cứ theo quy định tại Điều 3 Thông tư 30/2014/TT-BYT thì:

" Điều 3. Hình thức tổ chức hoạt động khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo

1. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo được tổ chức theo một trong các hình thức sau đây:

a) Bệnh viện bao gồm bệnh viện đa khoa, bệnh viện chuyên khoa, bệnh viện y học cổ truyền;

b) Phòng khám bệnh, chữa bệnh bao gồm phòng khám đa khoa, phòng khám chuyên khoa, phòng chẩn trị y học cổ truyền;

c) Nhà hộ sinh;

d) Phòng khám chẩn đoán hình ảnh, phòng xét nghiệm;

đ) Cơ sở dịch vụ y tế bao gồm cơ sở dịch vụ tiêm (chích), thay băng, đếm mạch, đo nhiệt độ, đo huyết áp, dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại nhà, dịch vụ cấp cứu, hỗ trợ vận chuyển người bệnh.

2. Đoàn khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo trong nước.

3. Đoàn khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo nước ngoài.

4. Đội khám bệnh, chữa bệnh chữ thập đỏ lưu động.

5. Cá nhân trong nước hoặc nước ngoài khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo"

Do vậy, theo quy định trên thì trước hết bạn muốn mở phòng khám thì bạn phải đăng ký kinh doanh có ngành nghề khám bệnh, chữa bệnh. Trường hợp, bạn sử dụng dưới mười lao động thì thành lập hộ kinh doanh. Hồ sơ, trình tư, thủ tục đăng ký hộ kinh doanh theo Điều 71 Nghị định 78/2015/NĐ- CP

Trường hợp bạn sử dụng từ mười lao động trở lên thì bạn phải đăng ký thành lập doanh nghiệp theo Luật doanh nghiệp. Hồ sơ, trình tự căn cứ theo loại hình doanh nghiệp bạn lựa chọn, Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp theo Điều 21, 22 và 23 Nghị định 78/2015/NĐ-CP.

Căn cứ theo quy định tại Điều 4 Thông tư 30/2014/TT- BYT thì:

Về điều kiện cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo là:

- Phòng khám nhân đạo phải đáp ứng đủ điều kiện về quy mô, cơ sở vật chất, tổ chức nhân sự, trang thiết bị y tế tương ứng với hình thức tổ chức quy định tại Mục 1 Chương III Thông tư số 41/2011/TT-BYT được Bộ Y tế hoặc Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây viết tắt là Sở Y tế) cấp giấy phép hoạt động.

- Biển hiệu của phòng khám nhân đạo phải ghi rõ là cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo.

- Có văn bản chứng minh có nguồn tài chính ổn định bảo đảm cho hoạt động phòng khám nhân đạo.

Về thẩm quyền cấp giấy phép hoặc cho phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo

- Thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động đối với phòng khám nhân đạo thực hiện theo quy định tại Điều 38 Thông tư số 41/2011/TT-BYT.

- Thẩm quyền cho phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo:

 + Bộ trưởng Bộ Y tế cho phép cá nhân, đoàn khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo trong nước, nước ngoài tổ chứckhám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực thuộc Bộ Y tế;

 + Lãnh đạo Bộ, ngành cho phép cá nhân, đoàn khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo trong nước, nước ngoài tổ chức khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc thẩm quyền quản lý;

+ Giám đốc Sở Y tế cho phép cá nhân, đoàn khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo trong nước, nước ngoài, đội khám bệnh, chữa bệnh chữ thập đỏ lưu động tổ chức khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc Sở Y tế và tại các địa điểm khác trên địa bàn quản lý trừ trường hợp thuộc thẩm quyền Bộ trưởng Bộ y tế.

Về hồ sơ, thủ tục đề nghị cấp giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo

- Đơn đề nghị cấp giấy phép hoạt động theo mẫu quy định;

- Bản sao có chứng thực giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân hoặc giấy chứng nhận đầu tư đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có vốn đầu tư nước ngoài;

- Bản sao có chứng thực chứng chỉ hành nghề của tất cả người hành nghề và danh sách người đăng ký hành nghề của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo mẫu quy định tại Phụ lục 6 ban hành kèm theo Thông tư này;

- Bản kê khai cơ sở vật chất, thiết bị y tế, của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo mẫu quy định ;

- Hồ sơ nhân sự của người làm việc chuyên môn y tế tại cơ sở nhưng không thuộc diện phải cấp chứng chỉ hành nghề;

- Tài liệu chứng minh cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đáp ứng điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị y tế, tổ chức nhân sự phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn của một trong các hình thức tổ chức quy định tại Mục 1 Chương III Thông tư 41/2014/TT- BYT;

- Bản sao có chứng thực hợp đồng với công ty dịch vụ hàng không để vận chuyển người bệnh đối với cơ sở dịch vụ cấp cứu, hỗ trợ vận chuyển người bệnh ra nước ngoài;

- Bản sao có chứng thực hợp đồng vận chuyển người bệnh đối với bệnh viện không có phương tiện vận chuyển cấp cứu;

- Dự kiến phạm vi hoạt động chuyên môn: Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đề xuất phạm vi hoạt động chuyên môn, danh mục kỹ thuật dự kiến thực hiện trên cơ sở danh mục kỹ thuật chuyên môn do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành.

Về phí,  lệ phí: Theo Thông tư số 03/2013/TT-BTC:  350.000 đồng/giấy phép.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Tư vấn vấn đề mở phòng thuốc nam từ thiện. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng
P.Luật sư trực tuyến – Công ty Luật Minh Gia

 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo