Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Tư vấn thực hiện thủ tục xuất khẩu gạo theo pháp luật hiện hành

Hiện nay, mặt hàng gạo đang trở nên “có giá”, tạo điểm nhấn cho nhóm hàng nông lâm thủy sản khi xuất khẩu tăng cả lượng và giá trị. Các doanh nghiệp đang dần thiết lập mở rộng thị trường gạo cao cấp nhằm đa dạng hóa nhu cầu, nâng cao chất lượng sản phẩm, hiệu quả sản xuất- kinh doanh, hạn chế phụ thuộc quá lớn vào một vài thị trường gần, tận dụng lợi thế các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên mang lại. Luật Minh Gia gửi tới quý khách hàng bài viết về thủ tục xuất khẩu gạo.

 

Thứ nhất, thương nhân kinh doanh phải đáp ứng đủ Điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo theo Điều 4 của Nghị định 109/2010/NĐ-CP ;

1. Thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo phải đáp ứng đủ các điều kiện sau:

a) Được thành lập, đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật.

b) Có ít nhất 01 (một) kho chuyên dùng với sức chứa tối thiểu 5.000 (năm nghìn) tấn thóc, phù hợp quy chuẩn chung do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành.

c) Có ít nhất 01 (một) cơ sở xay, xát thóc, gạo với công suất tối thiểu 10 tấn thóc/giờ, phù hợp quy chuẩn chung do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành.

2. Kho chứa, cơ sở xay, xát quy định tại Điều này phải thuộc sở hữu của thương nhân và phải nằm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thóc, gạo hàng hóa xuất khẩu hoặc có cảng biển quốc tế có hoạt động xuất khẩu thóc, gạo tại thời điểm thương nhân đề nghị cấp Giấy chứng nhận.

Thứ hai, khi đáp ứng đủ các điều kiện trên thì thương nhân kinh doanh có quyền đề nghị đăng ký kinh doanh Xuất khẩu gạo. Khi đó, Sở Công thương tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, xác nhận kho chứa, cơ sở xay, xát trên địa bàn theo mẫu quy định tại Phụ lục IV, Phụ lục V kèm theo Nghị định này trong thời hạn tối đa là 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề nghị bằng văn bản của thương nhân và các giấy tờ, tài liệu liên quan.

Về quy trình, thủ tục đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 109/2010/NĐ-CP;

- Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận gồm:

a) Đơn đề nghị theo mẫu quy định tại Phụ lục I kèm theo Nghị định này.

b) Bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đầu tư.

c) Bản chính bản kê kho chứa, bản chính bản kê cơ sở xay, xát theo mẫu quy định tại Phụ lục IV, Phụ lục V kèm theo Nghị định này đã được Sở Công thương tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xác nhận theo quy định tại Nghị định này.

- Trong thời hạn 15 (mười lăm) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Công thương xem xét, cấp Giấy chứng nhận theo mẫu quy định tại Phụ lục II kèm theo Nghị định này.

Trường hợp không cấp Giấy chứng nhận, Bộ Công thương phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

- Giấy chứng nhận có thời hạn hiệu lực là 05 (năm) năm, kể từ ngày cấp. Khi Giấy chứng nhận hết hiệu lực, thương nhân phải đề nghị cấp Giấy chứng nhận mới để được tiếp tục kinh doanh xuất khẩu gạo.

- Việc cấp Giấy chứng nhận mới cho thương nhân để thay thế Giấy chứng nhận sắp hết hiệu lực được thực hiện như sau:

a) Tối thiểu 30 (ba mươi) ngày trước ngày hết hiệu lực của Giấy chứng nhận, thương nhân gửi hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận mới đến Bộ Công thương, hồ sơ gồm:

- Các giấy tờ theo quy định tại khoản 2 Điều này.

- Bản chính Giấy chứng nhận đã được cấp. Trường hợp không còn bản chính do bị thất lạc, bị hư hỏng hoặc bị tiêu hủy, thương nhân phải có báo cáo giải trình và nêu rõ lý do.

- Bản báo cáo hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo theo mẫu quy định tại Phụ lục VI kèm theo Nghị định này.

b) Thời hạn xem xét, cấp Giấy chứng nhận mới cho thương nhân thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều này.

Hồ sơ, thủ tục đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo quy định tại Điều 3 Thông tư số 44/2010/TT-BCT như sau:

1. Hồ sơ đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo gồm:

a) Văn bản đề nghị đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo.

b) Bản chính hoặc bản sao hợp lệ hợp đồng xuất khẩu gạo đã được ký kết.

c) Bản chính báo cáo lượng thóc, gạo có sẵn, trong đó nêu rõ tổng lượng thóc, gạothương nhân có sẵn trong kho; địa chỉ cụ thể và lượng thóc gạo có trong mỗi kho chứa thóc, gạo của thương nhân.

d) Bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo còn hiệu lực (sau đây viết tắt là Giấy chứng nhận), khi đăng ký hợp đồng lần đầu.

đ) Trường hợp để được ưu tiên theo quy định tại khoản 2 Điều 18 Nghị định số109/2010/NĐ-CP của Chính phủ, thương nhân nộp thêm văn bản đề nghị ưu tiên và báo cáo tổng hợp việc mua thóc, gạo trực tiếp thông qua hợp đồng tiêu thụ nông sản ký với người sản xuất kèm theo các chứng từ liên quan để chứng minh.

2. Trình tự, thủ tục đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo thực hiện theo quy định tại Điều 17 Nghị định số 109/2010/NĐ-CP của Chính phủ..

Thương nhân nộp hồ sơ đăng ký hợp đồng trực tiếp hoặc gửi theo đường bưu điện bảo đảm (hoặc chuyển phát nhanh) đến Hiệp hội Lương thực Việt Nam. Hiệp hội Lương thực Việt Nam có trách nhiệm thực hiện việc đăng ký, xác nhận trực tiếp vào từng trang của hợp đồng xuất khẩu gạo của thương nhân theo quy định tại Nghị định số 109/2010/NĐ-CPcủa Chính phủ và quy định tại Thông tư này.

3. Việc ưu tiên đăng ký trước theo quy định tại khoản 2 Điều 18 Nghị định số 109/2010/NĐ-CP của Chính phủ được thực hiện như sau:

a) Trường hợp hồ sơ đăng ký hợp đồng đáp ứng các tiêu chí theo quy định thì được đăng ký ngay trong ngày tiếp nhận hồ sơ.

b) Trường hợp hồ sơ cần sửa đổi, bổ sung thì Hiệp hội Lương thực Việt Nam thông báo ngay cho thương nhân biết trong ngày tiếp nhận hồ sơ và đăng ký hợp đồng ngay trong ngày nhận được hồ sơ sửa đổi, bổ sung hợp lệ.

c) Trường hợp nhận được hồ sơ vào cuối ngày làm việc và không còn đủ thời gian để xử lý thì hồ sơ được ưu tiên phải được kiểm tra, xử lý trước các hồ sơ khác vào đầu ngày làm việc tiếp theo.

Về nội dung hợp đồng xuất khẩu gạo: Thực hiện theo Thông tư 44/2010/TT-BCT Quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 109/2010/NĐ-CP ngày 04 tháng 11 năm 2010 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo:

- Hợp đồng xuất khẩu gạo phải phù hợp với pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế và phải có các thông tin sau đây:

a) Tên, địa chỉ của Bên mua và Bên bán.

b) Tên hàng, số lượng, chủng loại, chất lượng, qui cách đóng gói, bao bì đóng gói. Tỷ lệ dung sai về số lượng không vượt quá mức cộng trừ năm phần trăm (± 5%).

c) Phương thức giao hàng, thời hạn giao hàng, cảng xếp hàng, cảng dỡ hàng; cảng chuyển tải (nếu có).

d) Giá cả, phương thức thanh toán, thời hạn thanh toán.

- Hợp đồng xuất khẩu gạo phải có điều khoản quy định về việc xuất khẩu gạo sang nước thứ 3 (điều khoản tái xuất) như sau:

a) Việc Bên mua tái xuất sang nước thứ 3 là nước hoặc vùng lãnh thổ có giao dịch hợp đồng tập trung với Việt Nam phải được sự đồng ý của Bên bán.

b) Bên bán chỉ được chấp thuận cho Bên mua tái xuất hoặc giao hàng sang nước thứ 3 là nước hoặc vùng lãnh thổ có giao dịch hợp đồng tập trung với Việt Nam trong thời gian quy định tại khoản 2 Điều 15 Thông tư này nếu được Bộ Công Thương chấp thuận bằng văn bản.

- Thời hạn giao lô hàng đầu tiên của hợp đồng xuất khẩu gạo không quá 90 (chín mươi) ngày, kể từ ngày hợp đồng xuất khẩu gạo được ký kết.

- Trường hợp có sự điều chỉnh nội dung hợp đồng đã đăng ký, thương nhân phải ký phụ lục hợp đồng và đăng ký phụ lục đó tại Hiệp hội Lương thực Việt Nam trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc, kể từ ngày phụ lục hợp đồng được ký kết.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Tư vấn thực hiện thủ tục xuất khẩu gạo theo pháp luật hiện hành. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng
P.Luật sư trực tuyến – Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo