Phạm Diệu

Trường hợp nào được thay đổi Chủ tịch Hội đồng thành viên trong công ty TNHH hai thành viên?

Luật sư tư vấn về giải quyết tranh chấp về việc thay đổi Chủ tịch Hội đồng thành viên, triệu tập và biểu quyết tại cuộc họp Hội đồng thành viên. Nội dung tư vấn như sau:

 

Kính chào công ty Luật Minh Gia. Hiện nay tôi có một vấn đề cần nhờ quý Luật sư tư vấn, mong quý Luật sư giúp đỡ. Trước đây tôi và một người bạn (gọi là A) có góp vốn thành lập công ty TNHH 2 thành viên (tỉ lệ vốn góp là 50/50) do A làm người đại diện theo pháp luật, chủ tịch hội đồng thành viên, chúng tôi có làm một bản cam kết rằng nếu như sau này A vì lý do tuổi cao, sức khỏe không đảm bảo hoặc khi nào có yêu cầu của tôi thì A phải để tôi làm người đại diện pháp luật, chủ tịch hội đồng thành viên. Nay A đã 64 tuổi, tôi muốn trở thành người đại diện theo pháp luật của công ty nên yêu cầu A triệu tập họp hội đồng thành viên để thông qua việc thay đổi người đại diện pháp luật, tuy nhiên đã 2 lần gửi yêu cầu triệu tập họp hội đồng thành viên nhưng ông A vẫn phớt lờ tôi và không tiến hành họp. Vậy tôi xin quý Luật sư  tư vấn vấn đề trên, nếu tôi gửi đơn khởi kiện ông A về việc không thực hiện bản cam kết kia có được không? Bản cam kết của chúng tôi có giá trị pháp lý ràng buộc ông A phải thực hiện theo đúng cam kết không (cam kết được công ty luật làm chứng)? Nếu tôi không thể khởi kiện thì tôi phải làm gì để buộc ông A phải thực hiện đúng cam kết? Tôi xin chân thành cảm ơn Quý Luật sư!

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi yêu cầu tư vấn tới công ty Luật Minh Gia. Căn cứ vào nội dung yêu cầu tư vấn của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:

 

Căn cứ tại khoản 1 Điều 58 Luật doanh nghiệp 2014 quy định về việc triệu tập họp Hội đồng thành viên:

 

1. Hội đồng thành viên được triệu tập họp theo yêu cầu của Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc theo yêu cầu của thành viên hoặc nhóm thành viên quy định tại khoản 8 và khoản 9 Điều 50 của Luật này. Cuộc họp của Hội đồng thành viên phải được tổ chức tại trụ sở chính của công ty, trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác.”.

 

Tại khoản 3 Điều 58 Luật doanh nghiệp quy định như sau:

 

“3. Trường hợp Chủ tịch Hội đồng thành viên không triệu tập họp Hội đồng thành viên theo yêu cầu của thành viên, nhóm thành viên theo quy định tại khoản 8 và khoản 9 Điều 50 của Luật này trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu thì thành viên, nhóm thành viên đó triệu tập họp Hội đồng thành viên.”.

 

Căn cứ quy định nêu trên và đối chiếu theo thông tin bạn cung cấp, trường hợp bạn đã 2 lần gửi yêu cầu triệu tập họp Hội đồng thành viên nhưng ông A vẫn không triệu tập họp theo yêu cầu của bạn thì trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu bạn có quyền tiến hành triệu tập họp Hội đồng thành viên.

 

Và tại Điều 59 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định về điều kiện và thể thức tiến hành họp Hội đồng thành viên, cụ thể như sau:

 

Điều 59. Điều kiện và thể thức tiến hành họp Hội đồng thành viên

 

1. Cuộc họp Hội đồng thành viên được tiến hành khi có số thành viên dự họp sở hữu ít nhất 65% vốn điều lệ; tỷ lệ cụ thể do Điều lệ công ty quy định.

 

2. Trường hợp Điều lệ không quy định hoặc không có quy định khác, triệu tập họp Hội đồng thành viên trong trường hợp cuộc họp lần thứ nhất không đủ điều kiện tiến hành theo quy định tại khoản 1 Điều này thì được thực hiện như sau:

 

a) Triệu tập họp lần thứ hai phải được thực hiện trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày dự định họp lần thứ nhất. Cuộc họp Hội đồng thành viên triệu tập lần thứ hai được tiến hành khi có số thành viên dự họp sở hữu ít nhất 50% vốn điều lệ;

 

b) Trường hợp cuộc họp lần thứ hai không đủ điều kiện tiến hành theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều này thì được triệu tập họp lần thứ ba trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày dự định họp lần thứ hai. Trường hợp này, cuộc họp Hội đồng thành viên được tiến hành không phụ thuộc số thành viên dự họp và số vốn điều lệ được đại diện bởi số thành viên dự họp.

 

3. Thành viên, người đại diện theo ủy quyền của thành viên phải tham dự và biểu quyết tại cuộc họp Hội đồng thành viên. Thể thức tiến hành họp Hội đồng thành viên, hình thức biểu quyết do Điều lệ công ty quy định.

 

4. Trường hợp cuộc họp đủ điều kiện quy định tại Điều này không hoàn thành chương trình họp trong thời hạn dự kiến, thì có thể kéo dài phiên họp; thời hạn kéo dài không được quá 30 ngày, kể từ ngày khai mạc cuộc họp đó.”.

 

Như vậy, để tiến hành cuộc họp Hội đồng thành viên quyết định những vấn đề trên thì tùy từng trường hợp cụ thể, cuộc họp có thể diễn ra khi đáp ứng những điều kiện tương ứng theo quy định tại Điều luật trên.

 

Ngoài ra, tại Điều 60 Luật doanh nghiệp 2014 quy định về việc thông qua Nghị quyết của Hội đồng thành viên:

 

“1. Hội đồng thành viên thông qua các nghị quyết thuộc thẩm quyền bằng biểu quyết tại cuộc họp, lấy ý kiến bằng văn bản hoặc hình thức khác do Điều lệ công ty quy định.

 

2. Trường hợp Điều lệ công ty không có quy định khác thì quyết định về các vấn đề sau đây phải được thông qua bằng biểu quyết tại cuộc họp Hội đồng thành viên:

 

a) Sửa đổi, bổ sung nội dung của Điều lệ công ty quy định tại Điều 25 của Luật này;

 

b) Quyết định phương hướng phát triển công ty;

 

c) Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch Hội đồng thành viên; bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc;

 

d) Thông qua báo cáo tài chính hằng năm;

 

đ) Tổ chức lại hoặc giải thể công ty.

 

3. Trường hợp Điều lệ công ty không có quy định khác, nghị quyết của Hội đồng thành viên được thông qua tại cuộc họp trong các trường hợp sau đây:

 

a) Được số phiếu đại diện ít nhất 65% tổng số vốn góp của các thành viên dự họp tán thành, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản này;

 

5. Nghị quyết của Hội đồng thành viên được thông qua dưới hình thức lấy ý kiến bằng văn bản khi được số thành viên sở hữu ít nhất 65% vốn điều lệ tán thành; tỷ lệ cụ thể do Điều lệ công ty quy định.”.

 

Như vậy, trường hợp muốn tiến hành thay đổi chủ tịch Hội đồng thành viên và người đại diện theo pháp luật của công ty thì Nghị quyết của Hội đồng thành viên cần phải được số phiếu đại diện ít nhất 65% tổng số vốn góp của các thành viên dự họp tán thành, trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác.

 

Về vấn đề hai bên có văn bản cam kết về trường hợp khi A tuổi cao, sức khỏe không đảm bảo thì phải để cho bạn - người còn lại thay thế vị trí của A. Việc các bên thỏa thuận như trên không trái quy định của pháp luật. Tuy nhiên, cần phải xem xét văn bản thỏa thuận của hai bên về căn cứ xác định cụ thể “tuổi cao, sức khỏe không đảm bảo” là như thế nào? Trường hợp trong văn bản thỏa thuận ghi nhận rõ về vấn đề này thì bạn có quyền yêu cầu bên còn lại thực hiện theo đúng cam kết đã thỏa thuận. Trường hợp trong cam kết không ghi nhận thì căn cứ tại Điều lệ công ty để giải quyết.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.

Phòng Luật sư tư vấn Doanh nghiệp - Công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo