Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Tư vấn tài sản góp vốn trong công ty trách nhiệm hữu hạn

Hiền, Nhung, Minh, Ánh là những người không thuộc đối tượng bị cấm thành lập doanh nghiệp theo pháp luật hiện hành. Họ rủ nhau thành lập CTTNHH Sao Mai chuyên sản xuất, mua bán vật liệu xây dựng. Các sáng lập viên dự định góp vốn như sau:

 

- Hiền góp số tiền cho công ty thuê nhà tại phố Bạch Mai (Hà Nội) làm trụ sở giao dịch trong 10 năm

- Nhung góp một số máy móc, thiết bị dùng cho hoạt động kinh doanh của công ty

 - Minh góp bằng đô la Mỹ tương đương 700 triệu VND

- Ánh góp 200 triệu đồng bằng tiền mặt.

Sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, các thành viên tiến hành góp vốn vào công ty theo quy định của pháp luật. Để định giá tài sản góp vốn của Hiền và Nhung, 4 thành viên đã lập hội đồng định giá và nhất trí:

- Định giá số tiền thuê nhà tại phố Bạch Mai (Hà Nội) của Hiền để công ty sử dụng trong vòng 10 năm là 1 tỷ đồng (giá thuê nhà là 100 triệu đồng/năm)

- Định giá tài sản góp vốn của Nhung là 400 triệu đồng, trong khi giá thị trường của những tài sản này chỉ khoảng 200 triệu đồng.

Nhung đã làm thủ tục chuyển quyền sở hữu sang cho công ty. Minh cam kết góp bằng đô la Mỹ tương đương 700 triệu VND, nhưng trên thực tế mới góp được 500 triệu đồng; số vốn còn lại (tương đương 200 triệu đồng) các thành viên nhất trí để Minh góp trong vòng 1 năm kể từ ngày công ty được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

a. Các thành viên của công ty góp vốn bằng những loại tài sản như trên có hợp pháp không? Tại sao?

b. Trách nhiệm của các thành viên về việc định giá không chính xác giá trị tài sản góp vốn của Nhung? Phần chênh lệch giữa giá trị tài sản góp vốn của Nhung đã được định giá và giá thị trường được xử lý như thế nào?

c. Việc các thành viên công ty đồng ý cho Minh góp số vốn còn lại (200 triệu đồng) có hợp pháp không? Nếu Minh không góp đủ số vốn này theo đúng thời hạn Luật quy định thì xử lý như thế nào?

d. Xác định vốn điều lệ của CTTNHH Sao Mai và tỷ lệ phần vốn góp của các thành viên.

 

Trả lời:

 

Chào bạn! Cảm ơn bạn đã tin tưởng và lựa chọn công ty Luật Minh Gia. Về thắc mắc của bạn, chúng tôi xin được giải đáp như sau:

Thứ nhất, về tài sản góp vốn:

Căn cứ theo quy định tại Điều 35 Luật doanh nghiệp 2014 có quy định:

Điều 35. Tài sản góp vốn

1. Tài sản góp vốn có thể là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, giá trị quyền sử dụng đất, giá trị quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, các tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam.

2. Quyền sở hữu trí tuệ được sử dụng để góp vốn bao gồm quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và các quyền sở hữu trí tuệ khác theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ. Chỉ cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu hợp pháp đối với các quyền nói trên mới có quyền sử dụng các tài sản đó để góp vốn"

Như vậy, tài sản góp vốn của các thành viên trong trường hợp này là tiền thuê nhà, tiền mặt, đô la Mỹ và máy móc, thiết bị. Những tài sản này đều hợp pháp theo quy định trên.

 

Thứ hai, về định giá tài sản vốn góp:

Căn cứ điều 37 Luật doanh nghiệp 2014 quy định:

" Điều 37. Định giá tài sản góp vốn

1. Tài sản góp vốn không phải là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng phải được các thành viên, cổ đông sáng lập hoặc tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp định giá và được thể hiện thành Đồng Việt Nam.

2. Tài sản góp vốn khi thành lập doanh nghiệp phải được các thành viên, cổ đông sáng lập định giá theo nguyên tắc nhất trí hoặc do một tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp định giá. Trường hợp tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp định giá thì giá trị tài sản góp vốn phải được đa số các thành viên, cổ đông sáng lập chấp thuận.

Trường hợp tài sản góp vốn được định giá cao hơn so với giá trị thực tế tại thời điểm góp vốn thì các thành viên, cổ đông sáng lập cùng liên đới góp thêm bằng số chênh lệch giữa giá trị được định giá và giá trị thực tế của tài sản góp vốn tại thời điểm kết thúc định giá; đồng thời liên đới chịu trách nhiệm đối với thiệt hại do cố ý định giá tài sản góp vốn cao hơn giá trị thực tế.

3. Tài sản góp vốn trong quá trình hoạt động do chủ sở hữu, Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty hợp danh, Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần và người góp vốn thỏa thuận định giá hoặc do một tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp định giá. Trường hợp tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp định giá thì giá trị tài sản góp vốn phải được người góp vốn và doanh nghiệp chấp thuận.

Trường hợp nếu tài sản góp vốn được định giá cao hơn giá trị thực tế tại thời điểm góp vốn thì người góp vốn, chủ sở hữu, thành viên Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty hợp danh, thành viên Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần cùng liên đới góp thêm bằng số chênh lệch giữa giá trị được định giá và giá trị thực tế của tài sản góp vốn tại thời điểm kết thúc định giá; đồng thời, liên đới chịu trách nhiệm đối với thiệt hại do việc cố ý định giá tài sản góp vốn cao hơn giá trị thực tế."

Việc định giá tài sản góp vốn trên được thực hiện dựa trên nguyên tắc nhất trí giữa các thành viên sáng lập.  Do vậy, việc định giá tài sản góp vốn của Nhung cao hơn so với giá thực tế tại thời điểm góp vốn thì các thành viên sẽ cùng liên đới góp thêm bằng số chênh lệch giữa giá trị được định giá và giá trị thực tế của máy móc, thiết bị tại thời điểm kết thúc định giá; đồng thời liên đới chịu trách nhiệm đối với thiệt hại do cố ý định giá tài sản góp vốn cao hơn giá trị thực tế.

Thứ ba, về thời hạn góp vốn của Minh:

Theo quy định tại khoản 2 điều 48 Luật doanh nghiệp 2014, việc góp vốn của các thành viên của công ty TNHH 2 thành viên trở lên được quy định như sau:" Thành viên phải góp vốn phần vốn góp cho công ty đủ và đúng loại tài sản như đã cam kết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Thành viên công ty chỉ được góp vốn phần vốn góp cho công ty bằng các tài sản khác với loại tài sản đã cam kết nếu được sự tán thành của đa số thành viên còn lại. Trong thời hạn này, thành viên có các quyền và nghĩa vụ tương ứng với tỷ lệ phần vốn góp như đã cam kết góp."

Như vậy, kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh, các thành viên phải góp đủ số vốn trong vòng 90 ngày. Việc các thành viên đồng ý cho Minh góp 200 triệu trong vòng 1 năm là không đúng với quy định của pháp luật.

Tại Khoản 3 điều 48 Luật doanh nghiệp quy định:" Sau thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này mà vẫn có thành viên chưa góp hoặc chưa góp đủ số vốn đã cam kết thì được xử lý như sau:

a) Thành viên chưa góp vốn theo cam kết đương nhiên không còn là thành viên của công ty;

b) Thành viên chưa góp vốn đủ phần vốn góp như đã cam kết có các quyền tương ứng với phần vốn góp đã góp;

c) Phần vốn góp chưa góp của các thành viên được chào bán theo quyết định của Hội đồng thành viên."

Như vậy, nếu Minh không góp đủ số vốn cam kết trong thời hạn thì chỉ có các quyền với số vốn đã góp là 500 triệu đồng và 200 triệu đồng còn lại sẽ được chào bán theo quyết định của Hội đồng thành viên.

Thứ tư, về xác định vốn điều lệ của công ty:

Căn cứ theo quy định tại khoản 29 điều 4 Luật doanh nghiệp 2014:" Vốn điều lệ là tổng giá trị tài sản do các thành viên đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; là tổng giá trị mệnh giá cổ phần đã bán hoặc đã được đăng ký mua khi thành lập doanh nghiệp đối với công ty cổ phần".

Căn cứ theo quy định tại Khoản 4 Điều 48 Luật doanh nghiệp 2014 thì: " Trường hợp có thành viên chưa góp hoặc chưa góp đủ số vốn đã cam kết, công ty phải đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ, tỷ lệ phần vốn góp của các thành viên bằng số vốn đã góp trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày cuối cùng phải góp vốn đủ phần vốn góp theo khoản 2 Điều này. Các thành viên chưa góp vốn hoặc chưa góp đủ số vốn đã cam kết phải chịu trách nhiệm tương ứng với phần vốn góp đã cam kết đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty phát sinh trong thời gian trước ngày công ty đăng ký thay đổi vốn điều lệ và phần vốn góp của thành viên".

Theo đó, vốn điều lệ của CTTNHH Sao Mai là tổng giá trị tài sản các thành viên cam kết góp khi thành lập công ty, được tình như sau: 

Vốn điều lệ = 1 tỷ + 400 triệu + 200 triệu + 500 triệu = 2,1 tỷ đồng

Theo quy định tại khoản 21 điều 4 Luật doanh nghiệp: "  Tỷ lệ phần vốn góp là tỷ lệ giữa phần vốn góp của một thành viên và vốn điều lệ của công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh."

Như vậy, tỉ lệ vốn góp của các thành viên trong công ty TNHH Sao Mai lần lượt là:  tỉ lệ phần vốn góp của Hiền là 47,62 %, của Nhung là 19,04 %, của Minh là 23,81%, của Ánh là 9,52%.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Tư vấn tài sản góp vốn trong công ty trách nhiệm hữu hạn. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng
P.Luật sư trực tuyến – Công ty Luật Minh Gia

 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo