Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Tư vấn thủ tục góp vốn bằng tài sản

Chào luật sư Công ty Luật Minh Gia, tôi có thắc mắc về thủ tục góp vốn bằng tài sản vào thành lập doanh nghiệp, mong luật sư giải đáp giúp tôi các quy định của pháp luật về vấn đề này: tôi có tài sản cá nhân chiếc xe ô tô, bây giờ tôi muốn góp vốn vào thành lập công ty với người bạn, tôi cần chuẩn bị những giấy tờ gì? quy trình tôi thực hiện ra sao? Tôi xin cảm ơn!

  

Trả lời:

Chào bạn, Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Công ty Luật Minh Gia. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:

Theo khoản 4 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định:  Góp vốn là việc góp tài sản để tạo thành vốn điều lệ của công ty. Góp vốn bao gồm góp vốn để thành lập doanh nghiệp hoặc góp thêm vốn điều lệ của doanh nghiệp đã được thành lập.

Và tại Khoản 1 Điều 35 quy định: “Tài sản góp vốn có thể là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, giá trị quyền sử dụng đất, giá trị quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, các tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam”

Theo khoản 1 Điều 36 Luật doanh nghiệp 2014  cũng quy định rõ:

1. Thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh và cổ đông công ty cổ phần phải chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn cho công ty theo quy định sau đây:

a) Đối với tài sản có đăng ký hoặc giá trị quyền sử dụng đất thì người góp vốn phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản đó hoặc quyền sử dụng đất cho công ty tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Việc chuyển quyền sở hữu đối với tài sản góp vốn không phải chịu lệ phí trước bạ;

b) Đối với tài sản không đăng ký quyền sở hữu, việc góp vốn phải được thực hiện bằng việc giao nhận tài sản góp vốn có xác nhận bằng biên bản.

Biên bản giao nhận phải ghi rõ tên và địa chỉ trụ sở chính của công ty; họ, tên, địa chỉ thường trú, số Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác, số quyết định thành lập hoặc đăng ký của người góp vốn; loại tài sản và số đơn vị tài sản góp vốn; tổng giá trị tài sản góp vốn và tỷ lệ của tổng giá trị tài sản đó trong vốn điều lệ của công ty; ngày giao nhận; chữ ký của người góp vốn hoặc đại diện theo uỷ quyền của người góp vốn và người đại diện theo pháp luật của công ty;

c) Cổ phần hoặc phần vốn góp bằng tài sản không phải là tiền Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng chỉ được coi là thanh toán xong khi quyền sở hữu hợp pháp đối với tài sản góp vốn đã chuyển sang công ty.

Như vậy, cá nhân, tổ chức có thể góp vốn bằng tài sản (là ô tô) theo Điều lệ công ty để tạo thành vốn của công ty. Thủ tục này bao gồm 2 giai đoạn sau:

 Chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn (ô tô) từ người góp vốn sang tên công ty

 Đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, cụ thể: tăng vốn điều lệ.

Chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn (ô tô) từ người góp vốn sang tên công ty

Để tiến hành chuyển quyền sở hữu chiếc ô tô này, phải chuẩn bị:

Hợp đồng góp vốn (hoặc Biên bản góp vốn) giữa người góp vốn và Công ty bằng giá trị xe ô tô;

Lập Biên bản thỏa thuận giữa người góp vốn (chủ sở hữu) và doanh nghiệp (đối với Công ty TNHH 1 thành viên); Biên bản họp Hội đồng thành viên(đối với Công ty TNHH 2 thành viên trở lên, Công ty Hợp danh), Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị (đối  với Công ty Cổ phần) để tiến hành định giá tài sản góp vốn (ô tô); hoặc Biên bản thỏa thuận định giá giữa Tổ chức chuyên nghiệp định giá và Doanh nghiệp;

Giấy khai đăng ký xe (mẫu số 02 ban hành kèm theo Thông tư số 15/2014/TT-BCA) có cam kết của người đang sử dụng xe chịu trách nhiệm trước pháp luật về xe làm thủ tục đăng ký, có xác nhận về địa chỉ thường trú của người đang sử dụng xe của Công an xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là Công an cấp xã) nơi người đang sử dụng xe thường trú;

Chứng từ nộp lệ phí trước bạ xe theo quy định;

(Chú ý: Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 36 thì Việc chuyển quyền sở hữu đối với tài sản góp vốn không phải chịu lệ phí trước bạ; tuy nhiên vẫn phải tiến hành làm chứng từ theo quy định tại Cơ quan Thuế);

Giấy chứng nhận đăng ký xe. Trường hợp đăng ký sang tên xe khác tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì phải mang theo biển số xe (trường hợp bị mất giấy chứng nhận đăng ký xe hoặc biển số xe phải trình bày rõ lý do trong giấy khai đăng ký xe);

Bản sao Giấy CMND (hoặc Hộ chiếu) còn hiệu lực của người góp vốn; Giấy chứng nhận Đăng ký doanh nghiệp của Doanh nghiệp và Giấy chứng nhận mẫu dấu của Doanh nghiệp.

+ Khi chuẩn bị hồ sơ đầy đủ như trên, người đại diện theo pháp luật của Doanh nghiệp làm thủ tục đăng ký sang tên xe mang tên Công ty tại Cơ quan Đăng ký xe (Cảnh sát giao thông);

Lưu ý: Trong trường hợp không phải người đại diện theo pháp luật của Doanh nghiệp trực tiếp đến làm việc thì phải có Giấy giới thiệu hoặc Văn bản ủy quyền theo quy định của pháp luật của người đại diện theo pháp luật.

+ Cơ quan đăng ký xe tiếp nhận hồ sơ đăng ký sang tên xe, kiểm tra đủ thủ tục quy định, viết giấy hẹn cho người sử dụng xe.

+ Trong thời hạn hai (02) ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan đăng ký xe phải giải quyết cấp biển số, giấy chứng nhận đăng ký mang tên Công ty.

Đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, cụ thể: tăng vốn điều lệ

Sau khi hoàn thành thủ tục để đăng ký sang tên xe từ người góp vốn sang tên Công ty, Công ty phải tiến hành đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, cụ thể trong trường hợp này phải bổ sung Vốn điều lệ.

Thủ tục đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp:

Thành phần, số lượng hồ sơ:

Thành phần hồ sơ:

  • Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp (theo mẫu);
  • Quyết định bằng văn bản và bản sao Biên bản họp của Hội đồng thành viên (đối với Công ty TNHH 2 thành viên trở lên), của Đại hội đồng cổ đông (đối với Công ty Cổ phần) và của các thành viên hợp danh đối với Công ty Hợp danh; Quyết định của Chủ sở hữu công ty đối với Công ty TNHH 1 thành viên. Quyết định, Biên bản họp phải ghi rõ những nội dung được sửa đổi (cụ thể: tăng vốn điều lệ);
  • Hợp đồng góp vốn (hoặc Biên bản góp vốn) giữa người góp vốn và Công ty bằng giá trị xe ô tô;
  • Biên bản định giá đối với tài sản (ô tô);
  • Các giấy tờ, tài liệu khác kèm theo tướng ứng với việc thay đổi nội dung đăng ký:

+ Bản sao Điều lệ đã sửa đổi của Doanh nghiệp: Nội dung về Vốn điều lệ, cách thức Tăng vốn điều lệ và Hình thức góp vốn vào Công ty;

+ Bản chính Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;

+ Bản chính Giấy chứng nhận đăng ký thuế;

+ Bản chính hoặc Bản sao có công chứng, chứng thực Giấy chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiều (còn hiệu lực) của người đến nhận kết quả giải quyết hồ sơ.

Lưu ý: Nếu không phải người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp trực tiếp đến nhận kết quả thì phải có Giấy giới thiệu hoặc Giấy uỷ quyền theo quy định của pháp luật của người đại diện theo pháp luật cho người đến nhận kết quả.

Số lượng hồ sơ: 01 (bộ)

Trình tự thực hiện:

Bước 1: Tiếp nhận hồ sơ:

- Cá nhân, tổ chức: nộp hồ sơ tại Bộ phận “một cửa”, nộp phí, lệ phí (nếu có) và nhận giấy biên nhận-hẹn trả kết quả giải quyết hồ sơ.

- Sở KH&ĐT: tiếp nhận hồ sơ, trả giấy hẹn cho công dân, tổ chức.

Bước 2: Giải quyết hồ sơ:

+ Phòng Đăng ký kinh doanh thụ lý hồ sơ, xin ý kiến của các cơ quan liên quan (nếu cần) trong quá trình giải quyết.

+ Hoàn tất kết quả giải quyết hồ sơ và chuyển cho Bộ phận một cửa để trả cho công dân, doanh nghiệp.

Bước 3: Trả kết quả giải quyết hồ sơ:

+ Công dân nhận kết quả giải quyết hồ sơ tại bộ phận “một cửa”

 Thời hạn giải quyết: 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ giấy tờ hợp lệ

- Phí, lệ phí:

+ Lệ phí nộp Hồ sơ: 200.000 VNĐ

+  Lệ phí đăng công bố trên cổng thông tin điện tử quốc gia: 300.000 VNĐ

Kết quả giải quyết: Giấy chứng nhận đăng ký Doanh nghiệp.

 

Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hộ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận luật sư trực tuyến của chúng tôi để được giải đáp: ( Tổng đài luật sư trực tuyến 1900.6169 )
 

Trân trọng
P.Luật sư trực tuyến – Công ty Luật Minh Gia

  

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo