Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Tư vấn lấy lại phần vốn đã góp khi tách công ty

Kính gửi quý luật sư ! tôi cần tư vấn một số vấn đề Cách đây 4 năm. Tôi và một người khác có góp vốn lập thành 01 công ty cổ phần ( trên giấy tờ là 3 nhưng thực tế chỉ có 2 người với tỷ lệ 40/40/20, tôi và người góp vốn chiếm 80% CP). Công ty làm về 02 lĩnh vực chính là điện lạnh công nghiệp và phân phối lắp đặt hệ thống an ninh giám sát, người kia làm giám đốc, còn tôi làm P.GĐ.

 

Phần lớn thời gian hoạt động, về tài chính chúng tôi không tách biệt giữa 02 mảng này, nhưng đến tháng 7/2015 chúng tôi bắt đầu tách biệt để dễ quản lý hơn. Hiện nay, công ty vẫn hoạt động bình thường nhưng vì nhiều lý do khác nhau về phương hướng và cách làm việc nên chúng tôi quyết định mỗi người một hướng đi riêng, sau khi thỏa thuận tôi ra lập công ty TNHH mới. Chúng tôi có làm 01 văn bản nội bộ thống nhất về vấn đề chia tài sản (bao gồm giá trị hàng tồn kho, tài sản cố định, quỹ tiền, các khoản phải thu đang dang dở) và giải quyết các khoản công nợ phải trả cho nhà cung cấp ở công ty CP cũ. Vì mới hạch toán riêng mảng từ tháng 07 nên mỗi người đều ký đại diện làm việc đứng ra làm việc với khoản nợ nhà cung cấp. Tôi biết việc tách ra sẽ có nhiều phần thiệt thòi, nên tôi chỉ cần 1/2 giá trị tiền sau khi lấy các khoản phải thu + hàng tồn kho, khi ra tôi sẽ dùng số tiền này và bán hàng tồn để trả cho nhà cung cấp rồi ra đi nhẹ nhàng, nhường lại toàn bộ công ty, phần lớn tài sản và thương hiệu gây dựng 4 năm. Tuy nhiên các khoản phải thu lại tập trung ở mảng của người kia, và giờ họ lật lọng là chia tính mảng nào theo mảng đó từ thời điểm tách ra, trong khi các khoản phải chi là chi chung. Các khoản nợ NCC của mảng bên tôi phụ trách cũng là do quá trình kinh doanh trước đó nhiều năm mảng bên họ có sử dụng vốn để kinh doanh. Hơn nữa các khoản phải thu họ còn tính nợ xấu + bảo hành chiếm hơn 1/2 số phải thu Các khoản phải thu của bên tôi gần như = 0 do bên tôi thu hồi công nợ tốt và là hàng hóa thương mại nên ko có nợ xấu. Các khoản phải thu của công trình thì bên mảng đó hoàn toàn chủ động với khách hàng nhưng không hề thông báo cho tôi biết tình hình, cũng chưa chốt cho tôi con số cụ thể, và thời gian khi đã thống nhất cách tính, khi tôi hỏi thì chỉ lờ đi nhưng lại bắt tôi phải đứng ra làm việc với nhà cung cấp bên mảng của tôi. Giờ tôi muốn nhờ luật sư giúp tôi làm như thế nào để tôi có thể ra đi và lấy lại những gì mà tôi đã góp phần xây dựng lâu nay.

 

Trả lời:

 

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Công ty Luật Minh Gia. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:

Theo điều 193 Luật doanh nghiệp 2014 về tách doanh nghiệp:

"Điều 193. Tách doanh nghiệp

1. Công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần có thể tách bằng cách chuyển một phần tài sản, quyền và nghĩa vụ của công ty hiện có (sau đây gọi là công ty bị tách) để thành lập một hoặc một số công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần mới (sau đây gọi là công ty được tách) mà không chấm dứt tồn tại của công ty bị tách.

2. Tách công ty có thể thực hiện theo một trong các phương thức sau đây:

a) Một phần phần vốn góp, cổ phần của các thành viên, cổ đông cùng với tài sản tương ứng với giá trị phần vốn góp, cổ phần được chuyển sang cho các công ty mới theo tỷ lệ sở hữu trong công ty bị tách và tương ứng giá trị tài sản được chuyển cho công ty mới;

b) Toàn bộ phần vốn góp, cổ phần của một hoặc một số thành viên, cổ đông cùng với tài sản tương ứng với giá trị cổ phần, phần vốn góp của họ được chuyển sang cho các công ty mới;

c) Kết hợp cả hai trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản này.

3. Công ty bị tách phải đăng ký thay đổi vốn điều lệ và số lượng thành viên tương ứng với phần vốn góp, cổ phần và số lượng thành viên giảm xuống đồng thời với đăng ký doanh nghiệp các công ty mới.

4. Thủ tục tách công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần được quy định như sau:

a) Hội đồng thành viên, chủ sở hữu công ty hoặc Đại hội đồng cổ đông của công ty bị tách thông qua nghị quyết tách công ty theo quy định của Luật này và Điều lệ công ty. Nghị quyết tách công ty phải có các nội dung chủ yếu về tên, địa chỉ trụ sở chính của công ty bị tách; tên công ty được tách sẽ thành lập; phương án sử dụng lao động; cách thức tách công ty; giá trị tài sản, các quyền và nghĩa vụ được chuyển từ công ty bị tách sang công ty được tách; thời hạn thực hiện tách công ty. Nghị quyết tách công ty phải được gửi đến tất cả các chủ nợ và thông báo cho người lao động biết trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày thông qua nghị quyết;

b) Các thành viên, chủ sở hữu công ty hoặc các cổ đông của công ty được tách thông qua Điều lệ, bầu hoặc bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và tiến hành đăng ký doanh nghiệp theo quy định của Luật này. Trường hợp này, hồ sơ đăng ký doanh nghiệp phải kèm theo nghị quyết tách công ty quy định tại điểm a khoản này.

5. Sau khi đăng ký doanh nghiệp, công ty bị tách và công ty được tách phải cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ chưa thanh toán, hợp đồng lao động và nghĩa vụ tài sản khác của công ty bị tách, trừ trường hợp công ty bị tách, công ty mới thành lập, chủ nợ, khách hàng và người lao động của công ty bị tách có thỏa thuận khác."

Như vậy, khi tách công ty thì quyết định tách công ty phải được Đại hội đồng cổ đông của công ty bị tách thông qua. Việc tách công ty có thể thực hiện theo một trong các phương thức tại khoản 2 quy định trên. Để thực hiện việc tách công ty thì các cổ đông trong công ty phải tiến hành việc họp đại hội đồng cổ đông, sau đó thông qua Nghị quyết. Các thủ tục triệu tập, tiến hành họp, biên bản họp đại hội đồng cổ đông được quy định tại các điều từ điều 135 đến 148 Luật doanh nghiệp 2014.

Điều kiện để nghị quyết về việc tách công ty được thông qua theo khoản 1 điều 144 Luật doanh nghiệp 2014 như sau:

"Điều 144. Điều kiện để nghị quyết được thông qua

1. Nghị quyết về nội dung sau đây được thông qua nếu được số cổ đông đại diện ít nhất 65% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông dự họp tán thành; tỷ lệ cụ thể do Điều lệ công ty quy định:

a) Loại cổ phần và tổng số cổ phần của từng loại;

b) Thay đổi ngành, nghề và lĩnh vực kinh doanh;

c) Thay đổi cơ cấu tổ chức quản lý công ty;

d) Dự án đầu tư hoặc bán tài sản có giá trị bằng hoặc lớn hơn 35% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty, hoặc tỷ lệ, giá trị khác nhỏ hơn do Điều lệ công ty quy định;

đ) Tổ chức lại, giải thể công ty;

e) Các vấn đề khác do Điều lệ công ty quy định."

Do đó:

- Nếu trình tự và thủ tục triệu tập họp và ra quyết định của Đại hội đồng cổ đông không thực hiện đúng theo quy định của Luật doanh nghiệp và Điều lệ công ty thì theo khoản 1 điều 147 Luật doanh nghiệp 2014, trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày nhận được biên bản họp Đại hội đồng cổ đông hoặc biên bản kết quả kiểm phiếu lấy ý kiến Đại hội đồng cổ đông, cổ đông, nhóm cổ đông quy định tại khoản 2 Điều 114 của Luật này có quyền yêu cầu Tòa án hoặc Trọng tài xem xét, hủy bỏ nghị quyết hoặc một phần nội dung nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông. Hoặc nếu văn bản nội bộ thống nhất về vấn đề chia tài sản không phải nghị quyết của đại hội đồng cổ đông thì cũng không thể tiến hành việc tách công ty.

- Nếu Đai hội đồng cổ đông công ty thống nhất việc chia tài sản của công ty và trình tự, thủ tục triệu tập và thông qua Nghị quyết thực hiện theo đúng quy định pháp luật về tách công ty thì khi đó, các nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông có hiệu lực kể từ ngày được thông qua hoặc từ thời điểm hiệu lực ghi tại Nghị quyết đó. Trường hợp đã thống nhất nội dung và thông qua Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông về tách công ty nhưng sau đó một trong các cổ đông hoặc/ và người quản lý công ty không thực hiện theo và gây khó khăn cho các cổ đông khác thì nếu bạn đồng thời là thành viên hội đồng quản trị thì có quyền yêu cầu giám đốc hoặc người quản lý thông báo về tình hình các khoản phải thu của công trình. Theo điều 155 Luật doanh nghiệp 2014:

"Điều 155. Quyền được cung cấp thông tin của thành viên Hội đồng quản trị

1. Thành viên Hội đồng quản trị có quyền yêu cầu Giám đốc, Phó Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, Phó tổng giám đốc, người quản lý các đơn vị trong công ty cung cấp các thông tin, tài liệu về tình hình tài chính, hoạt động kinh doanh của công ty và của các đơn vị trong công ty.

2. Người quản lý được yêu cầu phải cung cấp kịp thời, đầy đủ và chính xác các thông tin, tài liệu theo yêu cầu của thành viên Hội đồng quản trị. Trình tự, thủ tục yêu cầu và cung cấp thông tin do Điều lệ công ty quy định."

Bạn cũng có quyền theo quy định sau:

"Điều 114. Quyền của cổ đông phổ thông

...

2. Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 10% tổng số cổ phần phổ thông trở lên trong thời hạn liên tục ít nhất 06 tháng hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty có các quyền sau đây:

a) Đề cử người vào Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát;

b) Xem xét và trích lục sổ biên bản và các nghị quyết của Hội đồng quản trị, báo cáo tài chính giữa năm và hằng năm theo mẫu của hệ thống kế toán Việt Nam và các báo cáo của Ban kiểm soát;

c) Yêu cầu triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông trong trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này;

d) Yêu cầu Ban kiểm soát kiểm tra từng vấn đề cụ thể liên quan đến quản lý, điều hành hoạt động của công ty khi xét thấy cần thiết. Yêu cầu phải bằng văn bản; phải có họ, tên, địa chỉ thường trú, quốc tịch, số Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác đối với cổ đông là cá nhân; tên, địa chỉ thường trú, quốc tịch, số quyết định thành lập hoặc số đăng ký doanh nghiệp đối với cổ đông là tổ chức; số lượng cổ phần và thời điểm đăng ký cổ phần của từng cổ đông, tổng số cổ phần của cả nhóm cổ đông và tỷ lệ sở hữu trong tổng số cổ phần của công ty; vấn đề cần kiểm tra, mục đích kiểm tra;

đ) Các quyền khác theo quy định của Luật này và Điều lệ công ty."

Khi người quản lý Công ty có những vi phạm như không thực hiện theo quy định, không cung cấp thông tin tài liệu của công ty thì theo điều 161 Luật doanh nghiệp 2014, bạn có thể kiện theo thủ tục tố tụng dân sự:

"Điều 161. Quyền khởi kiện đối với thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc, Tổng giám đốc

1. Cổ đông, nhóm cổ đông sở hữu ít nhất 1% số cổ phần phổ thông liên tục trong thời hạn 06 tháng có quyền tự mình hoặc nhân danh công ty khởi kiện trách nhiệm dân sự đối với thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc trong các trường hợp sau đây:

a) Vi phạm nghĩa vụ người quản lý công ty theo quy định tại Điều 160 của Luật này;

b) Không thực hiện đúng các quyền và nghĩa vụ được giao; không thực hiện, thực hiện không đầy đủ, không kịp thời nghị quyết của Hội đồng quản trị;

c) Thực hiện các quyền và nghĩa vụ được giao trái với quy định của pháp luật, Điều lệ công ty hoặc nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông;

d) Sử dụng thông tin, bí quyết, cơ hội kinh doanh của công ty để tư lợi riêng hoặc phục vụ cho lợi ích của tổ chức, cá nhân khác;

đ) Sử dụng địa vị, chức vụ và sử dụng tài sản của công ty để tư lợi riêng hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác;

e) Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty.

2. Trình tự, thủ tục khởi kiện thực hiện tương ứng theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự. Chi phí khởi kiện trong trường hợp cổ đông, nhóm cổ đông khởi kiện nhân danh công ty sẽ tính vào chi phí của công ty, trừ trường hợp thành viên khởi kiện bị bác yêu cầu khởi kiện."

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Tư vấn lấy lại phần vốn đã góp khi tách công ty. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng
P.Luật sư trực tuyến – Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo