Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Tư vấn trả cổ tức và rút vốn góp trong công ty cổ phần

Thưa luật sư, anh trai tôi là cổ đông sáng lập 1 công ty, vai trò Tổng giám đốc, thành lập đầu năm 2015, công ty đang làm ăn tốt lợi nhuận cao. Tuy nhiên, gần đây Chủ tịch công ty với tỷ lệ cổ phần trên 70% đã thay đổi nội bộ công ty: - Thay anh tôi làm Tổng giám đốc - Thay đổi bộ máy kế toán ... là người thân thiết.

 Huy động thêm nhiều bạn hàng góp vốn - Có chủ chương sát nhập một số công ty riêng làm ăn kém hiệu quả của chủ tịch vào công ty. - Hàng nhập khẩu từ Trung Quốc về trước đây hầu như chủ tịch đút túi trên dưới 10% giá trị hàng khi thông qua đơn vị nhập khẩu ủy thác trung gian (công ty của người nhà chủ tịch) Phân tích nhiều điểm thấy thực sự không an toàn và ít lợi nhuận trong tương lai. Có một số điểm tôi cần tư vấn có giải pháp có lợi, chắc chắn cho anh tôi:

1) Đã chốt lợi nhuận đến 28/2/2016 kế toán mới cũ, chủ tđều ký nhận. Chủ tịch ký 1 bản xác nhận riêng cho anh tôi trước ngày 10/4/2016 sẽ trả cổ tức 2 tỷ. Đầu tháng 4/2016 kế toán lại gửi nội dung điền chỉnh lợi nhuận của anh tôi giảm xuống còn 1.9 tỷ (chưa ai xác nhận số liệu). Việc đề cập thay đổi số liệu này có làm kéo dài thời gian thanh toán cổ tức? Nếu trước 10/4/2016 có dấu hiệu công ty trốn tránh thì tôi cần hành động như thế nào?

2) Theo luật doanh nghiệp cổ đông sáng lập sau 3 năm mới được rút vốn nếu không chuyển nhượng được cho ai theo qui định của pháp luật. Vốn hiện tại của anh tôi là 1.2 tỷ, có biện pháp nào để bảo toàn vốn không? Tôi quan tâm đến phương án, căn cứ pháp lý để sớm nhận được lợi nhuận và rút vốn hoặc bảo toàn vốn. 

Tôi xin chân thành cảm ơn!

 

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã quan tâm và gửi câu hỏi về cho chúng tôi. Vấn đề của bạn chúng tôi như sau : 

Khoản 1 Điều 132 Luật doanh nghiệp 2014 có quy định về vấn đề trả cổ tức đối với các cổ phần ưu đãi như sau: “Cổ tức trả cho cổ phần ưu đãi được thực hiện theo các điều kiện áp dụng riêng cho mỗi loại cổ phần ưu đãi”. Theo quy định tại Khoản 2 Điều 113 Luật doanh nghiệp 2014 thì trong một công ty cổ phần có các loại cổ phần ưu đãi sau:

“a) Cổ phần ưu đãi biểu quyết;

b) Cổ phần ưu đãi cổ tức;

c) Cổ phần ưu đãi hoàn lại;

d) Cổ phần ưu đãi khác do Điều lệ công ty quy định.”

Tùy thuộc vào đặc điểm của từng loại cổ phần ưu đãi mà mức cổ tức trả cho mỗi loại cổ phần ưu đãi này sẽ là khác nhau.

Đối với cổ phần phổ thông thì cổ tức trả cho cổ phần phổ thông sẽ được xác định căn cứ vào số lợi nhuận ròng đã thực hiện và khoản chi trả cổ tức được trích từ nguồn lợi nhuận giữ lại của công ty. Theo quy định tại Khoản 2 Điều 132 Luật doanh nghiệp 2014 thì công ty cổ phần chỉ được trả cổ tức của cổ phần phổ thông khi có đủ các điều kiện sau đây:

“a) Công ty đã hoàn thành nghĩa vụ thuế và các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật;

b) Đã trích lập các quỹ công ty và bù đắp đủ lỗ trước đó theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty;

c) Ngay sau khi trả hết số cổ tức đã định, công ty vẫn bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác đến hạn.”

Như vậy, căn cứ vào điểm c Khoản 2 Điều 132 Luật doanh nghiệp 2014 thì có thể thấy tùy vào tiềm lực của công ty; nếu sau khi trả hết số cổ tức cho các cổ đông mà công ty vẫn đảm bảo thanh toán đủ các khoản nợ cho khách hàng thì việc công ty vẫn còn nợ của khách hàng sẽ không ảnh hưởng đến việc công ty chia cổ tức. Còn nếu như công ty sau khi trả cổ tức mà không có khả năng thanh toán nợ cho khách hàng thì: “các cổ đông phải hoàn trả cho công ty số tiền, tài sản khác đã nhận; trường hợp cổ đông không hoàn trả được cho công ty thì tất cả thành viên Hội đồng quản trị phải cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi giá trị số tiền, tài sản đã trả cho cổ đông mà chưa được hoàn lại.” (Điều 133 Luật doanh nghiệp 2014).

Như vậy, về nguyên tắc cổ đông chỉ được nhận cổ tức khi công ty kinh doanh có lãi, đã hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế và các nghĩa vụ tài chính khác theo qui định, và ngay khi trả hết số cổ tức đã định, công ty vẫn bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác đến hạn phải trả.

Việc chi trả cổ tức như thế nào sẽ do đại hội đồng cổ đông (là cơ quan quyết định cao nhất của công ty cổ phần, họp ít nhất một lần/năm) quyết định, và ông với tư cách một cổ đông sẽ được quyền tham dự và biểu quyết tại đại hội đồng cổ đông này, cũng như phải được thông báo về việc chi trả cổ tức của công ty.

Do vậy, trường hợp công ty của anh bạn chậm chi trả cổ tức hoặc trốn tránh trách nhiệm trả cổ tức theo quy định của pháp luật anh bạn nên trực tiếp liên lạc hoặc có văn bản gửi đến công ty để yêu cầu trả lời về việc chia cổ tức hằng năm như nói trên cũng như yêu cầu công ty trả cổ tức cho bạn theo đúng quy định của pháp luật. Hiện nay pháp luật doanh nghiệp cũng như các văn bản pháp luật liên quan không có quy định rõ ràng về chế tài xử phạt đối với doanh nghiệp là công ty cổ phần khi chậm trả, hoặc trốn tránh trách nhiệm chi trả cổ tức cho cổ đông. Tuy nhiên hiện nay, cổ đông khi có các bằng chứng chứng minh doanh nghiệp vi phạm các quy định về trả cổ tức thì có thể khởi kiện tại tòa án để bảo vệ quyền lợi của mình. Mặt khác trường hợp nếu doanh nghiệp chậm trả cổ tức, cổ đông có thể yêu cầu tòa án buộc doanh nghiệp phải trả thêm phần lãi chậm trả cổ tức, và trên cơ sở các chứng lý mà nguyên đơn đưa ra, tòa án sẽ đưa ra phán quyết về vấn đề này theo quy định của pháp luật dân sự, cũng như các quy định pháp lý liên quan. Do đó, quyền và lợi ích hợp pháp của các cổ đông sẽ được bảo vệ theo quy định của pháp luật.

Vấn đề bạn hỏi có biện pháp nào để bảo toàn vốn cho anh bạn hay không?

Về nguyên tắc, cổ đông sáng lập không được rút vốn đã góp ra khỏi công ty dưới mọi hình thức, trừ trường hợp được công ty hoặc người khác mua lại cổ phần. 

Trường hợp có cổ đông rút một phần hoặc toàn bộ vốn cổ phần đã góp trái với quy định thì thành viên Hội đồng quản trị và người đại diện theo pháp luật của công ty phải cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi giá trị cổ phần đã bị rút. 

Như vậy, anh bạn chỉ có thể “rút” vốn bằng cách yêu cầu công ty mua lại số cổ phần của mình hoặc chuyển nhượng cổ phần cho cổ đông sáng lập hoặc người khác theo quy định.

Hiện nay, theo nội dung đã trình bày thì Công ty của anh bạn mới chỉ thành lập được khoảng một năm, nên việc chuyển nhượng cổ phần của anh bạn phải thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 119 Luật doanh nghiệp 2014, cụ thể: “Trong thời hạn 3 năm, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, cổ đông sáng lập có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần phổ thông của mình cho cổ đông sáng lập khác, nhưng chỉ được chuyển nhượng cổ phần phổ thông của mình cho người không phải là cổ đông sáng lập nếu được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông”. 

Sau thời hạn 3 năm, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, các hạn chế đối với cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập đều được bãi bỏ, khi đó cổ đông sáng lập mới có thể tự do chuyển nhượng cổ phần của mình. 

Theo đó thì anh bạn chỉ có thể bảo toàn vốn bằng cách yêu cầu công ty mua lại số cổ phần của mình hoặc chuyển nhượng cổ phần cho cổ đông sáng lập hoặc người khác theo quy định của pháp luật doanh nghiệp.

Về vấn đề trường hợp của anh bạn nếu phát sinh khởi kiện thì bạn có thể liên hệ trao đổi trực tiếp qua tổng đài điện thoại tư vấn của công ty Luật Minh Gia theo số: 1900.6169 hoặc tới văn phòng của công ty Luật Minh Gia để luật sư có thể xem xét hồ sơ, giấy tờ đối với trường hợp của anh bạn và tư vấn đưa ra những phương hướng giải quyết chính xác và có lợi nhất.

 

Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hộ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận luật sư trực tuyến của chúng tôi để được giải đáp: ( Tổng đài luật sư trực tuyến 1900.6169 )
 

Trân trọng
P.Luật sư trực tuyến – Công ty Luật Minh Gia 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo