Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Tư vấn điều kiện kinh doanh ngành in

Kính gửi Luật sư! Luật sư cho em hỏi: em đăng ký làm giấy phép hoạt động ngành in theo Nghị định 60/2014/NĐ-CP, cơ quan có thẩm quyền yêu cầu cung cấp giấy đủ điều kiện về môi trường có phải bản cam kết môi trường không ? Em phải làm hồ sơ này như thế nào? Mong nhận được sự tư vấn của Luật sư. Em xin cảm ơn!

 

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Công ty Luật Minh Gia. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:

 

Điều 11 nghị định 60/2014/NĐ-CP quy định về điều kiện của cơ sở in như sau:

Điều 11. Điều kiện hoạt động của cơ sở in

1. Cơ sở in thực hiện chế bản, in, gia công sau in các sản phẩm quy định tại các Điểm a, b, c và d Khoản 4 Điều 2 Nghị định này phải có đủ các điều kiện sau đây:

a) Là doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập, hộ kinh doanh về hoạt động in (kể cả cơ sở in hoạt động độc lập và trực thuộc doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động trong các ngành, nghề, lĩnh vực khác);

b) Có thiết bị in để thực hiện ít nhất một trong các công đoạn chế bản, in, gia công sau in;

c) Có mặt bằng để thực hiện chế bản, in, gia công sau in ngoài khu dân cư, trừ cơ sở in chỉ sử dụng công nghệ, thiết bị in la-de (laser), in phun khổ từ A0 trở xuống và cơ sở in là hộ gia đình hoạt động in lưới (lụa) thủ công;

d) Có đủ điều kiện về an ninh - trật tự, bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật;

đ) Có chủ sở hữu là tổ chức, cá nhân Việt Nam;

e) Có người đứng đầu là công dân Việt Nam, thường trú hợp pháp tại Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và có trình độ cao đẳng trở lên về chuyên ngành in hoặc được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý hoạt động in.

2. Cơ sở in thực hiện chế bản, in, gia công sau in các sản phẩm không thuộc quy định tại các Điểm a, b, c và d Khoản 4 Điều 2 Nghị định này phải có đủ các điều kiện sau đây:

a) Có đủ điều kiện quy định tại các Điểm a, b, c, và d Khoản 1 Điều này;

b) Có người đứng đầu thường trú hợp pháp tại Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và có trình độ cao đẳng trở lên về chuyên ngành in hoặc được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý hoạt động in.

3. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quy định chi tiết Điểm b và Điểm c Khoản 1 Điều này.

Theo điều 18 Luật bảo vệ môi trường năm 2014 quy định về các đối tượng phải thực hiện việc việc đánh giá tác động môi trường thì:

Điều 18. Đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường

1. Đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường gồm:

a) Dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ;

b) Dự án có sử dụng đất của khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia, khu di tích lịch sử - văn hóa, khu di sản thế giới, khu dự trữ sinh quyển, khu danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng;

c) Dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường.

2. Chính phủ quy định danh mục dự án quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này.

Như vậy, theo quy định trên thì trường hợp của bạn khi xin giấy phép ngành in bạn sẽ phải thực hiện thủ tục đánh giá tác động môi trường ( chính là bản cam kết môi đảm bảo các điều kiện về môi trường theo quy định của pháp luật để thỏa mãn yêu cầu tại nghị định 60/2014/NĐ-CP) theo quy định tại điều 19 Luật bảo vệ môi trường 2014 như sau:

Điều 19. Thực hiện đánh giá tác động môi trường

1. Chủ dự án thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 18 của Luật này tự mình hoặc thuê tổ chức tư vấn thực hiện đánh giá tác động môi trường và chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả thực hiện đánh giá tác động môi trường.

2. Việc đánh giá tác động môi trường phải thực hiện trong giai đoạn chuẩn bị dự án.

3. Kết quả thực hiện đánh giá tác động môi trường thể hiện dưới hình thức báo cáo đánh giá tác động môi trường.

4. Chi phí lập, thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường thuộc nguồn vốn đầu tư dự án do chủ dự án chịu trách nhiệm.

Hồ sơ báo cáo đánh giá tác động môi trường bao gồm các giấy tờ sau đây:

- Quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường kèm theo báo cáo đánh giá tác động môi trường;

- Các văn bản đi kèm gồm: Dự án đầu tư  hoặc báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án; văn bản của chủ dự án đề nghị thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; quyết định thành lập Hội đồng thẩm định báo cáo ĐTM của dự án; bản nhận xét báo cáo đánh giá tác động môi trường của ủy viên Hội đồng; biên bản phiên họp chính thức Hội đồng thẩm định báo cáo ĐTM; phiếu thẩm định; văn bản giải trình về những chỉnh sửa, bổ sung nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường theo yêu cầu của biên bản tờ trình của Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường;
- Các tài liệu khác có liên quan (nếu có).

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Tư vấn điều kiện kinh doanh ngành in . Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng
P.Luật sư trực tuyến – Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo