Luật sư Việt Dũng

Tư vấn thủ tục pháp lý kinh doanh thực phẩm đông lạnh

Em xin kính chào công ty luật Minh Gia. Em có chút thắc mắc muốn nhận được sự tư vấn của quý công ty ạ. Hiện nay em đang sinh sống tại Bắc Ninh và em đang có ý định kinh doanh mặt hàng thực phẩm đông lạnh nhập khẩu. Nguồn hàng em dự định nhập từ một công ty bên Hà Nội. Hàng được nhập khẩu theo đường chính ngạch ạ.

 

1: kính mong quý công ty tư vấn giúp em về việc thành lập hộ kinh doanh cá thể ạ. Em cần đăng ký kinh doanh ở đâu và cần những giấy tờ thủ tục gì ạ. Em cần nộp loại thuế phí gì ạ. Hiện em đang thuê nhà trọ ạ.

2: em cần xin giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm ở đâu và cần những giấy tờ gì ạ?

3: Hàng đông lạnh là các loại thịt và sản phẩm từ động vật như tim heo, thịt heo, thịt trâu, thịt gà... trong quá trình nhập hàng từ Hà nội về Bắc Ninh em có cần xin giấy kiểm dịch không ạ ? ( công ty bên Hà Nội vận chuyển đến kho của em tại Bắc Ninh ).

4: trong quá trình kinh doanh em có phải xin giấy kiểm dịch thú y không ạ? Hiện em đã có giấy chứng nhận khám sức khỏe và giấy chứng nhận đã hoàn thành khóa tập huấn về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Kính mong quý công ty giúp đỡ, tư vấn giúp em để em có thể kinh doanh một cách hợp pháp. Kính chúc tất cả cán bộ và nhân viên công ty luôn mạnh khỏe, hạnh phuc. Chúc công ty luôn phát triển ổn định và bền vững. Mong nhận được phản hồi từ công ty trong thời gian sớm nhất. Em xin chân thành cảm ơn ạ !

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

1. Kính mong quý công ty tư vấn giúp em về việc thành lập hộ kinh doanh cá thể ạ. Em cần đăng ký kinh doanh ở đâu và cần những giấy tờ thủ tục gì ạ. Em cần nộp loại thuế phí gì ạ. Hiện em đang thuê nhà trọ ạ.

 

Theo Điều 66 Luật doanh nghiệp 2014 (LDN 2014) quy định về Hộ kinh doanh:

 

"1. Hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc một nhóm người gồm các cá nhân là công dân Việt Nam đủ 18 tuổi, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, hoặc một hộ gia đình làm chủ, chỉ được đăng kýkinh doanh tại một địa điểm, sử dụng dưới mười lao động và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh.

 

2. Hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối và những người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, làm dịch vụ có thu nhập thấp không phải đăng ký, trừ trường hợp kinh doanh các ngành, nghề có điều kiện, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định mức thu nhập thấp áp dụng trên phạm vi địa phương.

 

3. Hộ kinh doanh có sử dụng từ mười lao động trở lên phải đăng ký thành lập doanh nghiệp theo quy định".

 

Theo đó hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng kí hộ kinh doanh như sau:

 

- Hồ sơ gồm:

 

1. Cá nhân, nhóm cá nhân hoặc người đại diện hộ gia đình gửi Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh đến cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đặt địa điểm kinh doanh. Nội dung Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh gồm:

 

a) Tên hộ kinh doanh, địa chỉ địa điểm kinh doanh; số điện thoại, số fax, thư điện tử (nếu có);

 

b) Ngành, nghề kinh doanh;

 

c) Số vốn kinh doanh;

 

d) Số lao động;

 

đ) Họ, tên, chữ ký, địa chỉ nơi cư trú, số và ngày cấp Thẻ căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn hiệu lực của các cá nhân thành lập hộ kinh doanh đối với hộ kinh doanh do nhóm cá nhân thành lập, của cá nhân đối với hộ kinh doanh do cá nhân thành lập hoặc đại diện hộ gia đình đối với trường hợp hộ kinh doanh do hộ gia đình thành lập.

 

Kèm theo Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh phải có bản sao hợp lệ Thẻ căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn hiệu lực của các cá nhân tham gia hộ kinh doanh hoặc người đại diện hộ gia đình và bản sao hợp lệ biên bản họp nhóm cá nhân về việc thành lập hộ kinh doanh đối với trường hợp hộ kinh doanh do một nhóm cá nhân thành lập.

 

2. Khi tiếp nhận hồ sơ, cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện trao Giấy biên nhận và cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh cho hộ kinh doanh trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, nếu có đủ các điều kiện sau đây:

 

a) Ngành, nghề kinh doanh không thuộc danh mục ngành, nghề cấm kinh doanh;

 

b) Tên hộ kinh doanh dự định đăng ký phù hợp quy định tại Điều 73 Nghị định này;

 

c) Nộp đủ lệ phí đăng ký theo quy định.

 

Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện phải thông báo rõ nội dung cần sửa đổi, bổ sung bằng văn bản cho người thành lập hộ kinh doanh.

 

3. Nếu sau 03 ngày làm việc, kể từ ngày nộp hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh mà không nhận được Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh hoặc không nhận được thông báo yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh thi người đăng ký hộ kinh doanh có quyền khiếu nại theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

 

4. Định kỳ vào tuần làm việc đầu tiên hàng tháng, cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện gửi danh sách hộ kinh doanh đã đăng ký tháng trước cho cơ quan thuế cùng cấp, Phòng Đăng ký kinh doanh và cơ quan quản lý chuyên ngành cấp tỉnh.

 

- Số lượng hồ sơ: 01 bộ hồ sơ.

 

- Nơi nộp hồ sơ: Phòng đăng kí kinh doanh tại địa điểm kinh doanh của hộ kinh doanh.

 

Những loại thuế, phí mà bạn phải nộp:

 

Theo Thông tư số 176/2012/TT-BTC và Thông tư số 106/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính thì mức nộp lệ phí đăng kí hộ kinh doanh là 100 nghìn đồng/lần.

 

Thuế môn bài với 6 mức như sau:

 

Thu nhập trên 1,5 triệu đồng/tháng:  nộp thuế môn bài cả năm là 1 triệu đồng;

 

Thu nhập từ 1 – 1,5 triệu đồng/tháng: nộp thuế môn bài cả năm là 750.000 đồng;

 

Thu nhập từ trên 750.000đ – 1 triệu đồng/tháng: nộp thuế môn bài cản năm là 500.000 đồng;

 

Thu nhập từ trên 500.000 đồng – 750.000 đồng/tháng: nộp thuế môn bài cả năm là 300.000 đồng;

 

Thu nhập trên 300.000 – 500.000 đồng/tháng: nộp thuế môn bài cả năm là 100.000 đồng;

 

Thu nhập từ 300.000 đồng/tháng trở xuống, nộp thuế môn bài cả năm là 50.000 đồng.

 

Thuế giá trị gia tăng:

 

Theo luật Luật thuế giá trị gia tăng số 13/2008/QH12 đã được sửa đổi, bổ sung một số Điều theo Luật số 31/2013/QH13 và Luật số 106/2016/QH13 thì theo phương pháp thuế khoán, dựa trên doanh thu trong từng lĩnh vực, ngành, nghề để nộp thuế theo tỷ lệ:

 

- Phân phối, cung cấp hàng hoá: 1%.

- Dịch vụ, xây dựng không bao thầu nguyên vật liệu: 5%.

- Sản xuất, vận tải, dịch vụ có gắn với hàng hoá, xây dựng có bao thầu nguyên vật liệu: 3%.

- Hoạt động kinh doanh khác: 2%.

 

Thuế thu nhập cá nhân:

 

Theo Luật Thuế thu nhập cá nhân số 04/2007/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 26/2012/QH13 và Luật số 71/2014/QH13:

 

Cá nhân kinh doanh có doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống không phải nộp thuế TNCN.

 

Trường hợp còn lại, cá nhân kinh doanh nộp thuế dựa trên doanh thu đối với từng lĩnh vực, ngành, nghề sản xuất kinh doanh (theo phương pháp khoán):

 

  + Phân phối, cung cấp hàng hóa: 0,5%

 

  + Dịch vụ, xây dựng không bao thầu nguyên vật liệu: 2%.

 

    Riêng hoạt động cho thuê tài sản, đại lý bảo hiểm, đại lý xổ số, đại lý bán hàng đa cấp: 5%.

 

  + Sản xuất, vận tải, dịch vụ có gắn với hàng hóa, xây dựng có bao thầu nguyên vật liệu: 1,5%.

 

  + Hoạt động kinh doanh khác: 1%.

 

 

2. Em cần xin giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm ở đâu và cần những giấy tờ gì ạ?

 

Theo Điều 12 Nghị định 38/2012/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm:

 

“1. Việc cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm được thực hiện đối với từng cơ sở sản xuất, kinh doanh; từng nhà máy sản xuất độc lập tại một địa điểm (sau đây gọi tắt là cơ sở), trừ các trường hợp sau:

 

a) Sản xuất ban đầu nhỏ lẻ;

 

b) Kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ;

 

c) Bán hàng rong;

 

d) Kinh doanh thực phẩm bao gói sẵn không yêu cầu điều kiện bảo quản đặc biệt theo quy định”.

 

Trong trường hợp này do mô hình khinh doanh của bạn là hộ kinh doanh cá thể và là kinh doanh thực phầm nhỏ lẻ do vậy bạn không cần phải cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm.

 

3. Hàng đông lạnh là các loại thịt và sản phẩm từ động vật như tim heo, thịt heo, thịt trâu, thịt gà... trong quá trình nhập hàng từ Hà nội về Bắc Ninh em có cần xin giấy kiểm dịch không ạ ? (công ty bên Hà Nội vận chuyển đến kho của em tại Bắc Ninh ).

 

Do bạn không phải là người sản xuất hàng thực phẩm đông lạnh mà chỉ là nhập thực phẩm đông lạnh để bán lại nên bạn không cần xin giấy kiểm dịch mà bạn cần có giấy chứng nhận nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa.

 

4. Trong quá trình kinh doanh em có phải xin giấy kiểm dịch thú y không ạ? Hiện em đã có giấy chứng nhận khám sức khỏe và giấy chứng nhận đã hoàn thành khóa tập huấn về vệ sinh an toàn thực phẩm.

 

Như đã nói ở trên do bạn không phải là người sản xuất hàng thực phẩm đông lạnh mà chỉ là nhập thực phẩm đông lạnh để bán lại nên bạn không cần xin giấy kiểm dịch thú y mà bạn cần có giấy chứng nhận nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Tư vấn thủ tục pháp lý kinh doanh thực phẩm đông lạnh. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!

CV Trung Thị Quỳnh Anh – Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo