Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Tư vấn trường hợp hợp tác xã chuyển đổi thành công ty cổ phần

Thưa Luật sư, tôi có câu hỏi cần tư vấn như sau: 1/ Đơn vị Tôi đang công tác là một Hợp Tác Xã nay chúng tôi có ý định chuyển đổi sang hình thức công ty cổ phần được không? và chúng tôi cần làm những thủ tục như thế nào?

2/ Đơn vị tôi thành lập năm 2004, tiếp nhận vốn ban đầu của 4000 xã viên (nhân dân) là 537 triệu đồng. Đến nay tổng tài sản của HTX là 3 tỉ đồng và chúng tôi có ý định trả vốn lại cho xã viên thì chúng tôi cần phải làm những thủ tục như thế nào? Rất mong Luật sư tư vấn giúp. Chúng tôi chân thành cảm ơn!

 

Trả lời: Chào bạn, với câu hỏi của bạn chúng tôi xin trả lời như sau:

Thứ nhất, tại Luật doanh nghiệp 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành quy định về việc chuyển đổi loại hình doanh nghiệp bao gồm: công ty trách nhiệm hữu hạn thành công ty cổ phần; công ty cổ phần thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên; công ty cổ phần thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên; doanh nghiệp tư nhân thành công ty trách nhiệm hữu hạn. Theo đó, pháp luật không có quy định cho phép chuyển đổi từ loại hình hợp tác xã thành công ty cổ phần. Do đó, không thể chuyển sang hình thức công ty cổ phần.

Thứ hai, về việc trả lại vốn cho các xã viên.

Theo quy định tại điều 18 Luật hợp tác xã 2012:

" Điều 18.  Trả lại, thừa kế vốn góp 

1. Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trả lại vốn góp cho thành viên, hợp tác xã thành viên khi chấm dứt tư cách thành viên, hợp tác xã thành viên hoặc trả lại phần vốn vượt quá mức vốn góp tối đa khi vốn góp của thành viên, hợp tác xã thành viên vượt quá mức vốn tối đa quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 17 của Luật này.

2. Trường hợp thành viên là cá nhân chết thì người thừa kế nếu đáp ứng đủ điều kiện của Luật này và điều lệ, tự nguyện tham gia hợp tác xã thì trở thành thành viên và tiếp tục thực hiện các quyền, nghĩa vụ của thành viên; nếu không tham gia hợp tác xã thì được hưởng thừa kế theo quy định của pháp luật.

Trường hợp thành viên là cá nhân bị Tòa án tuyên bố mất tích, việc trả lại vốn góp và quản lý tài sản của người mất tích được thực hiện theo quy định của pháp luật.

3. Trường hợp thành viên là cá nhân bị Tòa án tuyên bố bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự thì vốn góp được trả lại thông qua người giám hộ.

4. Trường hợp thành viên là pháp nhân, hợp tác xã thành viên bị chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, giải thể, phá sản thì việc trả lại, kế thừa vốn góp được thực hiện theo quy định của pháp luật.

5. Trường hợp vốn góp của thành viên là cá nhân không có người thừa kế, người thừa kế từ chối nhận thừa kế hoặc bị truất quyền thừa kế thì vốn góp được giải quyết theo quy định của pháp luật.

6. Trường hợp người thừa kế tự nguyện để lại tài sản thừa kế cho hợp tác xã thì vốn góp đó được đưa vào tài sản không chia của hợp tác xã."

Như vậy, xã viên được trả lại vốn góp trong các trường hợp: 

 – Chấm dứt tư cách thành viên khi:

+ Thành viên là cá nhân chết, bị Tòa án tuyên bố là đã chết, mất tích, bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị kết án phạt tù theo quy định của pháp luật;

+ Thành viên là hộ gia đình không có người đại diện hợp pháp theo quy định của pháp luật; thành viên là pháp nhân bị giải thể, phá sản; hợp tác xã thành viên của liên hiệp hợp tác xã bị giải thể, phá sản;

+ Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã bị giải thể, phá sản;

+ Thành viên, hợp tác xã thành viên tự nguyện ra khỏi hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;

+ Thành viên, hợp tác xã thành viên bị khai trừ theo quy định của điều lệ;

+ Thành viên, hợp tác xã thành viên không sử dụng sản phẩm, dịch vụ trong thời gian liên tục theo quy định của điều lệ nhưng không quá 03 năm. Đối với hợp tác xã tạo việc làm, thành viên không làm việc trong thời gian liên tục theo quy định của điều lệ nhưng không quá 02 năm;

+ Tại thời điểm cam kết góp đủ vốn, thành viên, hợp tác xã thành viên không góp vốn hoặc góp vốn thấp hơn vốn góp tối thiểu quy định trong điều lệ;

+ Trường hợp khác do điều lệ quy định.

– Trả lại phần vốn vượt quá mức vốn góp tối đa khi vốn góp của thành viên, hợp tác xã thành viên vượt quá mức vốn tối đa quy định.

Về trình tự trả lại vốn góp được quy định tại Điều 51 Luật hợp tác xã 2012:

" Điều 51. Trình tự trả lại vốn góp

1. Việc trả lại vốn góp cho thành viên, hợp tác xã thành viên chỉ được thực hiện sau khi hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã đã quyết toán thuế của năm tài chính và bảo đảm khả năng thanh toán các khoản nợ, nghĩa vụ tài chính của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

Thành viên, hợp tác xã thành viên chỉ được trả lại vốn góp sau khi đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính của mình đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

Cá nhân hoặc tập thể quyết định việc trả lại vốn góp cho thành viên, hợp tác xã thành viên không đúng quy định tại khoản này phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

2. Việc trả lại vốn góp cho thành viên, hợp tác xã thành viên do điều lệ quy định, phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều này và các quy định của pháp luật có liên quan."

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Tư vấn trường hợp hợp tác xã chuyển đổi thành công ty cổ phần. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng
P.Luật sư trực tuyến – Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo