Trần Phương Hà

Trình tự, thủ tục đăng kí kinh doanh xe đạp điện, xe máy điện

Hiện tại tôi đang chuẩn bị làm thủ tục để lắp ráp và kinh doanh xe đạp điện, xe máy điện tại LC, vậy các anh có thể vui lòng tư vấn giúp tôi về trình tự thủ tục và nếu được có thể nhờ các anh giúp làm các giấy phép con được không ( ví dụ như giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện lắp ráp sản xuất)

 
Câu hỏi đề nghị tư vấn: Thưa quý luật sư, cho tôi gửi những lời chào lời chúc trân trọng nhất tới toàn thể các anh chị trong công ty luật Minh Gia.
Hiện tại tôi đang chuẩn bị làm thủ tục để lắp ráp và kinh doanh xe đạp điện, xe máy điện tại LC, vậy các anh có thể vui lòng tư vấn giúp tôi về trình tự thủ tục và nếu được có thể nhờ các anh giúp làm các giấy phép con được không ( ví dụ như giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện lắp ráp sản xuất). 
công ty Luật bên mình có thể giúp doanh nghiệp tiếp xúc và làm việc với cục đăng kiểm được không?
rất cám ơn các anh đã đọc câu hỏi của tôi. Một lần nữa chúc Luật Minh Gia vạn phúc. 
 
Trả lời: Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn tới công ty Luật Minh Gia. Với câu hỏi của bạn, chúng tôi xin được tư vấn như sau:

Luật doanh nghiệp 2014 quy định như sau:

Điều 27. Trình tự, thủ tục đăng ký doanh nghiệp
 
1. Người thành lập doanh nghiệp hoặc người được ủy quyền gửi hồ sơ đăng ký doanh nghiệp theo quy định tại Luật này cho Cơ quan đăng ký kinh doanh.

2. Cơ quan đăng ký kinh doanh có trách nhiệm xem xét tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ. Trường hợp từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì phải thông báo bằng văn bản cho người thành lập doanh nghiệp biết. Thông báo phải nêu rõ lý do và các yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ.

3. Chính phủ quy định chi tiết trình tự, thủ tục, hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, sự phối hợp liên thông giữa các cơ quan trong cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, đăng ký lao động, bảo hiểm xã hội và đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử.
 
Như vậy, bạn hoặc người được bạn ủy quyền sẽ tiến hành gửi hồ sơ đăng ký doanh nghiệp tới Phòng đăng kí kinh doanh cấp tỉnh tại tỉnh LC.

Bạn chỉ được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh nếu đáp ứng các điều kiện sau:

Điều 28. Cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
 
1. Doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:
 
a) Ngành, nghề đăng ký kinh doanh không bị cấm đầu tư kinh doanh;
 
b) Tên của doanh nghiệp được đặt theo đúng quy định tại các Điều 38, 39, 40 và 42 của Luật này;
 
c) Có hồ sơ đăng ký doanh nghiệp hợp lệ;
 
d) Nộp đủ lệ phí đăng ký doanh nghiệp theo quy định pháp luật về phí và lệ phí.
 
2. Trường hợp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp bị mất, bị hủy hoại, bị hư hỏng hoặc bị tiêu hủy dưới hình thức khác, doanh nghiệp được cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và phải trả lệ phí theo quy định pháp luật về phí và lệ phí.

Thứ nhất, hoạt động kinh doanh xe đạp điện, xe máy không thuộc danh mục các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện được quy định tại Nghị định 72/2009/NĐ-CP quy định điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề kinh doanh có điều kiện.

Thứ hai, tên của doanh nghiệp phải được đặt đảm bảo thỏa mãn quy định của pháp luật. Cụ thể:

Điều 38. Tên doanh nghiệp
 
1. Tên tiếng Việt của doanh nghiệp bao gồm hai thành tố theo thứ tự sau đây:
 
a) Loại hình doanh nghiệp. Tên loại hình doanh nghiệp được viết là “công ty trách nhiệm hữu hạn” hoặc “công ty TNHH” đối với công ty trách nhiệm hữu hạn; được viết là “công ty cổ phần” hoặc “công ty CP” đối với công ty cổ phần; được viết là “công ty hợp danh” hoặc “công ty HD” đối với công ty hợp danh; được viết là “doanh nghiệp tư nhân”, “DNTN” hoặc “doanh nghiệp TN” đối với doanh nghiệp tư nhân;
 
b) Tên riêng. Tên riêng được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ F, J, Z, W, chữ số và ký hiệu.
 
2. Tên doanh nghiệp phải được gắn tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp. Tên doanh nghiệp phải được in hoặc viết trên các giấy tờ giao dịch, hồ sơ tài liệu và ấn phẩm do doanh nghiệp phát hành.
 
3. Căn cứ vào quy định tại Điều này và các Điều 39, 40 và 42 của Luật này, Cơ quan đăng ký kinh doanh có quyền từ chối chấp thuận tên dự kiến đăng ký của doanh nghiệp.
  
Điều 39. Những điều cấm trong đặt tên doanh nghiệp
 
1. Đặt tên trùng hoặc tên gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp đã đăng ký được quy định tại Điều 42 của Luật này.
 
2. Sử dụng tên cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tên của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp để làm toàn bộ hoặc một phần tên riêng của doanh nghiệp, trừ trường hợp có sự chấp thuận của cơ quan, đơn vị hoặc tổ chức đó.
 
3. Sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc.
 
Nếu tên doanh nghiệp được viết bằng tiếng nước ngoài hoặc viết tắt thì:
 
Điều 40. Tên doanh nghiệp bằng tiếng nước ngoài và tên viết tắt của doanh nghiệp
 
1. Tên doanh nghiệp bằng tiếng nước ngoài là tên được dịch từ tên tiếng Việt sang một trong những tiếng nước ngoài hệ chữ La-tinh. Khi dịch sang tiếng nước ngoài, tên riêng của doanh nghiệp có thể giữ nguyên hoặc dịch theo nghĩa tương ứng sang tiếng nước ngoài.
 
2. Trường hợp doanh nghiệp có tên bằng tiếng nước ngoài, tên bằng tiếng nước ngoài của doanh nghiệp được in hoặc viết với khổ chữ nhỏ hơn tên tiếng Việt của doanh nghiệp tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp hoặc trên các giấy tờ giao dịch, hồ sơ tài liệu và ấn phẩm do doanh nghiệp phát hành.
 
3. Tên viết tắt của doanh nghiệp được viết tắt từ tên tiếng Việt hoặc tên viết bằng tiếng nước ngoài.
 
Đồng thời, tên của doanh nghiệp cũng không được trùng hoặc gây nhầm lẫn với doanh nghiệp khác:

Điều 42. Tên trùng và tên gây nhầm lẫn
 
1. Tên trùng là tên tiếng Việt của doanh nghiệp đề nghị đăng ký được viết hoàn toàn giống với tên tiếng Việt của doanh nghiệp đã đăng ký.
 
2. Các trường hợp sau đây được coi là tên gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp đã đăng ký:
 
a) Tên tiếng Việt của doanh nghiệp đề nghị đăng ký được đọc giống như tên doanh nghiệp đã đăng ký;
 
b) Tên viết tắt của doanh nghiệp đề nghị đăng ký trùng với tên viết tắt của doanh nghiệp đã đăng ký;
 
c) Tên bằng tiếng nước ngoài của doanh nghiệp đề nghị đăng ký trùng với tên bằng tiếng nước ngoài của doanh nghiệp đã đăng ký;
 
d) Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi một số tự nhiên, số thứ tự hoặc các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt và các chữ cái F, J, Z, W ngay sau tên riêng của doanh nghiệp đó;
 
đ) Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi ký hiệu “&”, “.”, “+”, “-”, “_”;
 
e) Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi từ “tân” ngay trước hoặc “mới” ngay sau hoặc trước tên riêng của doanh nghiệp đã đăng ký;
 
g) Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi từ “miền Bắc”, “miền Nam”, “miền Trung”, “miền Tây”, “miền Đông” hoặc từ có ý nghĩa tương tự.
 
Thứ ba, bạn phải nộp hồ sơ đăng kí kinh doanh hợp lệ:

Điều 20. Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp của doanh nghiệp tư nhân
 
1. Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.
 
2. Bản sao Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của chủ doanh nghiệp tư nhân.

 
Trong đó, giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp bao gồm:
 
1. Tên doanh nghiệp.
 
2. Địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp; số điện thoại, số fax, thư điện tử (nếu có).
 
3. Ngành, nghề kinh doanh.
 
4. Vốn điều lệ; vốn đầu tư của chủ doanh nghiệp tư nhân.
 
5. Các loại cổ phần, mệnh giá mỗi loại cổ phần và tổng số cổ phần được quyền chào bán của từng loại cổ phần đối với công ty cổ phần.
 
6. Thông tin đăng ký thuế.
 
7. Số lượng lao động.
 
8. Họ, tên, chữ ký, địa chỉ thường trú, quốc tịch, số Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của chủ doanh nghiệp tư nhân và thành viên hợp danh.
 
9. Họ, tên, chữ ký, địa chỉ thường trú, quốc tịch, số Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần.
 
Thứ tư, bạn cũng cần nộp đủ lệ phí thành lập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.

Với mẫu giấy đề nghị đăng kí thành lập doanh nghiệp tư nhân, chúng tôi đã có sẵn mẫu tại trang chủ của công ty. Bạn có thể tham khảo tại https://luatminhgia.com.vn/mau-de-nghi-dang-ky-kinh-doanh-doanh-nghiep-tu-nhan.aspx

Với đề nghị giúp doanh nghiệp của bạn tiếp xúc và làm việc với cục đăng kiểm thuộc về dịch vụ tư vấn của công ty. Bạn có thể gọi điện tới số điện thoại 19006169 để được hướng dẫn và tư vấn rõ hơn về vấn đề này.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Trình tự, thủ tục đăng kí kinh doanh xe đạp điện, xe máy điện . Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng
Luật gia Nguyễn Thương – Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo