Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Tư vấn mở công ty liên doanh du lịch quốc tế

Chào luật Minh Gia, tôi có câu hỏi muốn được giải đáp: Tôi là giám đốc– người đại diện pháp luật của một công ty TNHH ba thành viên kinh doanh du lịch lữ hành quốc tế, đã có giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế. Một trong các đối tác khách hàng của chúng tôi ở Thailand muốn hợp tác với chúng tôi mở một công ty liên doanh du lịch quốc tế. hoạt động độc lập với công ty hiện nay của chúng tôi.

 

Công ty liên doanh này chuyên tổ chức tours cho các đoàn khách đến Việt Nam từ đối tác Thailand. Chúng tôi mong được tư vấn trong các vấn đề sau:

1/ Ưu – nhược điểm của hình thức liên doanh này đối với Công ty của chúng tôi là gì?

2/Thủ tục thành lập công ty liên doanh kinh doanh lữ hành quốc tế này?

3/ Xin tư vấn hình thức góp vốn của công ty này cho phía chúng tôi (công ty Việt Nam) và bên đối tác (công ty Thailand)? 

 

Trả lời:

 

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Công ty Luật Minh Gia. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:

Thứ nhất về ưu và nhược của công ty liên doanh: 

- Ưu điểm: đem lại nhiều lợi thế cho cả nhà đầu tư Việt Nam và nhà đầu tư nước ngoài. Đối với các nhà đầu tư Việt Nam, khi tham gia doanh nghiệp liên doanh, ngoài việc tượng phân chia lợi nhuận theo tỷ lệ vốn góp, nhà đầu tư Việt Nam còn có điều kiện tiếp cận với công nghệ hiện đại, phong cách và trình độ quản lý kinh tế tiên tiến. Đối với bên nước ngoài, lợi thế được hưởng là được đảm bảo khả năng thành công cao hơn do môi trường kinh doanh, pháp lý hoàn toàn xa lạ, nếu không có bên Việt Nam thì sẽ gặp nhiều khó khăn. Đối với các tổ chức nhỏ với việc thiếu nguồn tài chính và hoặc khả năng quản lý chuyên môn thì liên doanh có thể là một biện pháp hữu hiệu để có được nguồn vốn cần thiết khi thâm nhập vào thị trường, đặc biệt với ngành du lịch.

- Nhược điểm: có sự ràng buộc chặt chẽ trong một pháp nhân chung giữa các bên hoàn toàn khác nhau không chỉ về ngôn ngữ mà còn về truyền thống, phong tục, tập quán, phong cách kinh doanh, do vậy có thể phát sinh những mâu thuẫn không dễ gì giải quyết. 

Thứ hai, để thành lập được công ty liên doanh du lịch quốc tế cần đáp ứng điều kiện quy định tại điều 51 Luật du lịch năm 2005:

Điều 51. Doanh nghiệp kinh doanh lữ hành có vốn đầu tư nước ngoài

1. Doanh nghiệp nước ngoài được kinh doanh lữ hành tại Việt Nam theo hình thức liên doanh hoặc hình thức khác phù hợp với quy định và lộ trình cụ thể trong điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Trong trường hợp liên doanh thì phải liên doanh với doanh nghiệp Việt Nam có giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế.

2. Doanh nghiệp kinh doanh lữ hành có vốn đầu tư nước ngoài phải bảo đảm các điều kiện kinh doanh lữ hành quốc tế quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 46 của Luật này; có các quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế quy định tại các điều 39, 40 và 50 của Luật này, phù hợp với phạm vi kinh doanh lữ hành quốc tế ghi trong giấy phép đầu tư, đó là các điều kiện: 

- Có phương án kinh doanh lữ hành; có chương trình du lịch cho khách quốc tế theo phạm vi  kinh doanh;

- Người điều hành hoạt động kinh doanh lữ hành quốc tế phải có ít nhất 4 năm hoạt động trong lĩnh vực lữ hành;

- Có ít nhất 3 hướng dẫn viên được cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch quốc tế;

-  Có tiền ký quỹ theo quy định của chính phủ.

>>Nhà đầu tư trong nước và nước ngoài phải đáp ứng đủ các điều kiện kể trên mới được thành lập công ty liên doanh kinh doanh trong lĩnh vực du lịch. Có thể thấy,về phía công ty của bạn, đã thỏa mãn điều kiện có giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế. Còn về phía nhà đầu tư nước ngoài, bạn không cung cấp thông tin rõ nên: trường hợp không đáp ứng yêu cầu trên thì không được thành lập công ty liên doanh; nếu đáp ứng yêu cầu thì được thành lập công ty liên doanh trong lĩnh vực du lịch.

Về hồ sơ, thủ tục: căn cứ quy định điều 48 Luật du lịch, hồ sơ đề nghị cấp giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế bao gồm:

a) Đơn đề nghị cấp giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế;

b) Bản sao giấy đăng ký kinh doanh, phương án kinh doanh lữ hành, chương trình du lịch cho khách quốc tế, giấy tờ chứng minh thời gian hoạt động của người điều hành hoạt động kinh doanh lữ hành, bản sao thẻ hướng dẫn viên và hợp đồng của hướng dẫn viên với doanh nghiệp lữ hành, giấy chứng nhận tiền ký quỹ.

Thủ tục cấp giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế được quy định như sau:

a) Doanh nghiệp gửi hồ sơ đề nghị cấp giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế đến cơ quan nhà nước về du lịch cấp tỉnh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính;

b) Trong thời hạn mười ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan nhà nước về du lịch cấp tỉnh hoàn thành việc thẩm định hồ sơ và gửi văn bản đề nghị kèm theo hồ sơ đến cơ quan quản lý nhà nước về du lịch ở trung ương để xem xét, cấp giấy phép; trường hợp không đủ tiêu chuẩn để đề nghị cấp giấy phép thì cơ quan nhà nước về du lịch cấp tỉnh thông báo bằng văn bản nêu rõ lý do cho doanh nghiệp biết;

c) Trong thời hạn mười ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ và văn bản đề nghị của cơ quan nhà nước về du lịch cấp tỉnh, cơ quan quản lý nhà nước về du lịch ở trung ương có trách nhiệm xem xét, cấp giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế cho doanh nghiệp; trường hợp từ chối cấp giấy phép thì phải thông báo bằng văn bản, nêu rõ lý do cho cơ quan nhà nước về du lịch cấp tỉnh và doanh nghiệp biết.

Thứ ba, công ty liên doanh thường được tổ chức theo hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn; vì thế mỗi bên liên doanh chịu trách nhiệm trong phạm vi phần vốn cam kết góp vào vốn pháp định của doanh nghiệp. Doanh nghiệp liên doanh có tư cách pháp nhân theo pháp luật Việt Nam, được thành lập và hoạt động kể từ ngày được cấp Giấy phép đầu tư. Về hình thức góp vốn, theo quy định điều 35 Luật doanh nghiệp năm 2014 thì tài sản góp vốn là: Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, giá trị quyền sử dụng đất, giá trị quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, các tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam. Quyền sở hữu trí tuệ được sử dụng để góp vốn bao gồm quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và các quyền sở hữu trí tuệ khác theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ. Chỉ cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu hợp pháp đối với các quyền nói trên mới có quyền sử dụng các tài sản đó để góp vốn.

Để có quyền quyết định cao hơn trong công ty cũng như nắm giữ quyền chi phối trong công ty, phía công ty bạn có thể cân nhắc để góp tỷ lệ phần vốn góp trên 50% vốn điều lệ của công ty liên doanh. Công ty bạn có thể cân nhắc tình hình tài chính của công ty mình để quyết định tỷ lệ phần vốn góp vào công ty cho phù hợp và cân bằng với lợi ích của các bên.

Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hộ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận luật sư trực tuyến của chúng tôi để được giải đáp: ( Tổng đài luật sư trực tuyến 1900.6169 )
 

Trân trọng
P.Luật sư trực tuyến – Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo